Học sinh quan tâm điều gì trước kỳ thi tốt nghiệp và định hướng nghề?
(Dân trí) - Ngày 18/2, hơn 6.000 học sinh, giáo viên Nghệ An có mặt tại Trường Đại học Vinh tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là hoạt động thường niên do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện.
Tại Nghệ An, chương trình có sự phối hợp của Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn Nghệ An và Trường đại học Vinh. Đây là năm thứ 21, chương trình được tổ chức và lần thứ 8 diễn ra tại Nghệ An, là một trong những sự kiện giáo dục quan trọng, thu hút đông đảo học sinh THPT, phụ huynh tham dự.
Ban tư vấn gồm 12 chuyên gia đến từ Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện khối trường quân đội, lãnh đạo các đơn vị đào tạo đại học. Ban tư vấn sẽ cung cấp thông tin mới nhất về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; những điều học sinh cần lưu ý trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tư vấn giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Đồng thời, các chuyên gia trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc của học sinh, phụ huynh về thông tin tuyển sinh, kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy năm 2023; tư vấn việc lựa chọn phương thức xét tuyển và chọn ngành, chọn trường…
Tại chương trình, nhiều học sinh đặt câu hỏi, xin tư vấn, giải đáp những vấn đề còn vướng mắc. Trong đó, vấn đề được nhiều học sinh quan tâm là hình thức tuyển sinh đại học năm 2023, như: Thi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, xét tuyển theo điểm IELTS, hoặc các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế…
Nhiều em cũng quan tâm đến các ngành học mới, lớp chất lượng cao; cơ hội du học, trao đổi sinh viên quốc tế, học bổng, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp… Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh quan tâm đến tuyển sinh của các trường khối ngành công an, quân đội.
Tại chương trình, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Bách khoa lần lượt chia sẻ về cách thức tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm nay để sử dụng kết quả xét tuyển vào các trường đại học.
Sử dụng kết quả các kỳ thi thế nào để hiệu quả, đặc biệt quy định công nhận kết quả thi đánh giá năng lực giữa hai Đại học Quốc gia như thế nào là câu hỏi được nhiều học sinh đặt ra ngay ở đầu chương trình.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Các em có thể sử dụng kết quả kỳ thi/đợt thi cao nhất để dự tuyển vào ngành/trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả này (thi đánh giá năng lực - PV). Hoặc có thể sử dụng kết quả thi này với nguyện vọng 1, kết quả thi kia với nguyện vọng 2. Phần mềm xét tuyển sẽ xét từ trên xuống".
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT lưu ý, sau khi đã đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác nhau do các trường quy định, thí sinh phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển theo thứ tự ưu tiên trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, ngành học, trường nào các em thích nhất thì xếp nguyện vọng 1. Vì hệ thống sẽ xét từ trên xuống dưới. Nếu thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở đó.
Cũng tại Chương trình, Ban tổ chức bố trí gần 50 gian tư vấn của hàng chục trường đại học, cao đẳng, đơn vị đào tạo. Gian tư vấn này giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về sự đa dạng bậc học, ngành học, môi trường đào tạo... của từng trường. Tại đây, học sinh trao đổi trực tiếp với đại diện trường mà mình quan tâm về các thông tin tuyển sinh, đào tạo…