Học sinh lớp 9 tốt nghiệp 100%, giáo viên trăn trở
(Dân trí) - Năm học nào đến thời điểm này, giáo viên chủ nhiệm các lớp 9 lại trăn trở chuyện làm sao để học sinh mình giảng dạy và chủ nhiệm được tốt nghiệp 100% theo như chỉ tiêu đăng kí đầu năm.
Công việc đầu tiên mà các giáo viên bộ môn phải làm và đã làm từ đầu năm học đó là những cột điểm kiểm tra miệng, 15 phút… mà thấp dưới trung bình (dưới 5) thì vẫn chưa vào sổ điểm cái (sổ điểm lớn) mà chỉ nằm chờ đợi ở sổ điểm con (sổ điểm cá nhân) - nơi tôi giảng dạy gọi như vậy. Những con điểm thấp đó nằm yên chờ giáo viên bộ môn “hóa phép” để thành những con điểm cao hơn rồi mới vào sổ điểm chính thức.
Công việc trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết, mọi thứ đâu đó đã sẵn sàng cho việc xét tốt nghiệp diễn ra thành công và tốt đẹp. Cho nên khối lớp cuối cấp luôn được bố trí xếp lịch thi từ những ngày đầu.
Tất cả giáo viên có giảng dạy và chủ nhiệm khối lớp 9 đều trở nên thân mật với nhau hơn bao giờ hết và tôi - giáo viên bộ môn luôn thuộc nằm lòng câu cửa miệng của các giáo viên chủ nhiệm: “Em xem điểm lại cho lớp chị với nhé.”
Và câu quen thuộc hơn của Ban giám hiệu: “Các thầy cô lớp 9 rà soát, đối chiếu lại chỉ tiêu đăng kí đầu năm, cố gắng làm sao hoàn thành chỉ tiêu đề ra.”
Thời điểm này, các giáo viên nói chung đều tất bật với bao nhiêu công việc với các loại hồ sơ sổ sách: Riêng lớp 9, giáo viên còn lo lắng thêm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cả về hạnh kiểm lẫn học lực.
Được giảng dạy và chủ nhiệm lớp 9 là những gương mặt được Ban giám hiệu lựa chọn đầu năm như “chọn mặt gửi vàng”, đa phần là những giáo viên có chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, gắn theo đó là những trách nhiệm và sự lo lắng cao độ mỗi khi mùa thi về.
Kì thi học học kì 2 của các em lớp 9 vừa kết thúc, chấm bài thi mà lòng giáo viên thấp thỏm, trăn trở. Mỗi bài thi là mỗi lần giáo viên cầu mong cho học sinh của mình được trên điểm trung bình, ngòi bút đỏ cứ ngập ngừng ở những bài điểm thấp.
Vì hệ số bài thi nhân ba - một cột điểm vô cùng quan trọng trong tổng thể cả năm học. Nên tâm lí chung của giáo viên luôn mong muốn điểm thi học sinh cao để níu các cột điểm khác lên theo.
Năm nay, đề thi học sinh lớp 9 của nơi tôi công tác (do Phòng Giáo dục ra) rất phù hợp với sưc học của học sinh. Chính vì vậy, điểm thi khá cao.
Đó là một tín hiệu vui cho toàn giáo viên đang giảng dạy và đứng lớp khối 9.
Điểm chác ổn định, hạnh kiểm được lớp bình bầu, sau đó giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Đa phần học sinh lớp 9 đều được xét tốt nghiệp (trừ những trường hợp cá biệt). Vì đây là thời khắc quan trọng để các em có được bằng THCS sau bốn năm miệt mài ngồi trên ghế nhà trường.
Xét cả lí và tình, Hội đồng xét Tốt nghiệp đều rất mong muốn học sinh của trường mình đạt tốt nghiệp 100% nên việc này phải bắt đầu từ giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm (nhưng phải theo sự chỉ đạo từ đầu năm học).
Chuyện học sinh tốt nghiệp ra trường cuối cấp là niềm vui của các em, các em sẽ lên trường mới, gặp thầy cô giáo mới, bạn bè mới và bắt đầu từ cấp ba, các em định hướng rõ tương lai của mình hơn.
Đội ngũ giáo viên chúng tôi biết rõ điều đó, nhưng sao vẫn thấy lòng trăn trở, có chút gì đó ngậm ngùi vì biết rằng “Trong tất cả những học sinh rời trường đó, có những học sinh chưa thật sự cố gắng, chưa nỗ lực hết mình trong năm học cuối cấp này. Thế mà các em đó vẫn được nghiễm nhiên tốt nghiệp như bao học sinh khác.”
Rồi những khóa học sau nhìn thấy hiện trạng học hành chưa nghiêm túc của những khóa trước mà vẫn được tốt nghiệp sẽ bắt chước theo sẽ kéo theo một hệ quả khôn lường.
Có thể, lên cấp ba học sinh sẽ quyết định đúng đắn hơn về tương lai nghề nghiệp của bản thân. Nhưng trước hết, ở giao điểm của cuộc đời - ít ra các em cũng có bằng cấp hai để dễ xin việc như làm công nhân may, hay một nghề nào đó không đời hỏi trình độ chẳng hạn.
Những người lái đò như chúng tôi đã góp phần giúp những vị khách bậc THCS đỗ bến an toàn, nhưng sau khi những vị khách đó rời thuyền, lòng người đưa đò đầy trăn trở: “Cho học sinh tốt nghiệp 100%, liệu có phải là cách tốt nhất trong giáo dục hiện nay?”.
Thanh Thanh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!