Học nghệ thuật mà không trở thành nghệ sĩ, diễn viên... có thất nghiệp?
(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật không chỉ để làm diễn viên, ca sĩ… mà có thể đảm nhận nhiều vị trí việc khác.
Có nhiều ngã rẽ chứ không chỉ làm diễn viên, ca sĩ
Trao đổi tại buổi tọa đàm về chủ đề "Phương pháp giảng dạy và nhu cầu việc làm các ngành nghệ thuật", do trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (SaigonACT) tổ chức, nhiều sinh viên theo học ngành nghệ thuật bày tỏ việc khá mơ hồ về công việc của mình sau khi ra trường. Nhiều em nghĩ mình học ngành này sau khi tốt nghiệp chỉ có thể làm nghệ sĩ.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Loan, Phó hiệu trưởng SaigonACT cho biết, việc trở thành diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng là mơ ước của nhiều bạn trẻ, nhưng không dễ. Để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng càng khó hơn và không phải em nào cũng làm được.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Kim Loan, sinh viên đừng vì thế mà lo lắng, nếu không trở thành diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng, các em có thể làm rất nhiều công việc khác như nhà quản lý, giáo viên, mở studio…
Ca sĩ Thanh Sử cũng đồng tình và cho rằng có nhiều vị trí việc làm dành cho sinh viên nghệ thuật, như biên tập viên âm nhạc, nhà quản lý, nhà sản xuất, giảng viên, kỹ thuật viên ở các studio thu âm, giáo viên tại các trung tâm văn hóa, kết hợp cùng bạn bè hình thành các ban nhạc…
Theo giảng viên thanh nhạc Uyên Thi, sinh viên nghệ thuật ra trường có nhiều ngã rẽ chứ không chỉ làm diễn viên, ca sĩ. Dựa vào những kỹ năng được dạy ở trường, các em có thể chuyển sang làm nhiều nghề khác có liên quan.
Theo bà Uyên Thi, sinh viên giỏi kỹ năng diễn đạt, giọng tốt có thể làm MC, diễn viên lồng tiếng. Bạn nào giỏi kỹ năng chơi nhạc cụ có thể làm giáo viên dạy nhạc, nhóm nhạc. Ai giỏi kỹ năng hình thể có thể thử sức với nghề vũ công, dạy khiêu vũ…
Hữu Tranh, cựu sinh viên ngành thanh nhạc SaigonACT, chia sẻ khi mới ra trường bạn đi hát ở một số sân khấu để lấy kinh nghiệm, sau đó mở một studio ghi âm nhỏ và đến nay công việc ổn định.
Cơ hội cho người biết nỗ lực
Theo đạo diễn Đức Bảo, để trở thành nghệ sĩ, ngoài năng khiếu và yếu tố may mắn, 70% dựa vào sự khổ luyện của các em.
"Để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp cần sự nỗ lực kinh khủng, không được nản lòng. Nếu 3 năm học tại trường các em không có sự kiên nhẫn khổ luyện, chắc chắn khi bước chân ra đời sẽ vất vả vô cùng", ông nhấn mạnh.
Theo đạo diễn Đức Bảo, lợi thế lớn nhất của sinh viên học các nghề ngành nghệ thuật là được đào tạo phát triển các kỹ năng mà bản thân có năng khiếu, bổ sung thêm các kỹ năng liên quan đến hình thể và giao tiếp. Nhờ đó, các em có lợi thế nhất định khi ra đời.
Sinh viên nghệ thuật được học nhiều môn liên quan đến thể hiện hình thể, động tác, phát âm, biểu cảm, quan sát tâm lý người đối diện, điều khiển cảm xúc… Khi ra đời, các em có được kỹ năng giao tiếp tốt, diễn đạt giỏi và đủ sức trao đổi với các đối tác trong công việc.
Do đó, ngay cả khi không có cơ hội trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, các em cũng cần nỗ lực học tập nghiêm túc mới có cơ hội ở các công việc khác, có lợi thế phát triển hơn so với người khác.
Thạc sĩ Trương Văn Trí, giảng viên trường SaigonACT khẳng định, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên nghệ thuật rất nhiều. Tuy nhiên, cơ hội để nổi tiếng cũng như có công việc tốt chỉ dành cho người biết nỗ lực học tập, kiên trì rèn luyện hoàn thiện bản thân.
Ông cho biết, hiện rất nhiều đơn vị có nhu cầu nhân sự các nghề ngành nghệ thuật, như các cơ quan truyền hình - giải trí chuyên nghiệp, các công ty lớn, các đoàn nghệ thuật ngành - địa phương, trường học… Các đơn vị này thường xuyên đến trường đặt hàng, nhờ giới thiệu người.
Ngoài ra, khi các lớp thực hiện các bài thi, buổi tốt nghiệp… trường đều kết nối, mời các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, trung tâm biểu diễn nghệ thuật đến xem sinh viên thể hiện năng khiếu của mình để giới thiệu đến các đơn vị tuyển dụng.