Học sinh sẽ chỉ phải đóng học phí và lệ phí tuyển sinh
Sáng 12/4, tại buổi thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi), hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, tình trạng lạm thu tại một số trường đang gây bức xúc dư luận, nhà nước cũng khó quản lý. Luật sửa đổi sẽ quy định ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng khoản nào khác.
Hiện nay, ngoài học phí, học sinh còn phải đóng nhiều khoản thu khác như: tiền xây dựng trường, vệ sinh trường lớp, thuê bảo vệ... Số tiền đóng góp của các trường cũng khác nhau phụ thuộc vào độ danh tiếng của trường đó. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Vân Lan lấy dẫn chứng, một trường phổ thông ở Đà Nẵng, một năm học có tới 19 khoản thu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Trần Thị Tâm Đan, để tránh phiền hà, nhũng nhiễu, Luật Giáo dục (sửa đổi) đưa tất cả đóng góp của người học vào một khoản gọi là học phí. Học phí được công khai đầu năm và ngoài học phí học sinh sẽ không phải đóng khoản tiền khác. Các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng đáp ứng của ngân sách, yêu cầu chi của nhà trường để quyết định mức học phí phù hợp. Đồng thời, có chính sách miễn giảm cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách.
"Một số ý kiến không đồng tình cho rằng, quy định này sẽ gây khó khăn trong việc xã hội hóa giáo dục, huy động nhân dân đóng góp xây dựng trường. Nhưng thực tế, số tiền đóng góp xây dựng trường hiện nay không lớn, địa phương, nhà trường phải hỗ trợ giải quyết bằng nhiều nguồn khác nhau. Người học chỉ phải đóng học phí và lệ phí tuyển sinh", bà Đan khẳng định.
Một trong những điểm mới nữa trong Luật Giáo dục (sửa đổi) là quy định 1 chương trình học sẽ có một số bộ sách giáo khoa. Theo Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng, phương án này sẽ huy động được trí tuệ của các nhà khoa học, sư phạm tham gia viết sách. Tất cả sách giáo khoa trong nội dung kiến thức đã được quy định trong chương trình giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ là cơ quan lựa chọn những bộ sách tốt nhất. Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ lấy ý kiến giáo viên để lựa chọn một bộ sách sử dụng chính thức, ổn định tại địa phương.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ Hồ Đức Việt lại lo ngại tình trạng loạn sách giáo khoa, sách tham khảo. "Hiện nay, mới chỉ một bộ sách giáo khoa mà có đã hàng chục sách sách tham khảo. Nếu nhiều sách giáo khoa, liệu có loạn sách tham khảo không?", ông Việt đặt vấn đề.
Nhiều đại biểu cho rằng, nên thay đổi tên gọi các bậc tiểu học, THCS, THPT thành cấp 1, cấp 2, cấp 3 như cũ. Lý do là cách gọi hiện nay rất khó nhớ và không tương ứng với bậc học của các nước. Giáo dục châu Âu thường có 2 bậc: tiểu học và phổ thông (trong cấp phổ thông học sinh phải học cấp trung học rồi mới đến cơ sở). Nếu áp dụng theo mô hình này thì bậc THPT tương đương cấp 2, THCS phải là cấp 3.
Bỏ hay không bỏ kỳ thi THCS cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, chúng ta sẽ hoàn thành phổ cập THCS vào năm 2010. Kỳ thi tốt nghiệp THCS là không cần thiết, gây căng thẳng, lãng phí tiền của. Nếu bỏ thi tốt nghiệp nhưng thực hiện kiểm tra học kỳ, cuối năm tốt thì chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo.
"Hiện nay, cấp THCS tồn tại 2 kỳ thi: thi tốt nghiệp và thi vào lớp 10. Cấp THPT không có khả năng tiếp nhận hết học sinh tốt nghiệp THCS. Do vậy, cần bỏ bớt kỳ thi tốt nghiệp THCS và giữ kỳ thi tuyển vào lớp 10 để việc tuyển sinh đảm bảo tính khách quan và công bằng", bà Đan nói.
Tuy nhiên, không ít ý kiến phản bác đề xuất này. Lý do là nhiều học sinh sau khi kết thúc THCS có thể sẽ học nghề, lao động sản xuất. Các em cần tấm bằng tốt nghiệp. Kết thúc buổi thảo luận sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yếu chốt lại, vấn đề bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS và thay đổi tên các bậc học sẽ đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2005.
Theo VnExpress