Học sinh lớp 7 vẫn học thuộc văn mẫu "như con vẹt"
(Dân trí) - Con ôn thi học kỳ, các môn đều có sẵn đề cương. Riêng môn Văn, cô giao 6 đề, trong đó có bài văn mẫu yêu cầu học sinh học thuộc.
Chị Lê Ngọc Anh, ở Gò Vấp, TPHCM ngao ngán khi nhìn con gái học lớp 7 ôn thi học kỳ. Tất cả các môn đều có đề cương, môn Văn cô giáo giao 6 đề để ôn tập nhưng "khoanh vùng" các em chỉ cần học thuộc 3 bài văn mẫu của 3 đề. Ba bài này cô cho sẵn, bài của một số học sinh tự làm cũng đều được cô sửa kỹ lưỡng.
Chị Anh cho biết, hồi con học tiểu học, chị đã quen với việc cháu học thuộc, chép đi chép lại đoạn văn mẫu cô cho trước ngày kiểm tra. Và đến bây giờ đã là học sinh cấp 2, các con vẫn học "như con vẹt", chị nói.
Người mẹ cho biết, con mình học lực chỉ ở mức khá. Từ bé cháu đã quen với việc học thuộc, học theo bài mẫu của cô. Giờ cháu rất khó viết theo cách của mình, khó diễn đạt và tư duy một cách trôi chảy.
Dù chị cũng nhiều lần khuyến khích con học khác đi, viết theo cách của mình nhưng không có tác dụng vì cháu đã quen như vậy. Đặc biệt cháu luôn sợ viết khác đi sẽ bị trừ điểm, bị chê bai như hồi bé.
Ở bậc tiểu học, phụ huynh dễ dàng có những trải nghiệm về việc con học thuộc làu văn mẫu ôn thi. Chị T.L, ở quận 7, TPHCM cho biết, con chị học lớp 4, vẫn như cách ôn thi từ lớp 1, con được cô giao học thuộc làu những bài văn mẫu. Dù chị có khuyến khích, gợi ý cho con theo cách khác cháu cũng không chịu, nhất nhất chỉ ôn theo cách của cô.
Quan sát con học, chị L. nhận thấy không phải mọi bài văn mẫu đều do cô giáo viết hay lấy mẫu từ đâu đó đưa cho các em mà có rất nhiều kiểu mẫu. Có kiểu cô chọn bài của bạn hay nhất rồi chỉnh sửa lại chỉn chu làm mẫu cho cả lớp. Có kiểu mẫu khác là cô sửa bài của từng học sinh, bắt các em theo cách của mình.
"Ngay bây giờ, tôi không hiểu nổi nhiều giáo viên trẻ vẫn gạch đi ý cháu tả bà nội biết đi xe máy, gạch ý tả tóc mẹ con cắt tém nhuộm đỏ au... rồi bắt các cháu làm theo mẫu", chị L. bày tỏ.
Trước tình trạng văn mẫu trong trường học, đặc biệt nở rộ vào mùa thi học kỳ, mới đây, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ với học sinh, chỉ xem đây như một hoạt động đánh giá định kỳ, thông thường hàng ngày.
Trong đó, việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, giáo viên không soạn đề cương mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu.
Theo một số giáo viên, việc giáo viên cho học sinh thuộc văn mẫu là hệ quả của việc học, ôn theo đề cương, học để thi chứ không phải học để tiếp nhận, để phát triển năng lực. Mục tiêu học tập đang nghiêng về miễn sao để các em thi được điểm cao chứ không mấy quan tâm đến việc khuyến khích khả năng thật sự của các em.
Việc học sinh quen với việc học thuộc văn mẫu, quen với cách tư duy cho sẵn cũng kéo theo nhiều tình huống đáng suy ngẫm.
Trước đây, tại một quận ở TPHCM đề kiểm tra "Tả trường em sau buổi học" gây tranh cãi khi hàng loạt học sinh làm lệch thành... tả giờ ra chơi theo văn mẫu.
Được biết, khi ôn luyện, các em đã được làm bài "Tả trường em trước buổi học" nhưng đề kiểm tra chỉ cần đổi trạng từ "trước" thành "sau" là nhiều em ngơ ngác.
Theo lãnh đạo một trường học, có sự nhầm lẫn này là vì một số giáo viên đã "ôn tủ" cho các em tả cảnh trường học giờ ra chơi. Khi nhận đề, với một đề bài hao hao, học sinh đã quen học mẫu, tư duy chỉ nằm trong khuôn khổ bài mẫu đã không phân biệt được những yêu cầu đơn giản nhất.
Hay câu chuyện nhiều năm qua được nhắc đến tại kỳ thi lớp 10 ở TPHCM rất nhiều học sinh giỏi môn Văn nhưng không làm được bài, có điểm thấp thảm hại.
Điều này được lý giải, ở trường học các em quen theo cách học văn mẫu, nghiêng về học thuộc không cần tư duy. Trong khi thi lớp 10 ngày đổi mới đòi hỏi khả năng lập luận, tư duy, lý lẽ, quan điểm cá nhân làm nhiều học sinh lập tức "chiếu tướng".
Học thuộc văn mẫu trong học tập không chỉ làm bào mòn tư duy, đóng khung cách nghĩ của học sinh mà đây còn là hình thức ăn cắp trắng trợn được bình thường hóa trong môi trường học đường.
Xin nhắc lại câu chuyện TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen kể về một sinh viên ưu tú, xuất sắc được xét đi học ở nước ngoài theo chương trình hợp tác giáo dục. Kết quả đầu tiên khi ra nước ngoài học của cô nữ sinh ưu tú ấy là bài luận điểm 1.
Lý do là trong bài luận của mình, cô sinh viên sử dụng, sao chép nguyên văn từ nhiều nguồn tài liệu nhưng không ghi trích dẫn.
Cô sinh viên bị sốc. Bởi từ bé, cô đã quen với việc trước khi thi học kỳ hay thi học sinh giỏi, cô giáo luôn lấy đâu đó hoặc sẵn những bài văn mẫu, yêu cầu học sinh học thuộc và đến ngày vào thi chỉ việc chép lại. Đó là "đạo văn", là lấy của người khác thành của mình xem như là việc bình thường trong trường học.
Biết bao nhiêu đứa trẻ cũng như cô sinh viên ưu tú nọ, không biết là mình đang gian dối, không biết mình đang ăn cắp?