Học sinh “ngồi nhầm chỗ”

Lợi dụng kẽ hở trong tuyển sinh lớp 10, nhiều học sinh (HS) có học lực yếu kém từ các tỉnh làm giả hồ sơ hay hợp thức hóa hồ sơ để vào học tại các trường tư thục TP.HCM.

Đầu năm học 2012, Trường THPT tư thục Việt Thanh (TP.HCM) đã trả hồ sơ và buộc thôi học đối với N.H.N. (sinh năm 1995, quê Bến Cát, Bình Dương) sau hơn hai tuần N. nhập học tại trường. Lý do: gia đình HS này đã dùng bằng tốt nghiệp THCS giả khi nộp hồ sơ nhập học lớp 11 tại trường.

Học sinh “ngồi nhầm chỗ”
Một giờ học môn hóa của học sinh lớp 11 Trường THPT tư thục Hồng Đức, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. (Ảnh: Như Hùng)
 
Kẽ hở
 
Trước khi đến xin học tại Trường THPT Việt Thanh, N. đã học hai năm lớp 10 tại Trường THPT N., một trường tư thục khác tại TP.HCM. Khi đến Trường Việt Thanh, gia đình N. nộp bản sao bằng THCS có chữ ký của giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương cấp năm 2009. Nhà trường yêu cầu nộp bản chính để đối chiếu, gia đình em này lại mang đến một bản chính có dấu mộc và chữ ký của ông Lục Kim Thanh, trưởng phòng GD-ĐT huyện Bến Cát, Bình Dương ký tên và đóng dấu ngày 30-6-2011(!). Trước sự việc một HS có hai bằng tốt nghiệp THCS khác nhau, Trường THPT Việt Thanh đã có công văn gửi Phòng GD-ĐT huyện Bến Cát và Sở GD-ĐT Bình Dương để xác minh. Kết quả: cả hai đều là bằng giả.  

Kiểm tra không xuể

Theo đúng quy trình, hồ sơ HS trúng tuyển lớp 10 phải được sở kiểm tra trước khi cấp mã số HS, làm giấy chứng nhận trúng tuyển lớp 10, làm cơ sở cho HS dự thi tốt nghiệp sau này. Tuy nhiên, TP.HCM có đến 85 trường tư thục, theo nhiều hiệu trưởng, có trường mang hồ sơ đến sở, có trường không. Nếu mang tất cả đến sở, có lẽ sở cũng không kiểm tra xuể. Do vậy, việc kiểm tra tính trung thực hồ sơ HS chủ yếu các trường tự làm và tự chịu trách nhiệm. Điều này cho thấy khâu hồ sơ HS lớp 10 trường tư chưa chặt chẽ so với khâu tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

 
Điều đáng nói ở đây, HS này đã học trót lọt hai năm tại Trường THPT tư thục N nhưng vẫn không bị phát hiện giả mạo hồ sơ. Theo học bạ THPT của N., học kỳ 1 năm học 2010-2011 N. xếp loại học lực kém, học kỳ 2 xếp loại yếu, phải ở lại lớp vì điểm thi lại hai môn sinh và văn lần lượt là 1,5 và 3. Đến năm học 2011-2012, N. mới có kết quả học tập “đẹp” hơn với hầu hết điểm trung bình nhiều môn trên 6 và được lên lớp. Có kết quả “đẹp” này, gia đình chuyển N. đến nhập học lớp 11 Trường THPT Việt Thanh.
 
Thực tế, nguồn tuyển của các trường tư thục là HS đến từ khắp các tỉnh thành cả nước nhưng hồ sơ nhập học vào lớp 10 quá đơn giản gồm: giấy khai sinh, học bạ THCS, bằng tốt nghiệp (hoặc giấy chứng nhận) tốt nghiệp THCS, hộ khẩu... Ông Bùi Gia Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT tư thục Nhân Việt, nói: “Khi nhận HS đầu lớp 11, 12 hoặc các lớp bậc THCS đều phải qua thủ tục chuyển trường, giấy chuyển trường. HS các tỉnh về TP.HCM phải có giấy chuyển trường từ sở. Với quy trình này, HS không thể giả mạo hồ sơ. Riêng đối với HS vào học tư thục lớp 10 không yêu cầu thủ tục này. Các trường căn cứ trên học bạ và bằng (hoặc giấy chứng nhận) tốt nghiệp THCS, ngoài ra không có dữ liệu thông tin nào khác để đối chiếu”.
 
Nhiều hiệu trưởng trường tư nhìn nhận đây là chỗ hở, có thể sót lọt những trường hợp giả mạo. “Bằng cấp giả, học bạ giả được thực hiện rất tinh vi, có thể nhân viên nhận hồ sơ không phát hiện được” - ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức, nói.
 
Học bạ “đẹp”
 
Tuy nhiên, chuyện giả mạo hồ sơ, bằng tốt nghiệp không đáng lo bằng chuyện hồ sơ thật, bằng thật nhưng học lực giả. Ông Nguyễn Cường, chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT tư thục Việt Âu (TP.HCM), nói: “Vấn đề nan giải ở các trường tư hiện nay là thực trạng HS có bằng thật, học bạ thật nhưng điểm trên đó không phản ánh đúng học lực của HS. Có rất đông HS có học bạ điểm số đẹp nhưng học lực yếu kém. Thực tế ở các trường tư không lựa chọn đầu vào, số HS học lực yếu kém mỗi mùa tuyển sinh đầu năm khoảng 40% là chuyện bình thường dù điểm học bạ đều trung bình khá trở lên”.
 
Ông Bùi Gia Hiếu nhận định: từ thực tế tuyển sinh cho thấy điểm số trên hồ sơ, học bạ cao hay thấp tùy trường, tùy địa phương. Có nhiều trường hợp HS điểm trung bình hơn 7,0 nhưng học lực chưa hẳn hơn những HS có điểm 6,0 của nơi khác. Một giáo viên Trường THPT Trí Đức (TP.HCM) cho biết kết quả kiểm tra đầu vào hằng năm cho thấy chỉ có khoảng 50% số HS mới tuyển thuộc diện “chắc” kiến thức đã học lớp dưới. Các trường tư phải chấp nhận thực tế này và phải tiếp tục củng cố kiến thức với 50% HS còn lại.
 
Ông Hoàng Minh Huy, phó hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nam Việt (TP.HCM), nói có một thực tế từ khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, nhiều nơi HS học lơ là, thầy cô cho điểm dễ hơn, trường chạy theo thành tích nên chất lượng HS có dấu hiệu đi xuống. Một số trường tư có “thương hiệu” có thể lựa chọn đầu vào khá giỏi. Nhưng với những trường mới, trường nhỏ đang cần nguồn tuyển sinh, họ phải đón nhận và gánh nhiệm vụ bồi dưỡng những HS “tốp dưới”. Giải quyết hậu quả tình trạng HS “ngồi nhầm chỗ”, được tặng điểm số đẹp hơn khả năng đang là chuyện đau đầu trong hệ thống các trường ngoài công lập.
 
Theo Phúc Điền

Tuổi Trẻ