Học sinh học trước đại học: Tại sao chỉ áp dụng với học sinh chuyên?

Hà Mi

(Dân trí) - Đây là cơ hội để học sinh làm quen với môi trường đại học, sớm tiếp cận các chương trình đào tạo chuyên sâu, vậy vì sao không mở rộng với học sinh trường "thường"?

Theo cơ chế đặc thù được Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành cuối năm 2021, học sinh trung học phổ thông (THPT) chuyên của đại học này và học sinh THPT chuyên trong cả nước từ học kỳ 2 lớp 11 sẽ được đăng ký học tích lũy một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc Gia Hà Nội.

Với cơ chế này, một số học sinh cấp 3 tại các trường chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chia sẻ với Dân trí về các mặt lợi và hại cũng như các cơ hội đến từ việc học trước đại học.

Việc học trước đại học giúp hướng nghiệp cho học sinh

Nhìn vào những mặt lợi của chương trình này, Phạm Thanh Uyên (lớp 11 Anh 2, THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) cho rằng, việc học trước tín chỉ đại học sẽ tạo điều kiện cho học sinh phát triển định hướng đam mê và nghề nghiệp của bản thân em trong tương lai. Chương trình THPT có tới tận 13 môn khác nhau nhưng với việc học tín chỉ, học sinh có thể đi sâu vào những lĩnh vực mình thích và có tính ứng dụng.

"Đây là cơ hội để học sinh làm quen với môi trường đại học, tiết kiệm thời gian học cũng như sớm tiếp cận các chương trình đào tạo chuyên sâu, có thêm thời gian để thực hành và tích lũy kinh nghiệm làm việc về sau", em nói.

Dẫu vậy, Uyên thẳng thắn chỉ ra rằng em cảm thấy băn khoăn vì sao lại chỉ áp dụng cho học sinh trường chuyên học trước đại học và mục đích của việc này là gì.

"Em có lo ngại liệu việc này có thật sự tốt hay không, trong bối cảnh học sinh cấp 3 tại Việt Nam phải tiếp thu một lượng kiến thức lớn. Đặc biệt, với học sinh trường chuyên, các bạn còn tham gia hoạt động ngoại khóa, đảm nhiệm công việc câu lạc bộ, dự án..., đồng thời đối mặt với các yếu tố ngoại cảnh như nộp hồ sơ du học, thi chứng chỉ...", Thanh Uyên bày tỏ.

Theo Uyên, mô hình nếu được thử nghiệm hiệu quả ở Đại học Quốc gia thì nên mở rộng ra ở nhiều trường khác để học sinh có nhiều sự lựa chọn hơn, góp phần xây dựng định hướng đúng đắn cho học sinh hiểu bản thân cũng như xác định ngành nghề mình yêu thích.

Học sinh học trước đại học: Tại sao chỉ áp dụng với học sinh chuyên? - 1

Việc học trước đại học góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT (Ảnh: Thủy Nguyên).

Doãn Minh Huy (lớp 11A5, THPT Chuyên Ngoại ngữ) lại thấy nhiều nguy cơ của việc học đại học sớm, tiêu biểu là áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần. "Chương trình đại học sẽ rất khác so với cấp 3 nên học trước tín chỉ đại học sẽ có thể dẫn đến suy sụp tinh thần và gây hại cho sức khỏe", Huy cho biết.

Ngược lại, khi được hỏi liệu có cân nhắc theo đuổi chương trình này không, Minh Huy thẳng thắn trả lời không.

Lý do được Huy đưa ra chính là vì bản thân còn bận rộn với các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh, dự định tương lai cũng như các bài tập ở trường.

Bên cạnh đó, bạn trẻ cũng không ủng hộ việc mở rộng chương trình này bởi lo ngại về áp lực đồng trang lứa: "Nếu điều này trở nên phổ biến, không ít người sẽ tự áp lực bản thân phải học trước. Do vậy, nếu có nhiều học sinh tham gia vào việc học trước đại học thì sẽ khiến cho áp lực học tập và làm việc của học sinh cấp 3 vốn đã lớn giờ lại còn lớn hơn".

Về việc chỉ giới hạn cho học sinh trường chuyên tham gia chương trình học trước đại học, Minh Huy nhận thấy có phần chưa công bằng với các bạn trường "thường": "Em tin rằng mọi học sinh đều có quyền được khám phá và phát triển bản thân dù đang học tập ở ngôi trường nào".

Mô hình học trước đại học của nước ngoài

Nếu ở Việt Nam, chương trình của Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những chương trình học trước đại học đầu tiên thì ở các nước khác, đã có những hình thức của việc học trước đại học như ở Mỹ có AP (Advanced Placement).

AP bao gồm các khóa học tương ứng với nội dung đào tạo năm đầu của đại học. Hiện nay, chương trình AP đã có 38 môn học ở 7 lĩnh vực khác nhau. Sau khi kết thúc việc học, thí sinh sẽ thi lấy chứng chỉ AP với thang điểm từ 1 đến 5, với mức điểm 3 là tối thiểu để đạt yêu cầu.

Sở hữu chứng chỉ AP, sinh viên tại đại học Mỹ sẽ được phép quy đổi chứng chỉ thành các tín chỉ đại học tương đương và không cần phải học, từ đó giúp rút ngắn thời gian học của sinh viên cũng như nhanh chóng được tiếp cận các kiến thức chuyên sâu.

Học sinh học trước đại học: Tại sao chỉ áp dụng với học sinh chuyên? - 2

AP (Advanced Placement) là một chương trình học trước đại học đã rất phổ biến ở Mỹ (Ảnh: College Board).

Nguyễn Quang Minh (lớp 11A1 Tin, THPT Chuyên Khoa học tự nhiên) đang học các môn AP tại Việt Nam. Là một học sinh chuyên Tin, Minh lựa chọn học hai môn AP: AP CSP (AP Computer Science Principle - Lý thuyết Tin học máy tính) và AP CSA (AP Computer Science A - Tin học máy tính A).

Trong quá trình học AP, nam sinh nhận thấy mình có cơ hội tiếp xúc với các kiến thức cơ bản tin học một cách có hệ thống, giúp tạo nên lợi thế so với các bạn khác khi vào đại học. Tuy nhiên, đối với việc học trên lớp, học AP lại không bổ trợ nhiều.

Do đó, khi nghe tin về chương trình học trước đại học ở Việt Nam, Quang Minh cho rằng đây là một quyết định hợp lý.

"Ở Mỹ, học sinh đã được phép làm điều tương tự thông qua việc học AP. Trên thực tế, em thấy nhiều bạn có đủ khả năng học được AP và hoàn thành xuất sắc. Trong trường hợp của em, các khóa học tin học như lập trình cơ bản cũng không quá khó cho học sinh cấp 3 học", Minh nói.

Nam sinh hy vọng vào tính khả thi của một hệ thống học trước đại học tại Việt Nam, tuy nhiên sẽ cần một thời gian dài để đánh giá và đưa vào thực hành trơn tru. Hơn nữa, nếu có thì nên chỉ chọn những môn cơ bản để giúp được nhiều ngành nghề nhất có thể.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm