“Học tạm”

Hơn một giờ đến ĐH dân lập Hồng Bàng xem tình hình xét tuyển nguyện vọng 3, rất tình cờ, trong 4 nhóm thí sinh đến nộp hồ sơ, thì có đến hai nhóm, trong câu chuyện của họ với nhau, chúng tôi nghe rõ câu cửa miệng “Thôi, nộp đại đi mày!” được nhắc tới hai lần.

Con đường của nhiều “nguyện vọng” chót

 

Tưởng tính dùi mài kinh sử để thi vào ĐH năm sau, nhưng nhanh chóng Q nộp hồ sơ ở một ĐH dân lập, ngành học kinh tế, chẳng liên quan gì đến con đường kỹ thuật mà cậu mơ. Hỏi cớ làm sao, chàng tân sinh viên cho biết: “Thì thôi, chọn tạm một trường, không lại mang tiếng rớt năm nhất”.

 

Một sự lựa chọn có thể liên quan tới cuộc đời, mà, “hậu quả” gần nhất là có thể mất hơn 4 triệu đồng học phí đóng liền, ấy vậy mà “chọn đại” là làm sao? Tò mò, tôi bắt chuyện cùng một nữ thí sinh. Cô bé tên Ngọc, thi vào ĐH Sư phạm TPHCM, khối D nhưng chỉ 15 điểm. Trượt nguyện vọng 1 trường này, rồi nguyện vọng 2 ở ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, Ngọc nộp hồ sơ vào Hồng Bàng, ngành du lịch. Ngọc cho biết mình chẳng khoái nghề này lắm nhưng trong nhóm bạn ai cũng vào ĐH năm nhất cả rồi, đi nhập học cả rồi, chỉ mình chưa đâu vào đâu, xấu hổ lắm. Thôi thì ngành nào cũng được, miễn đậu!

 

Ở ĐH Dân lập Kỹ thuật công nghệ TPHCM, nhiều thí sinh tìm đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Thí sinh tên Bằng (quê Tiền Giang) cho biết: “Đủ điểm để đậu vào dân lập mà không vào... cũng tiếc. Thôi thì cứ đậu đã... Cũng có thể em vừa học năm nhất ở đây vừa ôn luyện thi lại năm hai vào trường Giao thông vận tải (là trường năm nay Bằng thi rớt).

 

Một giáo viên có thâm niên dạy môn lý luận chính trị cho khoa trung cấp Trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ (TPHCM) kể ông đã từng ra một bài luận về những câu hỏi gợi ý kiểu như bạn vào học lớp này do tự nguyện hay vì lý do gì khác. Kết quả thu hoạch cho thấy chỉ có khoảng 50% học sinh học thật sự, còn lại họ vào với rất nhiều lý do như tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, gia đình thúc bách, học tạm chờ thời. Điều đặc biệt là trong số này có rất nhiều học sinh học tạm để chờ luyện thi vào một trường khác.” Bỏ hẳn trường CĐ, THCN để tập trung luyện thi thì học sinh không đủ tự tin, sợ mất cả hai nếu lại rớt đại học lần nữa”-Nhà giáo này lý giải.

 

Hiệu suất đào tạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng sinh viên học tạm, học đại. Trong khoá học 2000-2002 ở TPHCM, trường trung học nghiệp vụ Phú Lâm vào đầu khoá có 116 học viên thì đến cuối khoá rụng mất chỉ còn 54. Trường Trung học kinh tế đầu có 773 thì cuối chỉ còn 430... ở các ĐH dân lập, hiệu suất đào tạo có nơi chỉ còn 50-60%. Thậm chí, ở những ĐH như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Luật& , số lượng sinh viên đầu vào và tốt nghiệp có khi vênh nhau đến 20-30%! Một trong những nguyên nhân của sự rơi rụng này là nhiều sinh viên học tạm, học đại! Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tuyển sinh cũng như cơ cấu tuyển sinh của các trường.

Trước mắt: khổ trường

 

Tỷ lệ thí sinh chọn đại trường, ngành học, ở một góc độ nào đó, có thể thoả mãn ước mơ đến giảng đường một cách nhanh chóng. Nhưng, những hệ quả của nó để lại thì... không kể xiết. Khổ nhất vẫn là... các trường vẫn rộng cửa đón những đối tượng này.

 

Ông Lê Văn Lý (hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hùng Vương) cho biết: “Dù số hồ sơ vào hệ ĐH và CĐ năm nay của trường đến 20/9 đã hòm hòm đủ chỉ tiêu tuyển, nhưng không bao giờ trường có được từng đó thí sinh, phải trừ hao từ 40-50%. Vì thế, trường vẫn mở cửa nguyện vọng 3 đến phút chót.

Về lý thuyết, ở các trường dân lập, đủ điểm sàn là có thể trúng tuyển, thế nhưng, nguyên nhân chính khiến hầu hết các trường dù đủ hồ sơ nhưng đều tăng cường vét nguyện vọng 3, thậm chí có trường còn liều vượt chỉ tiêu là vì... sợ sinh viên thiếu “trung thành”.

 

Người học: mất thời gian, tiền bạc

 

Dù thoả mãn nhu cầu được lên giảng đường kịp thời, không thua chúng kém bạn... nhưng, không phải những người học đại không có “lỗ”. Kh (sinh viên một trường CĐ ở TPHCM) năm nay đúng là đại xui. Mùa tuyển sinh năm ngoái, không đậu được vào ĐH Bách khoa TPHCM nhưng cũng không dám ở nhà ôn thi lại, Kh liều nộp hồ sơ vào trường CĐ và trúng tuyển.

 

Một năm học CĐ, Kh đồng thời luyện thi lại năm 2. Sau thêm một lần thử lửa, Kh cho biết mình đã “out” đường vào Bách khoa. Khổ nỗi là điểm chác năm nhất của trường CĐ cũng quá tệ. Vì phân thân hai nhiệm vụ nên hết 5/9 môn thi dưới điểm 5. Vậy là gần như mất chì, lẫn chài. Mà lo nhất là đến tận năm thứ 2, Kh vẫn chưa biết mình có tiếp tục theo CĐ nữa hay thi ĐH nữa.

 

 

Theo Mai Nguyên Vũ

Giáo Dục Thời Đại