Học sinh Hà Nội sẽ được học về nếp sống thanh lịch

(Dân trí) - Ngay trong tiết học đầu tiên của năm học mới 2010-2011, học sinh Hà Nội sẽ được học về nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An. Đây là một trong những đóng góp của ngành giáo dục Hà Nội trong năm học mới hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Nội dung trên được Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong buổi tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2010-2011 ngày 11/8.  

Trong năm học 2009-2010, với thành tích cao trong giảng dạy và học tập, Sở GD-ĐT Hà Nội là một trong 10 đơn vị dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu thi đua.

Năm học vừa qua, Hà Nội đã tập trung vào "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục", tuyển bổ sung gần 3.400 giáo viên, 4.000 nhân viên vào các nhà trường trong năm học 2009-2010 đã góp phần giúp ngành GD-ĐT Hà Nội hạn chế tình trạng nơi thiếu, nơi thừa về số.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng được tăng lên, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động này đã tăng từ 11,5 tỷ đồng (năm 2009) lên 13,4 tỷ đồng trong năm 2010, nâng tỷ lệ 100% giáo viên đứng lớp có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn ngày càng cao, tiêu biểu như ở tiểu học là 81,4%, THCS 56%, mầm non 35,4%...

Cũng trong năm học vừa qua, Hà Nội đã xây mới 5.523 phòng học thay thế phòng học tạm, phòng học cấp 4 đã xuống cấp. Việc kiểm tra, rà soát hệ thống chiếu sáng học đường, các công trình cấp nước sạch, vệ sinh tại các trường học cũng được Sở GD-ĐT đồng loạt triển khai để lập dự án và phân bổ nguồn kinh phí 150 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, vệ sinh cho 1.018 trường tiểu học, THCS (chưa tính các trường mầm non).

Trong buổi tống kết, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã chỉ ra nhiều nhiều khó khăn chưa giải quyết được như tình trạng quá tải trong tuyển sinh mầm non, vẫn còn tồn tại chênh lệch lớn giữa một số đơn vị về kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT…

Trong năm học mới, ngành giáo dục Hà Nội khẳng định nhiệm vụ tập trung vào chất lượng thực trong giảng dạy, đặc biệt nâng cao giáo dục toàn diện cho học sinh; tăng cường sự phối hợp nhà trường - xã hội - phụ huynh trong công tác giáo dục.

Hồng Hạnh