Quảng Bình:
Học sinh bản nghèo thoát cảnh dựng lều "đón 3G" học online
(Dân trí) - Từ tối 30/9, khu vực bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã được phủ sóng 4G, đây là niềm vui lớn của các em học khi thoát cảnh đi bộ gần 5 km dựng lều "đón" mạng để học trực tuyến.
Sáng 1/10, trao đổi với Dân trí, ông Phạm Thanh Nam, Giám đốc Chi nhánh Viettel Quảng Bình cho biết, đơn vị này đã triển khai việc phủ sóng 4G tại bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Từ nay, người dân địa phương sẽ được kết nối với thế giới qua internet, đặc biệt là tạo điều kiện để các em học sinh có thể học online dễ dàng hơn trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay.
"Việc đưa mạng 4G về với vùng sâu, vùng xa đã được chúng tôi triển khai tích cực từ trước đến nay, với mong muốn người dân đều được tiếp cận internet, học sinh được học tập, cũng như đảm bảo công tác an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Cùng với việc phủ sóng 4G tại bản Bạch Đàn, chúng tôi cũng đang tiếp tục rà soát, lên kế hoạch để tiếp tục đưa 4G đến được với thật nhiều bản, làng hơn nữa", ông Phạm Thanh Nam cho biết.
Bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy là một trong những bản làng xa xôi của huyện Lệ Thủy, cuộc sống người dân còn nhiều vất vả và không có sóng điện thoại. Những khó khăn khi không có mạng điện thoại của học sinh bản Bạch Đàn cũng đã được Báo Dân trí phản ánh qua bài viết: "Hai nữ sinh Vân Kiều vượt 5 km đường rừng dựng lều "đón 3G" học online".
Bài viết nói về câu chuyện của 2 nữ sinh người Vân Kiều là Hồ Thị Son (SN 2004) và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005), học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình.
Từ ngày 20/9, Quảng Bình bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến, tuy nhiên với các học sinh vùng sâu, vùng xa như Huyền và Son, việc học online là hết sức khó khăn. Mặc dù có điện thoại thông minh nhưng ở bản Bạch Đàn, nơi 2 nữ sinh Vân Kiều đang sinh sống không có sóng hay mạng điện thoại. Do đó việc kết nối vào hệ thống trực tuyến để nghe thầy cô giảng bài là điều không thể.
Để có thể theo dõi thầy cô ở trường giảng bài, 2 chị em Son và Huyền đã tìm lên khu vực đồi cao, cách bản khoảng 5 km để "đón" sóng 3G, tham gia lớp học trực tuyến cùng thầy cô và các bạn. Câu chuyện của Huyền và Son thể hiện sự hiếu học và vượt khó để có được "con chữ" của học sinh tại bản Bạch Đàn nói riêng và các bản làng vùng cao nói chung của tỉnh Quảng Bình.
Sau khi bài viết được đăng tải, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có những trao đổi với đơn vị viễn thông để thống nhất các phương án, tổ chức tới hiện trường để khảo sát vị trí, địa điểm để lắp trạm phát sóng hợp lý, nhanh chóng phủ sóng 4G.