Học sinh phổ thông phía Bắc tranh tài khám phá nghề nghiệp tương lai

(Dân trí) - Sáng ngày 12/1, vòng Chung kết cuộc thi Cool Contest đã diễn ra tại Trường THPT song ngữ liên cấp Wellspring, Hà Nội với sự tranh tài gay cấn của 12 đội thi xuất sắc nhất đến từ các tỉnh thành phía Bắc cùng 12 ý tưởng sản phẩm doanh nghiệp đầy sáng tạo nhằm tìm hiểu về ngành nghề trong tương lai.

Cool Contest là một cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 8-12 đang theo học tại các trường THCS, THPT phạm vi toàn miền Bắc với mục tiêu hỗ trợ các bạn học sinh trong quá trình hướng nghiệp và lựa chọn ngành nghề trong tương lai do Trường Wellspring tổ chức với sự phối hợp của các đối tác: Đại học RMIT, Không gian sáng tạo và ươm tạo Đại học Ngoại thương (FIIS).

Sau khi phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham dự của 150 đội thi với hơn 1.000 học sinh, luật thi năm nay thay đổi so với các năm trước và được sử dụng nhiều luật thi đấu từ cuộc thi FLL Mỹ.

 

Học sinh phổ thông phía Bắc tranh tài khám phá nghề nghiệp tương lai - Ảnh 1.

Thí sinh Nguyễn Như Quỳnh và Nguyễn Lan Hương đến từ THPT số 1 Bảo Yên, Lào Cai thuyết trình ứng dụng Giáo dục Giới tính và tư vấn Tâm Lý FELIZ tại vòng chung kết.

 

Sau gần 2 tháng vượt qua vòng thử thách với các buổi tập huấn bổ ích gồm Trò chuyện cùng chuyên gia - Industry Talk, Tham quan doanh nghiệp - Company Tour và Thực hành kỹ năng xây dựng bản đề xuất - Revise Your Proposal, 12 đội thi xuất sắc đã góp mặt tại vòng chung kết với thử thách cuối cùng: vào vai các CEO để thuyết trình bản đề xuất cải thiện hoặc phát triển theo hướng mới cho một sản phẩm/dịch vụ hiện hành ở các lĩnh vực.

 

Học sinh phổ thông phía Bắc tranh tài khám phá nghề nghiệp tương lai - Ảnh 2.

Ban giám khảo cuộc thi.

  

Học sinh phổ thông phía Bắc tranh tài khám phá nghề nghiệp tương lai - Ảnh 3.

Cuộc thi thu hút đông đảo học sinh khu vực phía Bắc tham dự.

 

Tại đây, 12 đội thi đã mang lại những bài thuyết trình và phản biện gay cấn và hấp dẫn nhất về các lĩnh vực: 1. Công nghệ thông tin; 2. Kỹ thuật - Sản xuất Công nghiệp - Năng lượng; 3. Kỹ thuật - Sản xuất Nông nghiệp - Chế biến Nông sản - Thực phẩm; 4. Giao thông Vận tải - Logistics; 5. Xây dựng - Kiến trúc - Nội thất; 6. Giáo dục - Đào tạo; 7. Truyền thông - Báo chí - Công nghiệp Giải trí; 8. Nghệ thuật; 9. Y tế - Chăm sóc sức khỏe; 10. Dịch vụ; 11. Kinh doanh bán lẻ - Thương mại điện tử ; 12. Tài chính - Ngân hàng.

Sau khi trình bày các dự án, sản phẩm dịch vụ, thí sinh đều nhận được câu hỏi phản biện từ hội đồng ban giám khảo. Trong đó, câu hỏi về việc công nghệ thay thế sức lao động chân tay của nhân lực nhiều ngành được đặt ra nhằm giúp học sinh hình dung rằng, lao động giản đơn sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thời đại biến động về thị trường nghề nghiệp.

 

Học sinh phổ thông phía Bắc tranh tài khám phá nghề nghiệp tương lai - Ảnh 4.

Giây phút trao đổi căng thẳng của nhóm dự án “Giường bệnh Aolike” sau khi nhận được câu hỏi phản biện từ ban giám khảo.

 

Các dự án được hội đồng ban giám khảo đánh giá mang ý tưởng sáng tạo, đột phá, ứng dụng công nghệ thông minh vào để giải quyết nhu cầu thực tiễn của người dùng.

Kết quả chung cuộc, của nhóm thí sinh Ngô Quang Minh, Phạm Quang Đạt, Nguyễn Khắc Hoàng Tuấn đến từ trường Wellspring Hà Nội giành giải Nhất trị giá 30 triệu đồng với dự án CELER - ứng dụng du lịch.

Em Ngô Quang Minh đại diện nhóm chiến thắng chia sẻ: “Với ước mơ về cải thiện những hạn chế của ngành du lịch, một ngành đang được đầu tư rất nhiều ở các nước đã phát triển và đang phát triển, ý tưởng CELER là một đại lý du lịch của các đại lý du lịch giúp cho việc chuẩn bị chuyến đi nhanh chóng và tiện lợi hơn, thân thiện và hiểu trúng nhu cầu của khách hàng. Qua cuộc thi, chúng em được tìm hiểu về những ngành nghề cùng sự thay đổi của nó trong tương lai, những đòi hỏi của nghề đối với nhân lực từ đó có cái nhìn gần gũi về hoạt động hướng nghiệp cũng như ý thức trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để trở thành nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời đại”.

 

Học sinh phổ thông phía Bắc tranh tài khám phá nghề nghiệp tương lai - Ảnh 5.

Kết quả chung cuộc, nhóm dự án CELER - App du lịch giành giải Nhất (phía bên trái ảnh) và dự án ứng dụng Giáo dục giới tính - tư vấn tâm lý FELIZ giành giải Nhì (phía bên phải ảnh).

 

Giải Nhì trị giá 15 triệu đồng thuộc về dự án Make-up căn hộ (phát triển ứng dụng nghề môi giới) của Trần Nguyên Tùng (Wellspring Hà Nội) và ứng dụng Giáo dục giới tính và tư vấn tâm lý FELIZ của nhóm Nguyễn Như Quỳnh - Nguyễn Lan Hương (THPT số 1 Bảo Yên, Lào Cai).

Đề án phát triển IPAD PRO 2018 của Nguyễn Mai Linh; đề án khách sạn con nhộng CAPSULE của nhóm Lê Thu An - Trần Quốc Dũng - Lê Ngọc Minh và dự án Công nghệ sinh học của nhóm Bùi Thanh Tú - Nguyễn Thảo Nguyên - Trần Hoàng Phương Anh giành Giải Ba trị giá 10 triệu đồng.

Giải Dự án tiềm năng được trao cho dự án Đồ ăn cho sức khỏe - Green Kitchen của Nguyễn Trịnh Yến Hạnh (THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội).

Học sinh phổ thông phía Bắc tranh tài khám phá nghề nghiệp tương lai - Ảnh 6.

Không phải một cuộc thi khởi nghiệp, thông qua các dự án khởi nghiệp, Cool contest giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai.

 

Bà Lê Tuệ Minh - Tổng Hiệu trưởng Trường Wellspring, thành viên ban giám khảo nhấn mạnh: “Cuộc thi tìm hiểu về các lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai nhằm giúp học sinh ý thức nghề nghiệp đang phát triển thế nào, để chuẩn bị cho tương lai các em cần chuẩn bị kiến thức gì, trang bị những kỹ năng nào chứ đây không phải một cuộc thi về khởi nghiệp”.

Bà Minh cho rằng định hướng nghề nghiệp tương lai của chúng ta đang còn khá thiếu. Trường học dạy cho các em kỹ năng cụ thể, kiến thức cụ thể nhưng những kiến thức và kỹ năng ấy phát triển liên tục. Trước thế giới nghề nghiệp vô cùng biến động như hiện nay, chúng ta không thể biết được trong 3-5-10-20 năm nữa, thế giới sẽ thay đổi thế nào.

“Chỉ trong 3 năm gần đây, sự phát triển của công nghệ mới trong đi lại, ăn uống, khám chữa bệnh cũng đã thay đổi khá nhiều cuộc sống của chúng ta. Nếu không chuẩn bị cho các bạn ngay bây giờ thì không kịp. Thầy cô, bố mẹ cũng không thể làm thay con được vì thầy cô bố mẹ là thế hệ trước - và nếu không tự cập nhật cũng không thể hiểu được thế giới đang thay đổi đến đâu. Chỉ bằng cách khơi gợi cho các bạn sự tò mò, sự tự thân chủ động tìm kiếm các lĩnh vực nghề nghiệp thì các bạn mới tìm được lĩnh vực mình đam mê một cách tốt nhất.

Qua 3 vòng thi Cool contest với hơn 100 đội thi từ nhiều tỉnh thành miền Bắc tham dự cùng nhiều buổi tham quan chuyên nghiệp, tập huấn để định hướng tìm hiểu nghề nghiệp, tôi thấy các bạn trẻ rất có khả năng. Hoàn toàn khác với suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta, các em học sinh tuy mới chỉ học lớp 8, lớp 9 nhưng không hề thụ động để người lớn cung cấp thông tin. Đây không đơn thuần cuộc thi tìm hiểu kiến thức, thông tin mà các em phải vận động rất nhiều tự tìm hiểu, tư duy và nghĩ về tương lai của các ngành nghề, tìm cơ hội, khoảng trống để phát triển nghề nghiệp trước sự thay đổi như vũ bão của thế giới”, bà Minh chia sẻ.

Thông qua cuộc thi, học sinh được tìm hiểu, nâng cao kiến thức về nhiều lĩnh vực, vị trí công việc, ngành nghề khác nhau trong xã hội hiện đại, cũng như các xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0.

Lệ Thu