Thay đổi kiểm tra nhằm giảm dạy thêm - học thêm
(Dân trí) - “Sắp tới ngành giáo dục thay đổi việc kiểm tra, đánh giá học sinh, hướng tới mục tiêu kiểm tra học sinh học được cái gì, vận dụng được điều gì để khắc phục tình trạng dạy thêm - học thêm hiện nay”.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại buổi đối thoại trực tuyến ngày 4/12 với chủ đề “Đột phá trong thi cử, khắc phục tình trạng dạy thêm - học thêm” do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức
Tham dự buổi tọa đàm, ngoài Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển còn có PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, PGS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh.
Dạy thêm - học thêm bắt nguồn từ chương trình học
Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là sau năm 2015, ngành giáo dục sẽ giảm mạnh đầu môn học, mỗi học kỳ không quá 8 môn để giảm tải. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nếu đổi mới theo hướng này, việc dạy thêm - học thêm vẫn còn nhưng không xuất phát từ mặt tiêu cực mà thực sự vì quyền lợi học sinh.
Theo Thứ trưởng Hiển, hiện nay, hiện tượng dạy thêm tràn lan một phần bắt nguồn từ chương trình. Chương trình bắt học sinh học nhiều, các em phải học bằng nhau, có kiểm tra, đánh giá nhưng không thiết thực. Chương trình mới sẽ bảo đảm không cào bằng, có phần tự chọn phù hợp với năng lực người học. Như vậy áp lực học sẽ giảm, đồng thời cũng giảm học thêm.
Việc ra đề mở cũng khiến dạy thêm, học thêm giảm hơn. Chúng ta sẽ không đặt cả tương lai học sinh vào 1 kỳ thi mà rải ra nên áp lực giảm đi. Khi bản thân người học cũng không có nhu cầu học thêm thì người dạy cũng không gợi ý, bắt ép được học sinh học thêm. Trong hướng đổi mới sắp tới, chúng ta sẽ tăng giờ học theo cách tự nguyện. Gia đình, nhà trường có điều kiện thì tăng số giờ tự học có hướng dẫn của giáo viên. Trong thực tế, quan niệm về kiểm tra đánh giá còn hạn hẹp, chỉ coi trọng kết quả cuối cùng là học được gì. Trong khi đó, cách kiểm tra đánh giá theo quan điểm mới là trong quá trình dạy học, giáo viên phải biết phát hiện những nhân tố nổi bật của học sinh để bồi dưỡng, phát huy; nhìn ra những yếu kém của học sinh để có hướng dẫn kịp thời, điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học để giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập.
Khẳng định dạy thêm - học thêm là gánh nặng của nhiều gia đình, học sinh, là nơi xuất phát nhiều tiêu cực. Để thay đổi vấn đề này, Thứ trưởng Hiển cho rằng: “Chúng ta không chỉ cần đổi mới sách giáo khoa, chương trình học mà đổi mới cả công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm, nâng cao ý thức đạo đức nhà giáo. Điều này còn phụ thuộc cả vào phụ huynh nữa. Nếu các vị phụ huynh kỳ vọng ít đi mà kỳ công nhiều hơn trong việc hỗ trợ con cái học tập thì sẽ giảm đáng kể sức ép học thêm”.
Khâu quan trọng nhất là dạy học trò cái gì!
Là khách mời tham gia chương trình đối thoại, nói về về giải pháp đột phá đổi mới giáo dục, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử được đánh giá là khâu quan trọng, đột phá trong giải pháp đổi mới căn bản toàn diện nhưng tôi không kỳ vọng đột phá đó sẽ lay chuyển toàn bộ hệ thống. Đánh giá vẫn không thể là đột phá, mà đột phá là ở việc ta dạy học trò cái gì, học trò học như thế nào, áp dụng trong cuộc sống ra sao? Nếu không làm tốt khâu đó, ta không thay đổi được giáo dục”.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Xuân Khoa đưa ý kiến: “Trong điều kiện còn khó khăn như hiện nay thì việc chọn thi cử là khâu đột phá sẽ tác động ngược lại đối với việc dạy và học thêm. Thi cử có thể làm ngay trong năm tới mà chưa phải đầu tư để thay đổi về cơ sở vật chất, vẫn đội ngũ giáo viên và điều kiện như hiện nay, chỉ cần chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách làm. Còn về lâu dài thì phải cần rất nhiều nhóm giải pháp khác”.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay, sắp tới việc kiểm tra, đánh giá sẽ hướng tới mục tiêu kiểm tra học sinh học được cái gì, vận dụng được điều gì. Chúng ta không chỉ kiểm tra kết quả học tập như thế nào mà phải kiểm tra cả quá trình hướng tới việc người học tự điều chỉnh cách học.
“Nhiều người đặt vấn đề mục tiêu đặt ra quá lớn nhưng tôi cho rằng không khó thực hiện và phải coi đó là khâu đột phá. Còn vì sao gọi là đột phá là vì trong toàn bộ hệ thống, nếu có một khâu nào đó ta tác động vào thì rung động cả hệ thống, khiến hệ thống thay đổi theo hướng tích cực. Giải pháp đổi mới kiểm tra được đánh giá là ít tốn kém, đơn giản, ít đầu tư, nhìn trước được hiệu quả. Ngoài ra, đề án còn nhiều giải pháp căn bản như nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục thì là then chốt, nhưng đều cần bền bỉ, lâu dài và phải đầu tư nhiều hơn” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.
Hồng Hạnh (ghi)