Học công nghệ thời trang để đón đầu tương lai ngành may mặc
(Dân trí) - Dù kim ngạch xuất khẩu luôn dẫn đầu nền kinh tế nhưng ngành may mặc vẫn là gia công đơn thuần, giá trị thấp. Để phát triển toàn diện ngành này, tương lai phải phát triển mạnh công nghệ thời trang.
Công nghệ thời trang là "chìa khóa" phát triển ngành may
Phát biểu tại tọa đàm chuyên đề "Công nghệ thời trang Việt Nam trong bối cảnh mới", ông Lê Văn Hải - Phó tổng giám đốc công ty cổ phần May Phương Nam, cho biết dù Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhưng đơn hàng của một số doanh nghiệp may phía Nam vẫn rất tốt, hầu hết đều đã đủ đơn hàng làm đến cuối năm.
Các doanh nghiệp may lo tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc sản xuất, làm không kịp giao theo hợp đồng sẽ bị phạt rất nặng.
Ông nói: "Chỉ cần dừng sản xuất mười ngày, nửa tháng là kế hoạch sản xuất tan vỡ ngay, khó đáp ứng tiến độ hoàn thành đơn hàng".
Trong khi các ngành khác phải cho lao động nghỉ việc để giảm áp lực thì ngành may lại lo thiếu người làm vì cần sử dụng lượng lao động rất lớn.
Theo ông Lê Văn Hải, các doanh nghiệp sắp tới sẽ đẩy mạnh tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ trung cấp trở lên để có thể làm việc với máy móc công nghệ cao nhằm tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào số lượng lao động phổ thông.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM cũng cho là ngành may có nhu cầu lao động rất lớn so với các ngành khác trong hơn 30 năm qua, giúp tạo nhiều công ăn việc làm, nhưng xu hướng thâm dụng lao động khi đang phát triển theo con đường gia công.
Bởi vậy, ngành may chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng thấp, không xây dựng được vị thế của ngành trên thị trường quốc tế.
Ông cho rằng: "Muốn gia tăng giá trị cần phát triển ODM (tự thiết kế, bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng) lên mức tỷ lệ lớn hơn con số 10% thị phần của ngành dệt may".
Để làm được điều đó, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM nhấn mạnh phải có vai trò lãnh đạo của nhà nước, xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghệ thời trang, xây dựng nhiều nhãn hàng riêng hòa nhập quốc tế mới đạt được lợi nhuận cao, phát triển ngành may lên một tầm cao mới.
Vai trò của các cơ sở đào tạo
Ông Lê Văn Hải kiến nghị sau dịch Covid-19, nhà nước cần có chính sách ưu tiên để thu hút lao động, nhân tài về ngành may thì mới có thể ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.
Chắc chắn các doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi tư duy sản xuất sau dịch, sử dụng nhiều lao động có kỹ năng, tay nghề đào tạo bài bản từ các trường.
Còn trong tương lai, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần May Phương Nam cho rằng ngành may mặc cần có nhiều nhà thiết kế nổi tiếng hơn để phát triển các thương hiệu, nhãn hàng riêng đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Khi đó, ngành may mới có thể phát triển bền vững, đạt giá trị gia tăng cao.
Theo thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, để làm được điều đó, các cơ sở đào tạo phải đầu tư nhiều hơn cho ngành công nghệ thời trang, nghiên cứu những chương trình học phù hợp với xu thế thời đại và cần chính sách hỗ trợ nhà thiết kế Việt Nam vươn ra thế giới.
Tại trường của ông, ngành trung cấp Công nghệ thời trang được xây dựng chương trình đào tạo mới theo mô hình module để dạy các kỹ năng chính. Đồng thời, các em được đào tạo theo dự án để làm quen công việc thực tế.
Ví dụ, sau khi dạy các kỹ năng cơ bản, trường sẽ đưa ra dự án cho các em thực hiện như đề bài "phát triển một sản phẩm đồng phục công sở dành cho lứa tuổi 18 - 25 trong mức giá 800.000 đồng".
Các em phải xây dựng từ khâu thiết kế mẫu mã, lựa chọn chất liệu phù hợp để sản xuất, cắt may, hoàn thiện sản phẩm, tính toán lợi nhuận, marketing, đưa sản phẩm lên mạng và bán sản phẩm này.
Khi đó, các em được ứng dụng những kỹ năng mình đã học, nắm bắt được quy trình làm việc hoàn chỉnh.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long nhấn mạnh: "Sản phẩm có giá trị là phải bán được ra thị trường, chứ không thể là sản phẩm vẽ ra nhìn cho đẹp, thỏa mãn ý thích cá nhân hay sự sáng tạo của bản thân".
Ông Long hy vọng các cơ sở GDNN sẽ nghiên cứu nhiều chương trình đào tạo bám sát thực tiễn, cho ra đời ngày càng nhiều nhà thiết kế biết sáng tạo và kinh doanh được từ sản phẩm của mình, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới.