Học sinh thích thú khi giờ học là bắt sâu, là su hào, bắp cải, khoai tây...

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Thay vì cô đọc trò chép, giờ học của học sinh Trường tiểu học Tô Múa (Vân Hồ, Sơn La) giờ có thể bắt đầu bằng nhiều rổ rau củ quả trên bàn hoặc "bung" ra vườn trường bắt sâu, trồng hoa…

Hôm nay, giờ học của lớp 5A, Trường tiểu học Tô Múa (Vân Hồ, Sơn La) bắt đầu khác mọi ngày. Thay vì 3 dãy bàn như trước đây, các bàn học nhanh chóng được ghép lại, tạo thành từng nhóm 6 em.

Trên bàn, su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, cam, xoài… được bày sẵn vào rổ. Học sinh được giáo viên hướng dẫn cách thức và tự tìm hiểu các loại trái cây, rau củ, tác dụng của chúng với chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Học sinh thích thú khi giờ học là bắt sâu, là su hào, bắp cải, khoai tây... - 1

Su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, cam, xoài… được bày sẵn vào rổ để học. 

Một học sinh cho biết, em từng được thấy tên quả xoài cát từ lâu nhưng nay mới tận mắt chứng kiến nó ra sao, mùi thơm và màu sắc như thế nào.

Cũng theo học sinh này, lớp em được phân công, ai có loại rau củ nào mang theo, cùng với một số rau củ giáo viên mang đến để làm học cụ.

Học sinh thích thú khi giờ học là bắt sâu, là su hào, bắp cải, khoai tây... - 2

Học sinh được phân công mang "học cụ" gồm những rau củ, sử dụng làm thức ăn hàng ngày. 

Ở vườn trường, một nhóm học sinh lớp 4 khác đang học giờ tự nhiên xã hội tại khu vực trồng rau bắp cải.

Từ những rau củ nhìn thấy, học sinh trả lời các câu hỏi của giáo viên để rút ra bài học.

Cô Vũ Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ chuyên môn, Trường tiểu học Tô Múa cho hay, nhà trường áp dụng dạy trải nghiệm cho học sinh từ 5 năm nay, triển khai từ lớp 1 đến lớp 5.

Học sinh thích thú khi giờ học là bắt sâu, là su hào, bắp cải, khoai tây... - 3

Nhóm học sinh lớp 4 học giờ tự nhiên xã hội tại khu vực trồng rau bắp cải.

Theo đó hàng tuần, mỗi lớp có 2 tiết học trải nghiệm lồng ghép với buổi sinh hoạt lớp.

Vào chiều thứ 3 hàng tuần, học sinh toàn trường được học trải nghiệm theo khu vực trồng rau, trồng hoa, nhặt lá cây dọn dẹp vệ sinh…

"Nếu trước đây, thầy cô nói "chay", sau đó bắt học sinh viết bài thì nay quy trình này ngược lại. Có những tiết làm bài văn tả cảnh, tả cây cối, giáo viên cho học sinh thực tế sau đó mới quay lại viết", cô Tuyết cho biết.

Đặc biệt từ khi Trường tiểu học Tô Múa được áp dụng "Mô hình điểm bữa ăn dinh dưỡng học đường, kết hợp tăng cường thể lực", nhà trường ngay lập tức lồng ghép kiến thức dinh dưỡng vào dạy học ngoại khóa.

Học sinh thích thú khi giờ học là bắt sâu, là su hào, bắp cải, khoai tây... - 4

Nhà trường lồng ghép kiến thức dinh dưỡng vào dạy học ngoại khóa.

Ví dụ, học sinh được đóng vai đầu bếp, đi chợ mua đồ theo chỉ dẫn. Thậm chí học sinh được vào bếp, tham gia một số quá trình nấu, thử các loại thức ăn ra sao.

Ngoài ra, có nhiều chuyên đề học tập được gắn với trải nghiệm thực tiễn như: nội trợ, thủ công nghiệp, nông nghiệp….

"Việc dạy học trải nghiệm thực tế học sinh hứng thú, thoải mái và thích hơn nhiều so với thầy cô nói "chay" như trước đây.

Mỗi giờ học hay hoạt động giáo dục, các em được chủ động học tập, thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm, trình bày ý kiến trước lớp.

Học sinh thích thú khi giờ học là bắt sâu, là su hào, bắp cải, khoai tây... - 5

Học sinh thảo luận cặp đôi, mạnh dạn trình bày ý kiến trước lớp. 

Giáo viên với vai trò là người lắng nghe, nhận xét và hướng dẫn khi học sinh gặp khó khăn.

Nhờ vậy, các em đã hình thành được kỹ năng tự chủ, quen với việc thuyết trình, trả lời trước đám đông và trở nên tự tin hơn", cô Tuyết nói.

Ông Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa cho hay, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm giúp học sinh hình thành những thói quen tự phục vụ, kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp cơ bản và trở nên tự tin hơn.

Đã 5 năm nay và cả những năm tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mô hình giáo dục hiệu quả này.

Theo đó, học sinh có thể được tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử trên địa bàn để nâng cao hiệu quả học tập.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm