Học sinh “đổ xô” theo Ban Cơ bản
(Dân trí) - Sáng 29/6, Bộ GD-ĐT đã họp báo về triển khai chủ trương phân ban ở THPT trong năm học mới. Tại buổi họp báo, Bộ đã giải thích tại sao lại có Ban Cơ bản, trong khi ban này chưa được triển khai thí điểm.
Nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về sự ra đời của Ban Cơ bản có phải là “chữa cháy” việc thí điểm không thành công của phân ban? Ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình phát triển giáo dục, giải thích: “Đúng vậy, khi chúng tôi phát hiện mô hình 2 ban thất bại nên chỉnh sửa ngay.
Nguyên tắc tối cao là đưa ra vấn đề gì đều phải có thí điểm chương trình, sách giáo khoa, mô hình tự chọn. Ban Cơ bản là giải pháp ứng đối với thực tiễn.
Tuy nhiên, Ban Cơ bản cốt lõi lại chính là Ban Tự nhiên và Ban Xã hội và sau 3 năm thí điểm Bộ đã đưa ra chương trình sách giáo khoa chuẩn để thực hiện và Ban cơ bản chính là tổ hợp linh hoạt. Và, đến năm 2015 chỉ còn Ban cơ bản”.
Về nguyên tắc, Ban Cơ bản vẫn học theo chương trình chuẩn và tiến đến học tự chọn. Các môn Toán, Lý, Hóa học theo SGK nâng cao; các môn còn lại học theo SGK tự chọn. Ngoài ra, học Ban Cơ bản vẫn có thể lựa chọn một số môn học nâng cao của ban khác trong điều kiện nhà trường đáp ứng. Mặt khác, mềm dẻo hơn cho những địa phương gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất cho dạy học phân ban thì vẫn tổ chức dạy học theo ban Cơ sở.
Theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay của Bộ GD-ĐT thí sinh đăng ký vào lớp 10 các trường THPT. Ban Cơ bản chiếm 67,2%; Ban Khoa học Tự nhiên 21,35%; Ban Khoa học xã hội - Nhân văn là 12%.
Được biết, tỉnh Bắc Kạn có 15 trường THPT thì 90% trường chọn Ban Cơ bản; Nam Định 90% số học sinh đăng ký vào Ban Cơ bản, 9% Ban Tự nhiên, 1% Ban Xã hội; Kon Tum khoảng 70% học sinh vào Ban Cơ bản...
Quy trình phân ban
Trước khi tiến hành tuyển sinh, Hiệu trưởng các trường THPT căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh được giao, kế hoạch giáo dục THPT, số lượng giáo viên, cơ sở vật chất và yêu cầu đào tạo nhân lực địa phương để lập phương án phân ban. Phương án phân ban phải ghi rõ các ban và số lớp của từng ban và mở rộng các hình thức phân hoá cho học sinh lực chọn.
Đối với những trường có điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất cần tổ chức 2 ban Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội - Nhân văn hoặc 3 ban; nơi chưa có điều kiện có thể tổ chức 2 ban hoặc chỉ có Ban Cơ bản.
Học sinh có thể đăng ký 2 nguyện vọng. Theo đó, học sinh muốn đăng ký vào ban Khoa học xã hội - Nhân văn phải hoàn thành chương trình ngoại ngữ tương ứng ở cấp THCS.
Đối với ban Cơ bản, học sinh đăng ký tiếp nguyện vọng lực chọn hình thức phân hoá để sắp xếp các loại lớp.
Những trường, khối chuyên có thể thực hiện chương trình 2 ban Tự nhiên và Xã hội hoặc chương trình ban Cơ bản. Riêng các trường THPT kỹ thuật, thực hiện chương trình ban Cơ bản.
Mai Minh - Hồng Hạnh