Học sinh phải sử dụng Atlat nào?

Tháng 4/2004, cuốn Atlat địa lý Việt Nam dùng trong nhà trường phổ thông được tái bản lần thứ 8 có sửa chữa và chỉnh lý, đến tháng 6/2005 tái bản lần thứ 9 lại "sửa chữa và chỉnh lý".

Lần tái bản thứ 9, các tác giả đã sửa chữa và bổ sung rất nhiều nội dung chi tiết, riêng bổ sung đã có trên 200 sự vật - hiện tượng địa lý như các mỏ khoáng sản, những mỏ đang được khai thác, các nông sản, các ngành công nghiệp, các biểu đồ khí hậu... mới xuất hiện ở một số địa phương trên bản đồ. Ví dụ, 4 bản đồ tự nhiên, 4 bản đồ kinh tế năm 2000 của các vùng từ trang 21 đến trang 24 của Atlat đã bổ sung khoảng 115 chi tiết.

 

Riêng bản đồ "tự nhiên", "vùng trung du, miền núi Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng" trang 21 Atlat đã bổ sung khoảng 30 mỏ khoáng sản. Bản đồ "kinh tế (2000)" của "vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên" cũng bổ sung tới 17 chi tiết về nông sản và các ngành công nghiệp ở các địa phương.

 

Ở cuốn Atlat tái bản lần thứ 9 sửa lại tới 25 số liệu ở 9 biểu đồ. Vì sao những số liệu đã công bố và sử dụng ở những năm trước tới nay lại thay đổi? Vì sao đến năm 2005 "tỉnh lỵ" của 2 tỉnh Lai Châu và Đắk Nông vẫn chỉ là "điểm dân cư", chưa trở thành thị xã theo ký hiệu kiểu chữ ở bản đồ "hành chính" trang 2 và 3 của Atlat?

 

Nếu so sánh số liệu "cơ cấu dân số hoạt động theo ngành" năm 2000 ở biểu đồ của trang 11 Atlat với số liệu năm 1998 ở sách giáo khoa Địa lý lớp 12, để thấy chiều hướng tích cực của kinh tế thể hiện ở "cơ cấu dân số hoạt động theo ngành", nhưng không thấy dấu hiệu tiến bộ, ngược lại chỉ thấy sự thụt lùi như năm 2000 dịch vụ giảm 6,4% và nông nghiệp tăng 5% so với năm 1998. Vì sao có hiện tượng như vậy? Phải chăng số liệu trong hai tài liệu trên là không chính xác?

 

Atlat tái bản lần thứ 8 lần đầu tiên đưa biểu đồ "giá trị sản xuất công nghiệp phân theo nhóm ngành công nghiệp" năm 2000 (trang 16 Atlat), khi tái bản lần thứ 9 vẫn biểu đồ đó nhưng cơ cấu của nhóm ngành lại thay đổi rất nhiều. Cũng biểu đồ trên (giá trị sản xuất công nghiệp...) khi thay đổi đã đưa "hóa chất" vào nhóm "công nghiệp luyện kim, cơ khí, điện tử, tin học" nhưng tỷ lệ phần trăm của nhóm này không những không tăng mà còn giảm (khi chưa có hóa chất là 28,7%, thêm hóa chất còn 25,9%).

 

Vì sao khi tái bản lần thứ 8 mỏ mangan của tỉnh Nghệ An nằm sát quốc lộ số 8 (phía tây của tỉnh) khi tái bản lần thứ 9 nó lại nằm gần quốc lộ số 1 (phía đông của tỉnh), hay đó là 2 mỏ khác nhau, mỏ phía tây đã khai thác hết, nay mới tìm ra mỏ mới ở phía đông?

 

Đó mới chỉ là một phần các lỗi của lần tái bản chứ chưa phải là tất cả. Nhưng quan trọng hơn, như đã nói từ đầu, số lượng nội dung được bổ sung và sửa chữa của cuốn Atlat tái bản lần thứ 9 là rất nhiều.

 

Vậy học sinh có thể dùng cuốn Atlat tái bản lần 8 để học, làm bài và thi tốt nghiệp (nếu có) được không? Hiện nay, nhiều cửa hàng vẫn bán cuốn Atlat tái bản lần thứ 8.

 

Trần Trọng Hà

(Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ THPT, Bộ GD-ĐT)

Theo Thanh Niên