Học sinh, sinh viên được vay vốn tối đa 10 triệu đồng mua máy tính để học
(Dân trí) - Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về gói vay tín dụng với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, từ 4/4/2022, mức cho vay tối đa với mỗi học sinh sinh viên (HSSV) là 10 triệu đồng, cao hơn ba triệu so với đề xuất hồi đầu tháng 10/2021, dùng để mua máy tính, máy tính bảng và các thiết bị khác như webcam, micro.
Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, lãi suất 1,2% mỗi năm. Lãi nợ quá hạn bằng với lãi cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay.
Đối tượng được vay là học sinh sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình, gặp khó khăn vì Covid-19; không có máy tính hoặc thiết bị không đủ điều kiện đáp ứng học trực tuyến; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thiết bị học trực tuyến.
Đại diện gia đình của học sinh, sinh viên sẽ là người đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nếu đủ 18 tuổi hoặc gia đình không có ai đại diện, thành viên còn lại không còn sức lao động, học sinh, sinh viên được trực tiếp đứng tên vay vốn.
Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Đối với sinh viên trực tiếp đứng tên vay vốn thì tại thời điểm vay vốn, nếu thời gian dự kiến kết thúc khóa học còn từ 24 tháng trở lên thì thời hạn cho vay tối đa được tính từ ngày vay đến hết 12 tháng sau thời điểm dự kiến kết thúc khóa học.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mức cho vay hiện hành mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV (học phí và chi phí sinh hoạt). Mức chi phí học tập của một HSSV là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất).
Còn theo Ngân hàng chính sách xã hội, tại thời điểm ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, mức cho vay tối đa 1 HSSV là 800.000 đồng/tháng, đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của HSSV.
Tại thời điểm năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng /HSSV/tháng đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cuối năm 2021, khoảng 1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến.
Trước tình hình khó khăn chung của ngành Giáo dục, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh, giáo viên như: Hà Nội huy động được hơn 2.000 máy tính, thiết bị dạy học để tặng cho học sinh; Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức quyên góp, huy động ủng hộ máy tính, điện thoại để tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Thừa Thiên Huế trích ngân sách hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh; Hà Tĩnh huy động doanh nghiệp ủng hộ phương tiện học tập cho học sinh; Nghệ An cử cán bộ biên phòng đến các bản làng để hỗ trợ điện thoại và giúp đỡ học sinh học trực tuyến…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ thiết bị học tập, giảm cước truy cập Internet, giúp mọi học sinh ở vùng có dịch được học trực tuyến, qua truyền hình.