Học sinh học nghề và văn hóa ở hai nơi: Dễ xung đột, chồng chéo?

Mai Châm

(Dân trí) - Dạy nghề và văn hóa do hai hệ thống giáo dục khác nhau phụ trách (GDNN và GDTX) khiến quá trình tổ chức đào tạo xảy ra nhiều xung đột, công tác quản lý học sinh phức tạp, chồng chéo.

Trong tháng 10/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có công văn gửi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường trung cấp, trường cao đẳng nghề đủ điều kiện (được Sở GD&ĐT các địa phương cấp phép) giảng dạy văn hoá Trung học phổ thông (THPT) cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) theo học trình độ trung cấp nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trước khi có công văn này, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn rằng người học do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tuyển vào học trung cấp nghề có nguyện vọng học chương trình văn hóa cấp THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các trường trung cấp, cao đẳng phải phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) để tổ chức dạy học.

Là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đông đảo học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp nghề, lãnh đạo trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội cho rằng đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH gửi Bộ GD&ĐT là vấn đề có tính thời sự và cần thiết.

Học sinh học nghề và văn hóa ở hai nơi: Dễ xung đột, chồng chéo? - 1

Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội cho rằng việc các trường trung cấp, cao đẳng được phép giảng dạy các môn văn hóa THPT là cần thiết và phù hợp với thực tế.

Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội nói: "Chúng tôi thấy rằng đây là một việc làm rất cần thiết vì đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tổ chức đào tạo và yêu cầu của người học".

Hiện tại, các trường trung cấp, cao đẳng chịu trách nhiệm đào tạo về chuyên môn nghề nhưng nội dung đào tạo văn hoá THPT lại do các trung tâm GDTX tổ chức quản lý giảng dạy và chịu trách nhiệm.

Do đó, một học sinh đồng thời phải chịu sự quản lý của cả 2 hệ thống, 2 cơ sở giáo dục, quá trình tổ chức đào tạo sẽ có nhiều khó khăn và trách nhiệm của mỗi cơ sở đôi khi chồng chéo.

Theo ông Khánh, việc giao cho 1 đơn vị tổ chức đào tạo cả nội dung văn hoá và nội dung chuyên môn nghề là cách làm và hướng đi phù hợp để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp.

Hiện tại, các cơ sở GDNN như Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội phải phối hợp và phụ thuộc vào các trung tâm GDTX để tổ chức giảng dạy văn hoá.

"Một học sinh phải tham gia cùng lúc 2 chương trình do 2 cơ sở độc lập tiến hành dẫn đến nội dung đào tạo chưa được thiết kế phù hợp với đối tượng này cho nên quá trình tổ chức đào tạo xảy ra nhiều xung đột.

Công tác quản lý học sinh  và thông tin đến gia đình học sinh về kết quả học tập cũng rất phức tạp vì do 2 hệ thống, 2 cơ sở đào tạo độc lập tiến hành. Trách nhiệm của mỗi cơ sở trong quá trình tổ chức giảng dạy trong suốt 3 năm học và kết quả cuối cùng đầu ra không rõ ràng", Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội nói.

Ông Phạm Xuân Khánh lấy ví dụ, chương trình hiện tại dành cho học sinh lớp 9+ (sau tốt nghiệp THCS): trong 3 năm đào tạo 2 năm đầu học sinh vừa học chuyên môn nghề vừa học văn hoá, đến năm thứ 3 sau khi hoàn thành chương trình học trung cấp nghề tiếp tục học 1 năm kiến thức văn hoá THPT.

Ông Khánh cho rằng cách thức tổ chức dạy và học này làm những kiến thức và kỹ năng đào tạo chuyên môn nghề của học sinh bị ngắt quãng và rơi rụng. Do đó, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo văn hoá, người học nghề lại gặp khó khi tiếp cận với thị trường lao động.

Nhiều học sinh cũng bày tỏ mong muốn được giảm tải chương trình hoặc tổ chức việc học sao cho thân thiện hơn với người học, giúp các em tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc khi đi học.

Học sinh học nghề và văn hóa ở hai nơi: Dễ xung đột, chồng chéo? - 2

Cơ sở vật chất, hạ tầng của trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội.

Về phía đơn vị đào tạo, ông Khánh nói: "Chúng tôi thấy rằng việc cho phép các trường trung cấp, trường cao đẳng giảng dạy văn hoá cho học sinh THPT là công việc cần làm ngay và phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn, năng lực của các trường trung cấp, cao đẳng.

Các trường trung cấp, cao đẳng sẽ cần phải chuẩn bị các nguồn lực giáo viên dạy văn hoá, cơ sở vật chất, và thực hiện nghiêm túc theo đúng những quy định đối với giảng dạy văn hoá THPT do Bộ GD&DT ban hành".

Với năng lực của các trường trung cấp, cao đẳng hiện nay nói chung và trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nói riêng, lãnh đạo trường cho rằng có đủ các nguồn lực để triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng đối với nội dung giảng dạy văn hoá THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS.

"Hiện tại, chúng tôi đã bố trí các khu vực giảng đường được thiết kế và trang bị phù hợp với nội dung đào tạo văn hoá, gồm 1 khu nhà 3 tầng với 12 phòng học, mỗi phòng có sức chứa 40 – 50 học sinh được trang bị đầy đủ các thiết bị giảng dạy dùng cho đào tạo văn hoá như bàn, ghế, bảng đen, máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng, điều hoà nhiệt độ…

Ngoài ra, chúng tôi đã bố trí sẵn sàng các khu vực dịch vụ hỗ trợ cho sinh hoạt và học tập của học sinh như khu vực căng tin 200m2, các máy bán hàng tự động, máy uống nước, các khu vực thư viện, phòng đọc, phòng thí nghiệm cơ bản...

Nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn giáo viên giảng dạy 7 môn văn hoá để đảm bảo khi được phép sẽ triển khai được ngay. Thực tế cho thấy các nguồn lực nhà trường đang dành cho hoạt động đào tạo, văn hoá đã đáp ứng được các yêu cầu của các cơ quan quản lý chuyên ngành", ông Khánh khẳng định.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội là trường công lập trực thuộc UBND TP.Hà Nội xây dựng và quy hoạch đạt chuẩn quốc tế. Hàng năm, số lượng học sinh, sinh viên đăng ký vào học tại trường ngày càng đông, nhà trường luôn tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu, luôn dẫn đầu trong các cuộc thi kỹ năng nghề các cấp.

Sinh viên ra trường 100% có việc làm, các em đều làm đúng ngành nghề được đào tạo và có mức thu nhập cao, được các doanh nghiệp sử dụng đánh giá tốt về năng lực chuyên môn, khả năng tiếp nhận công nghệ mới, các kỹ năng bổ trợ…

"Với mô hình đào tạo linh hoạt phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo học sinh ra trường có chất lượng cao, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đang là cơ sở GDNN uy tín và tin cậy được, đánh giá cao.

Do đó, công tác tuyển sinh của nhà trường hiện nay rất thuận lợi và sau 3 năm năm học, trường có hơn 850 học sinh hệ lớp 9+ đang học tại trường. Với xu thế này, con số này sẽ tiếp tục tăng cao", ông Khánh cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm