Học tập đa hình thức giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Mô hình học tập đa hình thức tại Đại học RMIT hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng trong thời đại số.

Học tập đa hình thức hay còn gọi là blended learning (BL) không đơn thuần là sự kết hợp giữa việc tự học (với rất ít hướng dẫn của giáo viên) và các tài liệu có sẵn được tải lên các nền tảng trực tuyến. Đây là sự chắt lọc, tổng hợp những gì tinh túy nhất của phương thức học trực tiếp và kỹ thuật số để đưa về cùng một nền tảng.

Sinh viên có thể học qua việc đọc tài liệu, thảo luận, xem video bài giảng, kiểm tra kiến thức theo dạng tương tác, học từ các tình huống thực tế, thực hiện các dự án sáng tạo và theo sát thực tiễn của các ngành,... Sự kết hợp giữa học trực tuyến có giáo viên hướng dẫn và các lớp học trực tiếp cho phép sinh viên tương tác và hợp tác với bạn bè cùng lớp và thầy cô, mang lại trải nghiệm học đa dạng, ý nghĩa.

Theo Phó giáo sư Seng Kiat Kok, Giám đốc cấp cao phụ trách sinh viên Đại học RMIT Việt Nam, BL hiện được xem là phương thức học tập truyền thống mới. Nhiều đại học danh tiếng trên toàn thế giới như Harvard, MIT, University College London, Đại học Sydney đã áp dụng BL từ lâu và ghi nhận nhiều lợi ích mà phương pháp tiếp cận này mang lại. Nghiên cứu cũng cho thấy BL liên tục tăng điểm số và điểm kiểm tra của sinh viên trong các môn học khác nhau.

Học tập đa hình thức giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng - 1

Các thành tố quan trọng của học tập đa hình thức (Ảnh: RMIT).

Vị chuyên gia RMIT cho biết học tập trong môi trường BL giúp sinh viên thông thạo các kỹ năng số để thành công không chỉ trong môi trường đại học, mà còn trong môi trường làm việc hiện đại. Ngoài việc thúc đẩy khả năng học tự lập, mô hình này còn giúp sinh viên học cách hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp trên cả môi trường trực tuyến lẫn trực tiếp. Sinh viên có thể nghiên cứu tài liệu theo nhịp độ riêng và có quyền kiểm soát nhiều hơn với mục tiêu học tập của bản thân.

Trong quá khứ, giáo viên gần như là nguồn thông tin duy nhất của sinh viên. Bài giảng dựa vào sách giáo khoa và bảng đen, còn sinh viên thì thụ động tiếp nhận hướng dẫn từ thầy cô. Điều này phản ánh rõ nét cách vận hành công việc vào thời điểm đó - với hệ thống phân cấp nghiêm ngặt và thông tin một chiều từ trên xuống.

Học tập đa hình thức giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng - 2

Trường học thay đổi theo thời gian để đáp ứng nhu cầu của môi trường làm việc (Ảnh: RMIT).

Lực lượng lao động hiện đại đã chuyển đổi đáng kể nhờ công nghệ số. Theo khảo sát tương lai việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 5 kỹ năng hàng đầu ngày càng được các công ty xem trọng là tư duy phân tích; thông thạo công nghệ; sự hiếu kỳ và tinh thần học tập suốt đời; khả năng bền bỉ, linh hoạt và thích ứng; động lực và khả năng tự quản lý.

Theo Phó giáo sư Kok, BL ghi nhận và phản chiếu những thay đổi trong môi trường làm việc chuyên nghiệp - khuyến khích học tập độc lập và vẫn giữ nguyên yếu tố con người. Trong khi tài liệu học trực tuyến được xây dựng và tùy chỉnh để đáp ứng các nhu cầu đa dạng khác nhau, hướng dẫn trực tiếp giúp bồi đắp sự giao tiếp, tạo động lực và đưa ra những phản hồi cần thiết. Sinh viên làm chủ quá trình học nhiều hơn và phát triển các kỹ năng thiết yếu cho môi trường làm việc cả hiện tại lẫn tương lai.

Học tập đa hình thức giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng - 3

Những kỹ năng quan trọng trong công việc (Ảnh: RMIT).

Tại RMIT, BL đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều năm qua. Với các không gian học tập, thiết bị và công nghệ chuyên biệt, BL tại RMIT có thể truy cập dễ dàng, mang tính bao hàm và kết nối. Nhà trường có sẵn nhiều công cụ để sinh viên có thể tận dụng tối đa mô hình này và chuyển đổi từ môi trường đại học sang đi làm thuận lợi hơn.

RMIT cũng có nhóm chuyên viên thiết kế chương trình học làm việc chặt chẽ với đội ngũ giảng viên để phát triển các khóa học đa hình thức này. Nhóm chuyên viên kết hợp giữa các kỹ thuật đã được chứng minh như lặp lại ngắt quãng và chia nhỏ kiểm tra kiến thức thường xuyên để củng cố thêm cho tài liệu học trực tuyến.

Mục tiêu không phải là giảm thời gian có giáo viên hướng dẫn mà sử dụng nó hiệu quả hơn - để truyền cảm hứng sáng tạo, tư duy phản biện và làm chủ kỹ năng. "Chúng tôi muốn giáo viên tập trung vào kết nối giá trị cao giữa người với người chứ không chỉ truyền tải thông tin. Với BL, sinh viên có thể kết hợp giữa học tập theo nhịp độ bản thân và hợp tác, trong khi giáo viên tập trung vào việc cố vấn và đưa ra hướng dẫn phù hợp", Phó giáo sư Kok nhấn mạnh.

Phó giáo sư Kok cũng cho hay, một trong những mục tiêu của RMIT là trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng cần thiết để phát triển trong thế kỷ 21, cả trong môi trường trực tuyến và ngoại tuyến, một cách chuyên nghiệp. Học tập đa hình thức là mô hình giúp nhà trường đạt được mục tiêu đó.