Học ngành vật liệu xây dựng ra trường làm công việc gì?
(Dân trí) - Nghe đến vật liệu xây dựng, mọi người nghĩ ngay đến sắt thép, gạch đá, xi măng… Không ai nghĩ đó là một ngành kỹ thuật bậc cao.
Nghề quan trọng trong lĩnh vực xây dựng hiện đại
Theo thạc sĩ Phạm Minh Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Vật liệu xây dựng Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM, ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng (ngành VLXD) là một ngành kỹ thuật có nhiều ứng dụng thực tiễn, đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực xây dựng hiện đại.
Ông Đức cho biết, sinh viên ngành VLXD được dạy rất nhiều kiến thức như: Các loại vật liệu và cấu kiện xây dựng được sử dụng phổ biến; Công nghệ sản xuất các loại vật liệu và cấu kiện xây dựng khác nhau; Giám sát thực tế công tác sử dụng các loại vật liệu, cấu kiện xây dựng tại công trường; Kiểm định chất lượng vật liệu công trình xây dựng; Giải quyết các vấn đề về công nghệ trong quá trình sản xuất vật liệu và cấu kiện xây dựng…
Thạc sĩ Phạm Minh Đức chia sẻ: "Theo học ngành này, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về toán học, vật lý kỹ thuật, hóa đại cương và chuyên sâu; hiểu rõ về cấu trúc, tính chất của VLXD, quy trình công nghệ để chế tạo, gia công và ứng dụng các vật liệu đó…".
Kỹ sư ngành VLXD sẽ có khả năng nghiên cứu vật liệu mới, thiết kế công nghệ chế tạo, quy trình sản xuất, tổ chức sản xuất và quản lý các loại VLXD; Giám sát chất lượng của VLXD trong quá trình thi công, đảm bảo về an toàn lao động tại công trường….
Tại các nhà máy sản xuất VLXD, kỹ sư ngành này thường giữ các vị trí nghiên cứu chế tạo vật liệu mới với chất lượng ngày càng tốt hơn, thi công nhanh hơn, giá thành rẻ hơn …
Tại công trường xây dựng, kỹ sư ngành VLXD đóng vai trò quan trọng xuyên suốt, từ khâu thiết kế quy trình cung ứng vật liệu cho đến hướng dẫn thi công, kiểm định chất lượng vật liệu, giám sát thi công…
Họ phải tính toán tỉ mỉ nguồn vật liệu từ các nhà cung ứng, thời gian hàng tới công trình, bố trí vật liệu nào ở vị trí nào trên công trường để bảo đảm chất lượng…
Trong quá trình thi công, mỗi loại vật liệu khác nhau phải có cách xử lý khác nhau, chế tạo phụ gia, kiểm định đạt chất lượng hay không trước và sau khi thi công... Có những loại vật liệu xây dựng ngoại nhập giá trị rất cao, chỉ cần phương pháp thi công không đúng, không đạt yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ là phải làm lại, gây thiệt hại rất lớn cho đơn vị thi công.
100% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành
Về khả năng tìm việc, thạc sĩ Phạm Minh Đức khẳng định 100% sinh viên ngành VLXD của trường đều dễ dàng có được việc làm đúng ngành ngay sau khi tốt nghiệp.
Ông nói: "Nhiều bạn được các công ty, tập đoàn lớn chính thức nhận vào làm việc khi còn chưa tốt nghiệp. Mức lương khởi điểm dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng".
Theo thạc sĩ Phạm Minh Đức, chương trình đào tạo ngành VLXD của trường nghề có đặc thù là sinh viên được học trực tiếp với chuyên gia, thường xuyên thực tập tại các doanh nghiệp. Do đó, người học có lợi thế là sớm tiếp cận nghề nghiệp thực tế, có điều kiện trở thành nhân viên chính thức khi chưa ra trường.
Ông Thirachet Wipasa (Tổng giám đốc Công ty bê tông SCG, Thái Lan) và ông Steven Loh (Tổng giám đốc Công ty bê tông Fico Pan-United, Singapore) đều là doanh nhân nhiều năm làm việc tại Việt Nam. Hai ông đánh giá rất cao năng lực của kỹ sư thực hành ngành VLXD ở Việt Nam và khẳng định nhu cầu nhân sự ngành này của các doanh nghiệp xây dựng rất lớn.
Anh Nguyễn Trung An là sinh viên ngành VLXD của trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM khóa 2005-2008. Anh chọn ngành này vì mới mẻ, nhưng khi học thì cũng lo lắng vì không biết ra trường có dễ tìm việc làm hay không.
Tuy nhiên, khi ra trường anh mới thấy công việc rất nhiều, kiến thức anh được học đủ để làm rất nhiều đầu việc. Sau hơn 10 năm phấn đấu, hiện anh Trung An đang giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kiểm định công trình 510.
Anh Nguyễn Trung An chia sẻ: "Đến giờ, tôi khẳng định mình đã quyết định sáng suốt khi chọn học ngành này. Vì nó đã mang lại cho tôi kiến thức, kỹ năng, sự tự tin và hơn hết là thành công trong sự nghiệp".