Từ bức thư cuối cùng gửi ngành giáo dục, Bác dạy chúng ta:
Học để làm gì, học cái gì và học như thế nào?
Cách đây vừa tròn 45 năm (15/10/1968 - 15/10/2013), giữa những ngày kháng chiến chống Mỹ gian khổ, Bác Hồ gửi thư đến các trường nhân đầu năm học mới, nhắc nhở: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Đây là bức thư cuối cùng Người gửi ngành Giáo dục trước lúc đi xa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không một lần nào dùng thuật ngữ “triết lý giáo dục” nhưng qua những lời nói hoặc bài viết của Người, có thể thấy toát lên ba chủ đề chính về công tác giáo dục là học để làm gì (mục đích), học cái gì (nội dung) và học như thế nào (phương pháp).
Về mục đích giáo dục. Người chỉ ra rằng, một nền giáo dục của một nước độc lập phải đào tạo nên những người công dân hữu ích, một nền giáo dục có thể phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh.
Người nhấn mạnh: “Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Những lời dạy trên cho thấy vấn đề cốt yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, trước hết phải là vấn đề con người, đào tạo những người dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đào tạo những công dân hữu ích cho đất nước. Đó chính là mục đích cơ bản và xuyên suốt của giáo dục qua bất cứ thời kỳ nào của lịch sử.
Về nội dung giáo dục. Trong bài viết đăng trên báo Nhân dân ngày 24/10/1955 dưới bút danh C.B, Bác Hồ nêu nội dung giáo dục bao gồm thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục. Người lưu ý sự khác biệt giữa các cấp học để xây dựng nội dung giáo dục cho phù hợp.
Ở tiểu học, cần giáo dục các cháu đức tính thật thà, dũng cảm, ở trường thì kính thầy yêu bạn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau; ở nhà thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ; ngoài xã hội thì tùy sức mình mà tham gia những việc có lợi ích chung. “Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu”.
Ở trung học, “đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế”. Ở đại học, “cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến... kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà”.
Điều Bác dạy phải chọn lựa các tri thức phổ thông, chắc chắn, thiết thực và thích hợp chính là đề ra tiêu chí những kiến thức cơ bản cần đảm bảo cho học sinh và ngày nay nên coi như phương châm của sự tinh giản chương trình, sự giảm tải nhằm bỏ những phần không cần thiết cho đời sống thực tế.
Về phương pháp giáo dục. Người chỉ ra: Giáo dục phải gắn liền với đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Với sinh viên, học tập cần gắn với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: Phục vụ nhân dân.
Người luôn nhắc nhở, làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân. Rõ ràng “học và hành”, “lý luận kết hợp với thực tiễn” luôn là phương châm của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn các thầy giáo, học sinh và toàn ngành Giáo dục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ các thầy cô giáo. Người khẳng định, nhiệm vụ của các thầy cô giáo rất quan trọng và rất vẻ vang. Người dặn dò: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non.
Trồng cây non được tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Người vinh danh đội ngũ giáo viên bình dân học vụ, những người đã “mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc” là những “vô danh anh hùng” nên “cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”.
Với các giáo viên, Người viết: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc”. Người cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, và động viên sự giúp đỡ của các gia đình, các bậc phụ huynh.
Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, nền giáo dục nước nhà đứng trước nhiệm vụ mới cùng những thời cơ và thách thức mới. Nhưng những quan điểm cơ bản về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển giáo dục hôm nay và mai sau.
Trong bức thư gửi giáo sư và sinh viên Trường Dự bị đại học Thanh Hóa (4/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Giáo dục phải nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân, thầy và trò phải thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ, thật thà tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi. Với các cháu thiếu nhi, Bác cũng căn dặn phải thật thà, dũng cảm. Rất rõ ràng, những dòng thư trên cho thấy, điều Bác đặc biệt quan tâm là đức tính thật thà.
Bởi vì có thật thà thì mới có thể dạy tốt và học tốt. Hay nói cách khác, muốn dạy tốt và học tốt thì phải thật thà trong dạy và học, nghĩa là phải dạy thật và học thật. Nhưng cần nói thêm, ngoài hai yếu tố dạy và học, việc quản lý tốt cũng là điều rất quan trọng.
Sự quản lý không thật nghĩa là chạy theo thành tích không thật sẽ tạo nên sức ép đối với thầy cô giáo và học sinh, và do đó sẽ làm ra những sản phẩm không thật. Những kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trong nhiều năm qua với kết quả thi đỗ suýt soát 100% là một sản phẩm không thật của toàn ngành Giáo dục mà bất cứ ai cũng nhìn thấy, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường đối với toàn xã hội, đối với vận mệnh của đất nước.
Do vậy, một trong những điều nên được coi là bước đột phá trong công cuộc cải cách giáo dục “căn bản và toàn diện” trong toàn ngành Giáo dục chính là tạo nên một tinh thần thật thà, một thái độ thật thà, các nhà trường đều dạy thật, học thật và quản lý thật để tạo nên nhiều thế hệ thầy dạy thật, trò học thật, cán bộ quản lý thật và qua đó góp phần xây dựng nên một xã hội thật sự giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đó chính là cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất khi chúng ta học tập thư của Bác gửi cho ngành Giáo dục và cũng là đáp lại lòng mong mỏi của Bác đối với nhà trường.