Trung Quốc:

Học sinh được… mượn điểm để thi đỗ

(Dân trí) - Nhờ một biện pháp mới được áp dụng, từ nay học sinh của Trường cấp hai số 1 Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) không còn sợ thi trượt nữa vì các em có thể mượn điểm để thi đỗ và sẽ trả nợ điểm trong bài thi tiếp sau đó.

Cô Huang Kan, giám đốc khoa Quốc tế của Trường cấp hai số 1 Nam Kinh, gọi biện pháp mới này là “ngân hàng điểm thi”, theo đó học sinh có thể mượn một số điểm để thi đỗ và sẽ hoàn trả trong một bài thi khác sau đó.

Học sinh được… mượn điểm để thi đỗ - 1

Chia sẻ với báo chí, cô Huang cho biết cô nghĩ ra ý tưởng này từ các chính sách thực tế của ngân hàng khi mà các ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ vay tiền, cho phép các doanh nghiệp nhỏ này trả lại tiền sau đó.

Cô Huang - người hiểu rất sâu sắc về hệ thống thi cử hiện tại qua 36 năm dạy học của mình - nói thêm rằng: “Trong các bài thi trước đây, điểm số là tất cả và học sinh cảm thấy rất áp lực”.

Theo cô Huang, các bài thi phải chú ý hơn đến việc đánh giá quá trình học, và không nên trở thành một công cụ để giáo viên tạo vấn đề cho học sinh.

“Học sinh có thể học rất tốt nhưng có thể không thể hiện tốt trong bài thi. Do vậy mà hệ thống thi cử hiện tại không công bằng cho những học sinh kiểu này”, co Huang nói.

Do vậy mà khoa Quốc tế của Trường cấp hai số 1 Nam Kinh đề ra “ngân hàng điểm thi”, nhắm đến những học sinh có điểm số gần đạt mức đỗ trong bài thi của 6 môn gồm tiếng Trung, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Sau khi thương lượng với giáo viên, học sinh có thể mượn điểm để đỗ bài thi nhưng phải trả lại điểm đã vay trong một bài thi nhất định. Khi học sinh trả xong điểm nợ, giáo viên sẽ không ghi sổ là học sinh bị thi trượt.

Hệ thống đánh giá tín dụng cũng được sử dụng để đo khả năng trả nợ của học sinh nhằm tránh nguy cơ những “khoản nợ khó đòi”. Giáo viên sẽ không cho nợ điểm sau khi nhận thấy học sinh không thể trả khoản nợ của một bài thi trước đó.

Một thí sinh cũng có thể nhờ một thí sinh khác làm người bảo đảm, và nếu thí sinh này không thể trả nợ điểm thi đã vay, giáo viên có thể trừ vào số điểm của người bảo đảm, hoặc số điểm của thí sinh đã vay điểm. Và những thí sinh này sẽ bị cho vào danh sách đen.

Ngoài ra, những học sinh vi phạm kỷ luật, ví dụ như đi học muộn 5 lần trong 1 học kỳ, trốn làm vệ sinh trường lớp 3 lần, sẽ không được phép áp dụng “ngân hàng điểm thi”.

Cô Huang cho biết 13 trong số 49 học sinh lớp 6 đã áp dụng thành công biện pháp “ngân hàng điểm thi” này.

Học sinh Gui Xingyao cho biết em đã trượt bài thi môn Vật lý giữa học kỳ, em chỉ đạt 53 điểm, và em đã mượn một số điểm để đạt 60 điểm để thi đỗ. Do vậy, trong bài thi Vật lý cuối kỳ, em phải đạt ít nhất 67 điểm để trả khoản nợ 7 điểm đã vay trước đó.

Một số học sinh trong trường rất hoan nghênh “ngân hàng điểm thi” vì hỗ trợ các em cố gắng hơn nữa, nhờ chế độ “mượn điểm” này mà các em không nản lòng sau khi thi trượt và sẽ học chăm chỉ hơn để bù điểm trong kỳ thi tiếp sau đó.

Ông Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho rằng biện pháp mới này giúp phá vỡ không khí học tập cũ kỹ là chỉ chú ý đến điểm số, đồng thời khuyến khích học sinh học chăm chỉ hơn.

Nhưng chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, biện pháp “ngân hàng điểm thi” có thể làm giảm tính nghiêm túc của một bài thi, và học sinh có thể nảy sinh tính trì trệ trong quá trình học và đặt hy vọng vào bài thi tiếp theo.

Xuân Vũ

Theo Chinadaily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm