Học thiết kế không cần năng khiếu?

Thiết kế đồ hoạ và thiết kế thời trang - một ngành học mà có lẽ rất nhiều người vẫn nghĩ rằng cứ phải có năng khiếu mới theo học được.

Tuy nhiên, Học viện Thiết kế Hoa Lan (Hoalan Studies) - một cơ sở đào tạo mới ra đời chưa lâu về lĩnh vực này lại khẳng định là hoàn toàn có thể theo được mà không nhất thiết phải có tố chất đó. Dưới đây là những ý kiến trao đổi, tâm sự của hoạ sĩ Lương Minh Hòa - Giám đốc Hoalan Studies về vấn đề này.
 
Trước hết, xin ông giải thích rõ hơn về thuật ngữ “thiết kế” cùng những thực tế của nó?
 
Có một thực tế mà chúng ta phải nhìn rõ thực tế để tránh những sự nhầm lẫn, đổ đồng. Lâu nay ở Việt Nam mới chỉ có đào tạo về mỹ thuật mang tính nghệ thuật thuần tuý. Tức là để sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật mang tính độc bản hoặc nhân bản trong một số lượng hạn chế. Còn về mỹ thuật phục vụ cho nền sản xuất mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “mỹ thuật ứng dụng” hay “mỹ thuật công nghiệp” thì dường như vẫn chưa có theo đúng nghĩa của nó. Sát nghĩa hơn thì phải gọi là “thiết kế” hay “thẩm mỹ công nghiệp” nhưng vẫn chưa thể lột tả hết nguyên bản của từ “design” mà quốc tế đang sử dụng. Thực tế là ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… người ta đã sử dụng luôn từ “design” thay vì cố gắng tìm một từ tương thích trong ngôn ngữ của họ.

Học thiết kế không cần năng khiếu?  - 1

Để giải nghĩa cho thuật ngữ này, trước hết tôi trở lại với thực tế của môi trường mỹ thuật. Muốn vẽ được con người một cách bình thường thì sinh viên các trường nghệ thuật phải học giải phẫu, vẽ người khoả thân… Cũng hệt như vậy, để tạo dáng cho một sản phẩm công nghiệp thì nhà thiết kế cũng phải được trang bị kiến thức về công nghệ chế tạo, công nghệ vật liệu… ít nhất đủ trình độ để làm việc với các nhà kỹ thuật. Có như vậy, sản phẩm mẫu mới ngoài yếu tố hình thức mới thoả mãn được các yêu cầu đặt ra về tính bền vững và thích ứng với quy trình sản xuất hàng loạt… Không chỉ có vậy, sản phẩm đó cũng còn phải chiếm lĩnh được thị trường, phù hợp với thị hiếu của khách hàng… Và như vậy, nhà thiết kế còn phải hiểu biết về thị trường, kinh doanh để đưa ra được mẫu sản phẩm phù hợp và hút được khách hàng… Chính vì những thực tế đó, rất khó tìm được từ nào trong tiếng Việt để lột tả hết được các thuật ngữ “design” hay “designer” mà tốt nhất là có lẽ chúng ta nên theo gương của nhiều nước là sử dụng luôn các thuật ngữ này.
 
Vậy theo ông, thiết kế sẽ có ý nghĩa và vai trò như thế nào với nền kinh tế Việt Nam và phải làm gì để thúc đẩy nó?
 
Như tôi đã đề cập, lâu nay chúng ta chưa nhìn nhận đúng về thiết kế và về lý dù đã có trường lớp đào tạo nhưng vẫn nặng tính nghệ thuật mà chưa thực sự gắn kết với khoa học kỹ thuật. Tình trạng đó dẫn đến một thực tế là họa sĩ không biết gì về kỹ thuật và kỹ sư không hiểu gì về thẩm mỹ như nhiều người vẫn nói. Trong khi đó, ở các nước phát triển mà đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc thì yếu tố này hết sức quan trọng và 80% các đại học của họ đều có chuyên ngành đào tạo về thiết kế bên cạnh việc đưa những kiến thức này vào chương trình chính thức của các ngành kinh tế, kỹ thuật.

Học thiết kế không cần năng khiếu?  - 2

Sản phẩm của nền sản xuất có cạnh tranh được trên thị trường hay không chính là nhờ thiết kế với kiểu dáng công nghiệp độc đáo cùng công năng tối ưu chứ không phải là nhờ tăng năng suất, hạ giá thành. Điển hình mà chúng ta có thể thấy suốt hàng chục năm qua là các dòng xe máy của Honda vì về mặt kỹ thuật thì họ đã hoàn thiện từ lâu rồi và bán được là nhờ thay đổi kiểu dáng. Thậm chí khác nhau màu sơn cũng đã khác giá tiền… Và nay, một ví dụ nữa là điện thoại di động iPhone và máy tính bảng iPad của Apple với giao diện hấp dẫn bởi yếu tố thiết kế chứ không chỉ là phần mềm tiện ích… Điểm yếu của sản phẩm công nghiệp Việt Nam chính là ở đó và chúng ta phải cùng nhau khắc phục.
 
Điều đáng mừng ở Việt Nam là các nhà hoạch định chính sách cũng đã nhận ra vấn đề và những chương trình, kế hoạch về phát triển Công nghiệp Sáng tạo đã được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch khởi động. Cùng với Công nghiệp Sáng tạo, một chương trình khác về Xúc tiến Thiết kế cũng đang được Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) triển khai nhằm nhắm tới đối tượng chính là doanh nghiệp, nhà sản xuất. Vấn đề còn lại là có lẽ thuộc về ngành giáo dục để có được những chính sách cụ thể phù hợp và định hướng về phát triển nguồn nhân lực không chỉ riêng cho thiết kế. Tuy nhiên, những người như chúng tôi không thể chờ đợi những điều kiện đó mà phải chủ động bước chân vào thị trường dù rằng vẫn còn thiếu rất nhiều điều kiện. Cũng phải nói thêm rằng, ngoài việc cung cấp nhân lực cho thị trường, Hoalan Studies làm đào tạo cũng vì cả nhu cầu nhân lực của chính mình. Để theo học các chương trình đào tạo của chúng tôi, học viên không nhất thiết phải có năng khiếu nghệ thuật mà quan trọng nhất là niềm đam mê cùng thái độ cầu thị.
 
Trong một chừng mực nào đó, thiết kế cũng là một ngành nghệ thuật. Vậy tại sao Hoalan Studies lại không đòi hỏi học viên của mình phải có năng khiếu nghệ thuật?
 
Đương nhiên, thiết kế là một nghệ thuật nhưng nó là nghệ thuật dựa trên nền tảng của khoa học kỹ thuật để làm nên cái đẹp cho sản phẩm công nghiệp. Vì thế, sẽ là không hợp lý nếu những người như chúng tôi lại đòi hỏi điều đó với học viên. Có năng khiếu, đó cũng là điều tốt nhưng nếu đòi hỏi yếu tố này thì liệu bao nhiêu người có thể theo học được và những người không vượt qua ngưỡng này có lẽ đành từ bỏ niềm đam mê để theo đuổi.
 
Thay vì đòi hỏi yếu tố năng khiếu đó ở học viên, tại sao chúng ta không cung cấp cho họ các kiến thức thiết thực về toán học và vật lý trong quá trình học tập, tìm hiểu về mỹ thuật cơ bản? Thực ra, đó là những kiến thức không có gì mới mẻ cả và đã được Leona de Vinci nghiên cứu ra từ mấy thế kỷ trước. Để vẽ được khuôn mặt một con người mà nếu đòi hỏi năng khiếu thì có lẽ rất ít người vẽ được và theo quy trình mà các trường nghệ thuật ở Việt Nam đang dạy thì cũng mất không ít thời gian cùng số lượng tuyển sinh hàng năm cũng không nhiều được. Tuy nhiên, nếu quy nó về toán hình học cùng yếu tố vật lý để thể hiện được sáng tối, chiều sâu… thì thời gian học sẽ rút ngắn được rất nhiều và số lượng người có thể học chắc chắn cũng lớn hơn. Vì thế, những thí sinh không thi đỗ vào các trường nghệ thuật nếu đến với chúng tôi chắc chắn sẽ nhanh chóng đạt được ngưỡng trình độ cần thiết đó để theo học về thiết kế và sớm kiếm được việc làm.
 
Như tôi đã đề cập, 80% các đại học ở Hàn Quốc có chuyên ngành đào tạo về thiết kế và sinh viên các ngành kinh tế, kỹ thuật của họ đều được học các kiến thức về thiết kế trong chương trình đào tạo chính thức của mình. Với Việt Nam, cũng đã đến lúc vấn đề này cần được thức tỉnh và không thể chậm trễ hơn nữa. Sinh viên các trường kinh tế, kỹ thuật vốn đã có sẵn các kiến thức nền tảng đó sẽ rất thuận lợi nếu được trang bị thêm kiến thức về thiết kế. Có thêm kiến thức về thiết kế, họ hoàn toàn có thể chủ động làm ra sản phẩm mới vừa có công năng tốt vừa có hình thức đẹp. Vì thế, chúng tôi sẽ chủ động “tiếp thị” về mình với các trường đại học thuộc khối kinh tế, kỹ thuật cho những mong muốn đó.
 
Cuối cùng, bên cạnh những nỗ lực cho hoạt động đào tạo về thiết kế, tâm nguyện và mong muốn của ông là gì?
 
Tâm nguyện, mong muốn và cả những khát vọng là điều ai cũng có. Và nếu chờ có đủ điều kiện để làm thì không biết đến bao giờ. Vì thế, lớp trẻ nên sớm bước vào đời, bước vào thương trường mà không nên chờ đợi có đủ điều kiện và phải dám làm, dám chịu. Tất nhiên là cũng có người thành công, có người thất bại nhưng nếu có vấp váp thì cũng là chuyện bình thường nếu như tuổi trẻ của họ vẫn còn ở phía trước để tìm kiếm, thử thách trước những cơ hội mới. Đó là những điều mà không chỉ riêng tôi mong muốn với lớp trẻ và có lẽ cũng không cần phải nói thêm điều gì nữa cho riêng mình nữa.
 
Xin cám ơn ông và chúc cho sự thành công của Hoalan Studies!
 
Tân Khoa (thực hiện)
 
Chi tiết xin liên hệ:
 
Học viện Thiết kế Hoalan Studies
 
Số 10 Đỗ Hành, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (gần ga Hà Nội)
 
Tel: 04.668 36 456  -  04.668 31 228   -  04.668 30 136
 
Hotline: 0983 097 911 (Mr. Hòa) / 0122222 7123 (Mr.Lĩnh)