Học sinh đi xe máy đến trường: Quản không được thì “thả”?

(Dân trí) - Trên địa bàn Hà Nội, nhiều học sinh THPT vẫn đi xe máy trên 50 phân khối đến trường. Trong khi đó, nhiều trường không xử lý mạnh tay thậm chí là làm ngơ khi học sinh gửi xe máy ngay cạnh trường học.

Học sinh vô tư gửi xe máy cạnh trường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở hầu hết các trường THPT trên địa bàn Hà Nội, học sinh đi xe máy dưới 50 phân khối được phép để xe trong trường. Đối với loại xe trên 50 phân khối, học sinh chưa đủ tuổi bị cấm. Tuy nhiên, nhiều học sinh chưa đủ tuổi vẫn vô tư điều khiển loại xe này và lén lút gửi cạnh trường.


Một điểm trông giữ xe máy của học sinh cấp 3 trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). (Ảnh chụp vào ngày 7/4/2017)

Một điểm trông giữ xe máy của học sinh cấp 3 trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). (Ảnh chụp vào ngày 7/4/2017)

Theo quan sát, phần lớn học sinh đi xe máy thường gửi xe ở các điểm giữ xe gần trường học. Ngay cạnh một trường cấp 3 trên đường Lý Thường Kiệt, vài trăm chiếc xe máy được dựng trên phần vỉa hè phía trước các quán cà phê. Trong số đó, có khoảng một nửa là xe của học sinh của trường cấp 3 bên cạnh. Một số học sinh của trường này cho biết các em muốn gửi xe trong trường hay ngoài trường cũng được, không thấy nhà trường có ý kiến gì.

Một em học sinh của một trường thuộc quận Bắc Từ Liêm cho hay: “Nhà trường không cho phép học sinh đi xe máy trên 50 phân khối nên những bạn đó đều để xe ở ngoài trường.”

Những học sinh chưa đủ tuổi, trên vai khoác áo đồng phục chẳng ngại ngần gửi xe và lấy xe ngay cạnh trường. Thậm chí nhiều học sinh còn không đội mũ bảo hiểm.


Học sinh đang lấy xe máy từ một điểm trông giữ xe trên vỉa hè. (Ảnh chụp vào ngày 7/4/2017)

Học sinh đang lấy xe máy từ một điểm trông giữ xe trên vỉa hè. (Ảnh chụp vào ngày 7/4/2017)

Bất lực vì nhiều người không hợp tác

Để giải quyết tình trạng này, ở một số trường THPT thuộc quận Cầu Giấy, giáo viên thường đi kiểm tra bất chợt xung quanh những điểm trông xe cạnh trường. Theo lời của nhân viên trông xe ở các điểm này, nếu phát hiện có học sinh đi xe trên 50 phân khối, giáo viên sẽ gọi điện báo với phụ huynh.

Tuy nhiên, các trường không thể quản lý hết, bởi nhà trường không kiểm tra thường xuyên và không có biện pháp xử lý mạnh tay nên nhiều học sinh vẫn đi xe máy. Nếu thấy giáo viên đi kiểm tra, học sinh sẽ tránh để không bị bắt.


Học sinh lấy xe tại điểm trông xe cạnh trường sau khi tan học. Giá vé gửi xe ở hầu hết các điểm trông xe này là 5.000 đồng/xe máy.

Học sinh lấy xe tại điểm trông xe cạnh trường sau khi tan học. Giá vé gửi xe ở hầu hết các điểm trông xe này là 5.000 đồng/xe máy.

Hầu hết những trường này mới chỉ dừng lại ở việc xử lý nhẹ nhàng nếu phát hiện học sinh vi phạm khi điều khiển xe máy trên 50 phân khối. Trong khi các bãi giữ xe cạnh trường vẫn hoạt động sôi nổi, học sinh vẫn đi xe máy và gửi xe ở đó, còn nhà trường chỉ biết “bó tay”.

Thậm chí, ở một số trường, mặc dù biết có học sinh vi phạm nhưng nhà trường làm ngơ như không biết gì. Em Hoa (học sinh của một trường THPT thuộc quận Ba Đình) cho biết: “Trường em có khá nhiều bạn đi xe máy, các bạn gửi xe ở ngoài trường và hầu như đã xin phép nhà trường rồi ạ. Hoặc được phép để xe dưới 50 phân khối trong trường.” Tương tự như vậy, cạnh một trường THPT thuộc quận Bắc Từ Liêm, người trông xe cho hay: “Ở đây nhiều học sinh đi xe máy lắm, chúng nó thích gửi ở đâu thì gửi… Nhà trường biết các em gửi ở ngoài nhưng cũng chẳng cấm được.”

Trong một lần trả lời PV Dân trí trước đây, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, nhà trường có quyền loại học sinh nếu nhiều lần phạm luật giao thông. “Hiện nhà trường có bãi và yêu cầu tất cả các em đều gửi xe trong trường. Học sinh nào gửi bên ngoài đều bị phạt. Ngoài ra, chúng tôi cũng có quẹt thẻ từ và ghi lại giờ đến lớp của con vào lúc mấy giờ... Đó là một số giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm”, PGS Cương cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cũng chia sẻ, nhiều khi nhà trường đơn độc vì cha mẹ học sinh không vào cuộc. Ông cho hay, ngành giáo dục Hà Nội nhiều năm nay đã quan tâm sát sao và chỉ đạo các trường về việc đảm bảo an toàn giao thông trong nhà trường và khi tham gia ngoài xã hội.

“Từ năm 2003, Sở GD&ĐT thành phố đã thí điểm ở một số trường về thực hiện an toàn giao thông. Trường tôi cũng là một trong những đơn vị thí điểm. Nhờ những kế hoạch triển khai thời điểm đó nên có những kết quả nhất định.

“Riêng trường chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp để hạn chế như: Hạ hạnh kiểm học sinh từng mức tùy theo vi phạm, mời cha mẹ học sinh đến làm việc... Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi thấy đơn độc bởi sự vào cuộc thờ ơ của nhiều cha mẹ học sinh và một số cơ quan, đơn vị cạnh trường học không phối hợp. Trong khi nhà trường đang yêu cầu các em chấp hành nhưng cha mẹ đến đón học sinh lại đi đầu trần thì không được”, thầy Bình chia sẻ.

Mỹ Hà - Huyền Vũ