Học sinh đang học thí nghiệm vật lý thời... trung cổ

Đây là nhận định của nhóm các chuyên gia ở Hội Vật lý khi thực hiện phản biện về chương trình và sách giáo khoa Vật lý bậc phổ thông, theo yêu cầu của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Thí nghiệm thời trung cổ...

So sánh sách giáo khoa (SGK) Vật lý Việt Nam với một số SGK Vật lý hệ tương đương đang được sử dụng phổ biến tại một số nước như Mỹ, Thụy Sỹ, Nga, Hội Vật lý phản đối quan điểm xây dựng chương trình (CT) SGK Vật lý Việt Nam ngay từ đầu chỉ chú trọng Vật lý học cổ điển. Quan điểm này làm cho CT nặng về những thứ cổ lỗ dẫn đến nội dung của CT quá tụt hậu so với hiện tại.

Cụ thể, những ví dụ đưa ra trong SGK Vật lý lớp 7, lớp 10 nói về ứng dụng của sựgiãn nở vìnhiệt, đưa ra cái bánh xe gỗ bọc đai sắt thời trung cổ. Trong khi đó, sách “Tú tài quốc tế” của Thụy Sỹ đưa ra thí dụ nhúng trục bánh xe sắt vào nitơ lỏng để tra vào lỗ giữa của bánh xe nhằm khi nhiệt độ bình thường trục nở ra bám chặt vào bánh xe.

Hội Vật lý cũng chỉ ra nhiều ví dụ khi CT giải thích và hướng dẫn cách dạy học không đúng.Đó là bài 18 sách Vật lý 6: sự nở vì nhiệt của chất rắn ở trang 58, 59. Với thí nghiệm nêu ra trong bài, HS buộc phải quay lại thời kỳ... đồ đá. Để theo được CT và SGK, nhà trường phải mua thiết bị quả cầu, vòng sắt, lọ cồn… mới dạy được trong khi những dụng cụ này rất khó ứng dụng vào trong thực tế.

Không những thế, Hội Vật lý còn cho rằng, chỉ với vài thí nghiệm, những nhà làm CT và SGK hy vọng HS phải khái quát được những khái niệm, những quy luật... trong vật lý là điều sai với cách làm trong khoa học. Kiến thức học sinh thu được ở SGK rất ít và cả thầy lẫn trò đều bị quá tải. Trong khi đó, Nhà nước tốn một khoản tiền khá lớn để mua sắm thiết bị dạy học theo hướng để học sinh tự làm, tự rút ra kết luận.

Việc CT đổi mới bị rút ngắn, Hội Vật lý cho rằng như vậy là không hợp lý. Mặc dù ở CT đổi mới, môn Vật lý học từ lớp 6 sớm hơn một năm so với CT cải cách cũ nhưng thực chất đã giảm đi 35 tiết, tức là bỏ đi nửa năm học Vật lý với CT cũ.

Nếu tính cả hai cấp THCS và THPT thì số giờ Vật lý ít hơn nhiều so với CT cải cách, xấp xỉ với số giờ cho môn công nghệ và ít hơn nhiều so với số giờ dành cho môn Hóa học. Vì vậy, Hội Vật Lý cho rằng, số giờ học dành cho các môn cần xem lại một cách tổng thể.

Ngoài ra, rất nhiều những bất hợp lý về chuẩn kiến thức ở CT cũng được Hội Vật lý chỉ ra.

Phải xây dựng CT hoàn chỉnh trước khi làm SGK

Từ những ý kiến đánh giá từng phần của CT, Hội Vật lý cho rằng:

- Những lập luận chính về nội dung về phương pháp đổi mới ở CT Vật lý cơ bản là không đúng, đã dẫn đến những hậu quả tai hại ở SGK, ở thiết bị dạy học và ở kiến thức Vật lý mà học sinh thu nhận được hiện nay.

- Với CT đổi mới thực hiện trong thời gian qua, vị trí của môn Vật lý ở THPT không được nhận thức đúng mức, thể hiện ở việc rút bớt số giờ, chuyển một số nội dung của vật lý sang cho môn khác.

- Vấn đề hiện nay không phải là sửa đổi SGK cho phù hợp với CT mà là phải thay đổi CT cho phù hợp với việc giảng dạy môn Vật lý ở phổ thông.

- Vấn đề thay đổi CT môn Vật lý phải nằm trong tổng thể quan điểm, yêu cầu của việc giảng dạy, học tập ở bậc phổ thông là thế nào. Khi đã có tổng thể đó, có thể xây dựng CT môn Vật lý một cách nhanh chóng và ít tốn kém bằng cách:

+ Sưu tầm tương đối đầy đủ CT và SGK Vật lý của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

+ Huy động những cán bộ thực sự có tầm nhìn, có khả năng nghiên cứu tạo điều kiện cho họ tham khảo CT&SGK các nước từ đó xây dựng một CT Vật lý phù hợp với hoàn cảnh nước ta.

+ Khi đã có CT, chúng ta mới tổ chức viết lại SGK một cách hoàn chỉnh, ổn định, có thể dùng lâu dài.

Theo Hiền Lê
VTC