Học thêm đặt giáo viên vào một vị thế quyền lực
(Dân trí) - “Việc học thêm đặt giáo viên vào một vị thế quyền lực không đáng có đối với cha mẹ học sinh. Cha mẹ học sinh phải chịu áp lực đóng tiền học thêm cho con mình nếu như muốn tránh rủi ro con mình có thể bị giáo viên đánh trượt trong kỳ thi”.
Học thêm - mất bình đẳng trong học tập
Theo nghiên cứu của WB, học thêm không phải là hiện tượng riêng của Việt Nam mà là hiện tượng phổ biến ở một số nước ở khu vực Đông Á nhưng ở Việt Nam, hiện tượng này là nổi bật nhất. Tại Việt Nam năm 2010, cha mẹ của 33% học sinh tiểu học và 49% học sinh THCS báo cáo về các khoản chi tiêu cho việc học thêm các môn học chính khóa.
Phân tích học thêm trong nhiều khía cạnh, ông Christian Bodewig - trưởng nhóm nghiên cứu của WB cho biết: Thứ nhất, nếu việc học thêm tập trung vào cùng những kiến thức cơ bản, nhưng chú trọng vào một phần hẹp hơn so với chương trình học chính khóa nửa ngày (học thêm đối với các môn bắt buộc) thay vì mở rộng chương trình giảng dạy và hoạt động để giúp học sinh xây dựng các kỹ năng hành vi, ví dụ như học nghệ thuật hay thể thao thì học sinh chịu rủi ro phí phạm thời gian học thêm quý giá của mình, trong khi thời gian đó có thể dùng cho các hoạt động khác.
Thứ hai, các lớp học thêm thường là không chính thức và không được quản lý. Việc học thêm đặt giáo viên vào một vị thế quyền lực không đáng có đối với cha mẹ học sinh. Cha mẹ học sinh phải chịu áp lực đóng tiền học thêm cho con mình nếu như muốn tránh rủi ro con mình có thể bị giáo viên đánh trượt trong kỳ thi. Ông Christian Bodewig cho biết, nghiên cứu của ông có bằng chứng cho thấy cha mẹ học sinh được yêu cầu phải chi trả các khoản không chính thức cho nhà trường và giáo viên. Chính dạy thêm cũng làm giảm động lực để giáo viên cố gắng trong các giờ dạy chính khóa.
Thứ ba, các gia đình khá giả hơn có khả năng để chi nhiều hơn cho các lớp học thêm, và học thêm, về cơ bản, là một hiện tượng của đô thị. Như vậy, xã hội chịu rủi ro là các lớp học thêm sẽ làm cho bất bình đẳng trong môi trường học tập ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Tăng cường học 2 buổi/ngày là biện pháp hữu hiệu để giảm học thêm.
Tăng giờ học để giảm dạy thêm?
Mới đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến về đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Văn Như Cương cho rằng: “Về bản chất, dạy thêm, học thêm không có gì là xấu, nhưng một khi đi quá giới hạn khả năng chịu đựng của nhiều gia đình, nhiều học sinh thì đó là tiêu cực, đáng lên án. Quan trọng chúng ta có phân biệt được tiêu cực trong nó hay không? . Chúng ta phải tiến tới điều đó chứ không phải là cấm dạy thêm, học thêm một cách tràn lan.
Nguyên nhân học thêm, PGS Cương ví von: “Ăn không đủ no thì phải ăn thêm. Nếu trong trường hợp cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh thỏa mãn rồi thì tự sẽ không cần đi học thêm”. Ông Cương nêu ý kiến, nên có một cuộc điều tra xã hội học, điều tra theo hướng trường nào học sinh nhiều tiền mà đi học thêm và nhiều tiền nhưng lại không đi học thêm. Mục đích để thấy yêu cầu học thêm nằm ở bộ phận nhân dân nào.
PGS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Vinh nhận định: “Dạy thêm, học thêm cũng là một yếu tố tâm lý của phụ huynh, một buổi các em đến trường, mặc dù được nhà trường quản lí rất chặt chẽ, nhưng buổi còn lại học sinh ở nhà và nhiều phụ huynh muốn gửi con cho các thầy quản lý trong thời gian bố mẹ đi làm”. Theo PGS Khoa, nên yêu cầu các nhà trường dạy hai buổi/ngày sẽ khắc phục được tình trạng dạy thêm học thêm.
Ông Christian Bodewig (WB) nhận xét, Bộ GD-ĐT đã thử tìm cách quản lý các lớp học thêm ngoài giờ, nhưng hầu như không đạt kết quả. Theo ông, một giải pháp thay thế cho việc quản lý các lớp học thêm là mở rộng việc học hai buổi để giảm thời gian rảnh của giáo viên dành cho việc dạy thêm, đồng thời bù đắp phần thu nhập bị thiếu hụt khi bỏ dạy thêm. Học nhiều hơn đồng nghĩa với chi phí cao hơn và phần này cần Chính phủ, hoặc cha mẹ học sinh, hoặc cả hai bên cùng chi trả.
Phụ huynh nên hài lòng với kiến thức học ở trường!
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã thừa nhận, dạy thêm, học thêm vẫn đang là gánh nặng với nhiều gia đình. Không chỉ nguyên nhân là chương trình, sách giáo khoa mà còn do quản lý. Giờ học chính khóa ít cũng là yếu tố tạo nên dạy thêm - học thêm.
“Việc đổi mới kiểm tra đánh giá cùng với thay đổi chương trình, trong đó có yếu tố thay đổi mục tiêu, nội dung đào tạo, phương pháp giáo dục, nhu cầu về dạy thêm - học thêm sẽ giảm, không còn tiêu cực, nặng nề như hiện nay. Theo đó, thời gian tới sẽ hướng tới việc tăng giờ học - trước hết bằng cách tự nguyện. Gia đình và nhà trường có điều kiện thì tăng số giờ học cho các em được học tại trường, trong đó, chủ yếu tăng số giờ học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để quá trình học tập hiệu quả hơn, rèn được phương pháp tự học cho học sinh” - ông Hiển cho hay.
Chia sẻ với phụ huynh về học thêm, Thứ trưởng GD-ĐT nói: “Phụ huynh nên kỳ vọng một cách vừa phải với con em, nên kỳ công cho con mình nhiều hơn. Kỳ vọng nhiều quá sẽ gây sức ép cho con em, trong đó có sức ép thông qua dạy thêm - học thêm. Phụ huynh hãy hài lòng với kiến thức cơ bản được dạy ở nhà trường. Khi con em có khả năng học tập cao hơn thì hãy hướng các em đi học thêm. Kiến thức cơ bản đã đảm bảo được cho các em học sinh phổ thông ở mức độ đạt chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông”.
Hồng Hạnh