Học sinh gốc Việt ở Mỹ được quan tâm hơn
Một trường tiểu học công lập đã phối hợp với ĐH Massachusetts Boston để giúp giảng dạy và tư vấn tốt hơn cho cộng đồng học sinh gốc Việt đang ngày một tăng ở bang này.
Songkhla Nguyễn có thể đăng ký giảng dạy ở bất cứ ngôi trường nào sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ giáo dục ở ĐH Massachusetts Boston (Umass Boston) vào năm 2010, nhưng cô chỉ nhắm vào một ngôi trường duy nhất – Trường Tiểu học Mather ở Dorchester.
Sinh viên châu Á – hầu hết là người Việt Nam – chiếm hơn 30% sinh viên ở Mather, kết quả của gần 40% dân châu Á ở Dorchester. Khu vực này là nhà của cộng đồng người Việt lớn thứ 5 nước Mỹ. “Tôi hi vọng sẽ dùng những kinh nghiệm của mình khi từng là một học sinh Mỹ gốc Á để giúp đỡ bọn trẻ” – Nguyễn nói. Gia đình cô gái 28 tuổi này rời khỏi Việt Nam vào năm 1984.
Là giáo viên mới, Nguyễn nhanh chóng biết rằng cô có thể tin tưởng vào những giảng viên cũ và sinh viên mới của họ ở Chương trình Nghiên cứu người Mỹ gốc Á của Umass ở Dorchester. “Tất cả mọi thứ đều có ý nghĩa” – cô nói. Nguyễn lớn lên ở khu ngoại ô Rockland – nơi có một vài người nói tiếng Việt với người thân của cô. “Tôi đã nghĩ về ngôi trường này, về cộng đồng sinh viên người Việt… và chúng tôi có những sinh viên ở Umass muốn giúp đỡ và học tập. Tất cả chỉ còn là chuyện nỗ lực để việc này có thể diễn ra”.
Theo ông Peter Kiang – giáo sư giáo dục tại Umass Boston kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu người Mỹ gốc Á, sự hợp tác giữa các trường với nhau cũng là một cách tập trung vào hỗ trợ giáo dục cho cộng đồng người Việt ở Mỹ. “Chương trình này đang suy nghĩ về việc hỗ trợ cho các giáo viên, học sinh và gia đình họ” – Kiang nói.
Sự hợp tác giữa các giáo viên của Umass và Mather bắt đầu từ năm 1993 khi cựu học sinh của Kiang là Loni Nguyễn – một người nhập cư gốc Việt – bắt đầu dạy song ngữ cho học sinh lớp 4 ở trường Mather. Chương trình Nghiên cứu người Mỹ gốc Á của Umass và các sinh viên của chương trình này đã giúp đỡ để thiết kế bài giảng, dạy kèm và tiến hành nghiên cứu về những trải nghiệm của học sinh Mather. Họ xây dựng nên những bài giảng về văn hóa mà học sinh có thể hiểu được.
Sự hợp tác bị nhạt nhòa đi không lâu sau đó, khi bang này xóa bỏ các lớp học song ngữ vào năm 2002. Nhóm hỗ trợ của phụ huynh ở Mather cũng nhanh chóng bị tản mác – ông Kiang cho biết. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ông ngày càng nghe nói nhiều về việc các học sinh mới ở Umass đánh giá cao chương trình giáo dục có liên quan tới nguồn gốc châu Á của họ. Một số học sinh này đã tới Mather và trở thành học sinh của Loni Nguyễn. “Đây là những đứa trẻ của cộng đồng. Đây là những đứa trẻ Mỹ gốc Việt ở Dorchester” – những người đã thành công ở Umass – ông Kiang nói về học sinh mới của mình.
Mặc dù Massachusetts không cho phép hoạt động các chương trình song ngữ, nhưng Mather vẫn đang phát triển chương trình Hội nhập tiếng Anh cấu trúc tiếng Việt lớn nhất bang. Các giáo viên phải được đào tạo mới để giúp học sinh tiếp cận với chương trình giảng dạy.
Một lần nữa, với sự phối hợp của Songkhla Nguyễn, các sinh viên của Chương trình Nghiên cứu người Mỹ gốc Á trong 3 năm qua đã giúp lên kế hoạch bài giảng, đứng lớp, tư vấn cũng như xây dựng những bài học phản ánh văn hóa của học sinh.
Một môn học ở Umass nói về những cuốn sách thiếu nhi với chủ đề tới từ nền văn hóa châu Á. Một môn học khác thì sưu tập những câu chuyện từ người già để giúp học sinh hiểu về nguồn gốc của mình. Môn học thứ ba tìm cách xây dựng mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh.
Sáu giáo viên của chương trình hội nhập tiếng Việt ở Mather đã tốt nghiệp Umass Boston, và 3 người trong số họ tốt nghiệp Chương trình Nghiên cứu người Mỹ gốc Á.
Emily Cox, hiệu trưởng trường Mather cho biết sự hợp tác này là vô giá, bởi vì ngôi trường này đang nhìn thấy một làn sóng mới những người nhập cư trong những năm gần đây, hầu hết là từ Việt Nam. Mỗi cấp học, từ mầm non tới lớp 3, đều có một lớp học hội nhập. Học sinh lớp 4 và lớp 5 thì có một lớp kết hợp.
Cox nói rằng mục tiêu của lớp học hội nhập là giới thiệu cho những học sinh không nói tiếng Anh các lớp học chính thống, tuy nhiên các cố vấn của Umass cũng giúp học sinh người Việt bằng cách trở thành những tấm gương. Tâm điểm mỗi năm là những bữa tiệc văn hóa thường niên, đặc biệt là tổ chức đón Tết.
“Tôi nghĩ rằng các giáo viên và học sinh người Việt vẫn thấm nhuần sự tự hào và nguồn gốc của mình. Thật là tuyệt khi bọn trẻ được nhìn thấy những tấm gương tích cực từ những người có chung nguồn gốc” – Cox nói.