Học sinh phát triển toàn diện từ những chuyến thăm quan dã ngoại theo chương trình giáo dục Quốc tế
Với nhiều bậc phụ huynh, những chuyến tham quan của trường, lớp hàng năm là cơ hội để các em học sinh vui chơi, thư giãn và khám phá, tìm hiểu những địa điểm, danh lam thắng cảnh mới. Tuy nhiên, những chuyến dã ngoại được lên kế hoạch cẩn thận, kết hợp các kiến thức và yêu cầu liên quan tới chương trình học của trường Quốc tế còn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của học sinh.
Những chuyến tham quan tạo điều kiện cho từng cá nhân phát huy khả năng cũng như phát triển trong môi trường thực tế và thử thách hơn, đề cao khả năng tìm tòi, suy ngẫm và tính kiên trì. Đó cũng là môi trường hiệu quả thúc đẩy học sinh đối xử trung thực, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau học hỏi và chia sẻ để hoàn thiện mình trở thành những công dân toàn cầu.
Ở cấp Tiểu học, chuyến dã ngoại qua đêm trở thành một phần quan trọng trong bộ môn Giáo Dục Công Dân. Trong một vài ngày xa nhà và xa người thân, các em sẽ có những bước tiến mới trong việc phát triển tính tự lập và cảm thấy tự tin hơn. Các em có cơ hội phát triển các kỹ năng về việc hợp tác, làm việc theo nhóm, kỹ năng lãnh đạo, phân tích và giao tiếp hiệu quả trong thực tế. Ví dụ như chuyến thăm quan Hội An của các học sinh lớp 6 trường BIS Hà Nội. Các em đã tìm hiểu về chuyến đi này trong vài tuần trước đó, tìm hiểu về phố cổ Hội An và Hội An đã phát triển thành một trung tâm du lịch ở Việt Nam như thế nào. Các em đã dành cả buổi sáng đến thăm một số điểm tham quan nổi tiếng của Hội An để có trải nghiệm thực tế về những điểm thu hút khách du lịch. Sau đó, các em dành thời gian phỏng vấn khách du lịch lý do vì sao họ chọn đến Hội An và cảm nghĩ của họ về thành phố này. Các em đã tự chuẩn bị các câu hỏi để phỏng vấn, và trong tuần tiếp theo tại trường, các em phân tích các dữ liệu đã thu thập được và so sánh với quan điểm riêng của các em về Hội An. Những trải nghiệm thực tế thú vị với bạn bè bên cạnh sự hỗ trợ và hướng dẫn của thầy cô đã thật sự mang lại những kinh nghiệm quý báu cho các em học sinh.
Với học sinh Trung học, mục đích của chuyến đi rất đa dạng từ việc thử nghiệm các hoạt động mới, trò chuyện với những người mới, vượt qua những nỗi sợ hãi như độ cao, sông nước, cắm trại ngủ lều hay việc thử sống 4 ngày không có điện thoại di động. Trong thời đại công nghệ hiện nay, điều cuối cùng có lẽ chính là việc khó khăn nhất với nhiều em, đặc biệt với những người mắc chứng Nomophobia (sợ khi phải tách xa chiếc điện thoại). Điều này buộc các em phải nói chuyện với mọi người và giao tiếp nhiều hơn thay vì chỉ tập trung vào màn hình điện thoại.
Đặc biệt trong mỗi chuyến đi, việc phát triển và giúp đỡ cộng đồng là một phần không thể thiếu trong chương trình. Đó có thể là những chuyến thăm trường Tiểu học tại địa phương, vui chơi cùng các em nhỏ, giúp các em ăn trưa và trộn bê tông giúp sửa lại sân chơi cho trường hay thăm bệnh viện để phát đồ ăn được chuẩn bị bằng tiền các em quyên góp. Những chuyến đi ý nghĩa này đã đem đến cho học sinh những cơ hội phù hợp để học cách tôn trọng và quan tâm đến những người khác và môi trường sống xung quanh. Điều này thực sự khuyến khích các em trở thành những thành viên có ý thức và năng động trong cộng đồng.