Học sinh học bên ngoài nhà trường: Làm mọi cách để đảm bảo an toàn
(Dân trí) - Toàn thị xã Dĩ An, Bình Dương có gần 340 lớp với cả chục ngàn học sinh, sau buổi học ở trường lại "di dân" đến học tại các cơ sở nhà dân. Việc đảm bảo an toàn tại các lớp học này được các cơ quan quản lý đặt lên hàng đầu.
Xe đưa đón phải có giáo viên và phụ xe
Trước phản ánh, hàng ngàn học trò ở Dĩ An một buổi học ở trường, một buổi phải di chuyển đến học buổi ngoài ở nhà dân, ông Lê Minh Phúc, Trưởng phỏng GD-ĐT thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho biết: Việc thuê phòng học bên ngoài là do Ban đại diện phụ huynh kết hợp với giáo viên thực hiện đáp ứng nhu cầu của phụ huynh trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.
Tuy nhiên, các lớp học này được Phòng GD-ĐT phối hợp với phường để cấp phép và cùng nhà trường quản lý. Việc mở lớp học bên ngoài, thực hiện theo nhiều quy định, trong đó có Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm.
"Chúng tôi thành lập Ban chỉ đạo quản lý việc ôn tập bên ngoài nhà trường, kiểm tra hoạt động thực tế về điều kiện cơ sở như diện tích, bàn ghế, phòng học... Và đặc biệt, tôi rất chú ý đến vấn đề nhà vệ sinh cho các em. Các cơ sở này, rồi cả giáo viên tham gia đảm bảo đủ các điều kiện mới được cấp phép", ông Phúc nói.
Về phía nhà trường, phải luân phiên kiểm tra hoạt động ôn tập ngoài nhà trường về mọi mặt. Trong đó, về nội dung ôn tập nghiêm cấm giáo viên dạy bài mới, kiến thức mới cho học trò.
Tuy là thỏa thuận, tự nguyện nhưng Phòng GD-ĐT cũng đưa ra khung mức thu cho hoạt động này chứ không phải, các trường thích thu bao nhiêu thì thu.
Phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An đang kiểm tra hồ sơ của 337 giáo viên xin tham gia giữ học sinh và ôn tập ngoài nhà trường.
Hàng ngày, cả ngàn học sinh được xe đưa đưa đón đến các cơ sở thuê bên ngoài nên ông Phúc khẳng định, hoạt động này được quản lý rất chặt.
Phòng kiểm tra các đơn vị vận tải tổ chức đưa đón để đảm bảo xe còn hạn đăng kiểm, chất lượng, tài xế phải có giấy phép và sức khỏe tốt. Phía nhà trường phải phân công một Phó hiệu trưởng phụ trách theo dõi việc chuyên chở học sinh
Trên xe, phải có một giáo viên và một phụ xe đi cùng để quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón.
Trước phản ánh, học sinh sau buổi học ở trường, có khi phải chờ rất lâu mới đến lượt đón về cơ sở ngoài nhà dân để ngủ trưa là vì nhiều trường số lượng xe ít, phải lần lượt đưa đón rồi quay về tiếp tục chở các em, ông Phúc cho biết: "Xe đưa đón chỉ được chạy với tốc độ cao nhất là 20km/h. Tôi nói với các trường, học một buổi bên ngoài không có gì phải vội, bạn bè chịu khó chờ nhau cũng được, an toàn là phải là trên hết".
Phòng cũng yêu cầu phía sau và phía trước xe phải dán câu "Xe đưa rước học sinh của trường....", trường nào in rõ vào để cùng giám sát quản lý.
"Việc này khi họp Hội đồng nhân dân, tôi bị truy rất nhiều nên tôi làm rất kỹ, cố gắng làm tốt nhất", ông Phúc khẳng định.
Áp lực học sinh tăng quá nhanh
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An, tỷ lệ bán trú hai buổi tổ chức trong nhà trường ở bậc tiểu học trên địa bàn là 61%, tiếp tục tăng lên so với năm trước là chỉ hơn 50%.
Học sinh Trường tiểu học Dĩ An đến cơ sở học bên ngoài nhà trường trên đường Nguyễn Du (thị xã Dĩ An, Bình Dương).
Năm học này, đã có 12/20 trường tiểu học 100% học sinh được học bán trú trong trường nhưng có 2 trường trên địa bàn 100% học sinh chỉ được học một buổi, phụ huynh có nhu cầu thì tất cả học sinh tại hai trường này theo học các lớp bên ngoài.
Ngoài ra, nhiều trường tỷ lệ bán trú tại một số trường còn thấp, cũng phải theo mô hình học bên ngoài nhà trường. Hiện toàn thị xã có 337 lớp tiểu học ôn tập bên ngoài nhà trường với trên chục ngàn học sinh. Theo ông Phúc, đây là hoạt động đáp ứng nhu cầu thực tế và chính đáng của phụ huynh.
Ông Lê Minh Phúc chia sẻ, khó khăn lớn nhất là dân số cơ học tại địa bàn tăng quá nhanh khi các khu công nghiệp phát triển, công nhân các nơi đổ về. Hàng năm, thị xã Dĩ An tăng bình quân 5.000 học sinh, công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp có thể nói là chưa theo kịp tốc độ tăng dân số.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An cho biết, tại các địa bàn bị áp lực, quá tải phải tổ chức phân luồng, phân tuyến giãn ra các phường khác. Tại một số trường học, phải tận dụng cả phòng chức năng để tổ chức giảng dạy nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Học sinh đến học tại số 17 Thắng Lợi, khu phố Thắng Lợi, thị xã Dĩ An, Bình Dương.
Giải pháp bền vững, vẫn là việc phải xây dựng, mở rộng quy mô trường lớp. Trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục các dự án xây dựng các trường tiểu học giai đoạn 2020-2025 đã được UBND thị xã quê duyệt.
Trong khi chờ kế hoạch dài hạn, ông Phúc cho biết, sẽ làm mọi cách tốt nhất để quản lý, đảm bảo an toàn đối với lớp học ôn tập bên ngoài nhà trường.
Hoài Nam