Học sinh kém Sử: Có trách nhiệm của Hội Khoa học Lịch sử

(Dân trí) - “Học sinh kém Sử có trách nhiệm một phần của Hội Khoa học Lịch sử” - Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho biết.

Học sinh kém Sử: Có trách nhiệm của Hội Khoa học Lịch sử
Mới đây, tại buổi lễ tôn vinh học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh) - Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Học sinh kém Sử, trách nhiệm một phần của Hội Khoa học Lịch sử. Vừa qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT đã ký Bản ghi nhớ để cùng hợp tác nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng giáo dục môn sử, tìm ra các nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục, chấn hưng một cách toàn diện và căn bản. Qua đây, chúng tôi muốn nhân cơ hội để nhận trách nhiệm của một hội nghề nghiệp cùng với Bộ GD-ĐT tôn vinh, động viên và khích lệ tinh thần học Sử cho các học sinh. Trên cơ sở biên bản ký kết với Bộ GD-ĐT mà trực tiếp là Bộ trưởng đã chủ động đến gặp Hội Sử học là bước chuyển nhận thức lớn. Trong chương trình này, chúng tôi quan tâm nhiều đến việc dạy học Sử trong nhà trường liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên dạy Sử và hình thức khác nhau để khích lệ, tôn vinh những điển hình, sáng kiến hỗ trợ cho việc dạy và học Sử”.

Với sự kết hợp này, ông có thấy ở Bộ GD-ĐT tinh thần quyết tâm? Và Hội Sử học sẽ thực hiện những bước như thế nào để nâng cao chất lượng môn sử trong trường học?

Mong muốn nâng cao chất lượng không chỉ của Bộ, Hội Khoa học Lịch sử mà của toàn xã hội. Nhưng mong muốn ấy phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Việc phá cơ chế cũ đã khó, hệ thống chương trình, hình thức biên soạn SGK đã lâu năm cũng cần phải thay đổi là cần thiết nhưng phải thận trọng. Không nên đòi hỏi quá nhanh bởi nhanh thường là hỏng nhưng phải khởi động ngay.
 
Học sinh kém Sử: Có trách nhiệm của Hội Khoa học Lịch sử
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN trao giải thưởng cho HS giỏi quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) sáng ngày 14/4/2012.

Một ví dụ về việc dạy Lịch sử là vừa qua Hà Nội có cho chú giải tên một số tuyến đường phố nhưng lại sai? Ông nghĩ sao về cách làm này?

Mọi sáng kiến về việc dạy và học sử tôi đều ủng hộ. Việc làm của Hà Nội vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng cũng là việc làm mạnh dạn của cơ quan quản lý thành phố. Trước đó ở Mỹ Tho đã làm, nước ngoài cũng có.

Nhưng việc chú giải không hề đơn giản, tưởng dễ mà không dễ. Bởi viết càng ngắn, cô đọng, súc tích bao nhiêu thì ngoài yếu tố chính xác ra phải đầy đủ. Lẽ ra (cách làm của Hà Nội) phải có hội đồng tương đối chuẩn mực để đưa ra những định danh bảo đảm tính ngắn ngọn nhưng chính xác.

Ở đây địa danh đã có thay đổi, năm nay ở tỉnh này, năm sau ở tỉnh khác. Hay chuyện 55 hay 56 ngày đêm tính theo cách nào? Một sự cảnh tỉnh rằng ý nghĩa việc làm là tốt nhưng cách thức thực hiện phải phù hợp.

Cần hiểu rằng xã hội vẫn hết sức quan tâm không bỏ mặc môn lịch sử. Chưa bao giờ nhiều sách viết về lịch sử như hiện nay, một số cách mới như sách tranh chẳng hạn đã xuất hiện. Các nhà xuất bản, điện ảnh đã nỗ lực (dù chưa thực sự thành công), sân khấu cũng vậy. Chúng ta phải ghi nhận đã có thay đổi đó.

Và cũng đừng ngộ nhận việc các cháu nhỏ bây giờ xem phim Trung Quốc mà thuộc lịch sử Trung Quốc. Phim cổ trang khác lịch sử. Tuy nhiên hiểu lịch sử Trung Quốc là tốt chứ, sống bên cạnh họ phải hiểu về họ thì mới hợp tác, bảo vệ được đất nước ta.
 
Ông có nghĩ, việc học trò học kém môn Lịch sử có phải do lỗi của người lớn?

Cái đó đúng. Cần phải hiểu tại sao các cháu không thấy lịch sử hấp dẫn, thiết thực...

Cá nhân tôi cho rằng hiện nay nhiều sân chơi vẫn thiên về việc đánh đố trí nhớ các em. Trong thời đại mà chỉ cần click chuột, học trò đã có cả bộ bách khoa toàn thư thu gọn trong lòng bàn tay, nhiều sân chơi không còn phù hợp.

Cái khó nhất và giá trị nhất của lịch sử là tính ngụ ngôn: những câu chuyện, những bài học lịch sử và sự liên tưởng. Các cụ xưa có câu “ôn cố nhi tri tân” tức xem chuyện xưa để nhận ra chuyện nay, nhìn chuyện nay mà ngẫm chuyện xưa. Để thấy rằng phương pháp tư duy lịch sử vô cùng quan trọng. Ngành nghề nào cũng vậy, nếu có một sự hiểu biết lịch sử vững chắc thì nghề nghiệp vững vàng hơn vì có một phương pháp phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm