Học chưa tới nên sinh viên nhàn rỗi?
(Dân trí) - Quá nhàn rỗi, “giết” thời gian vào các trò vô bổ là thực trạng của một bộ phận sinh viên đại học. Sự "chây lười" này không chỉ do sinh viên ỷ lại mà còn do các bạn thiếu định hướng, mục tiêu trong việc học.
Học chỉ để cho qua
Học để ra trường, học để lấy bằng cử nhân, kỹ sư… là mục tiêu khi bước chân vào trường ĐH của nhiều sinh viên (SV). Để thực hiện mục tiêu này và với cách học ở bậc ĐH, việc học hay không hoàn toàn toàn là lựa chọn của mỗi người, khác với hình thức học ở phổ thông.
Họ có thể học qua loa, đến ngày thi mới học, việc thi lại hay nhiều người chấp nhận ra trường muộn hơn thì vẫn có thể đạt được mục tiêu của mình. Đó là lý do không ít SV chẳng mấy khi lo bài vở vẫn thừa tự tin “Không học vẫn ra trường như ai”.
Một sinh viên năm 2 ngành Kinh tế ở TPHCM cho hay, bạn bè mình chẳng mấy khi học, dành nhiều thời gian cho việc la cà, chơi game, nhậu nhẹt...
Ngoài lý do cách học ở ĐH khác xa với bậc phổ thông, không bị áp lực về điểm số thì theo SV này: “Khi đỗ ĐH, nhiều bạn có suy nghĩ mình đã hoàn thành nhiệm vụ nên “xả hơi”, khám phá những thú vui khác. Họ chưa thấy được sự cần thiết của việc nâng cao chuyên môn hay học hỏi thêm các kỹ năng khi không bị bắt buộc”.
Nói về thực trạng này, theo ThS Lê Ngọc Thắng (ĐH Ngân hàng TPHCM), trước đây giáo dục ĐH của chúng ta đào tạo 5 năm, giờ chuyển xuống 4 năm nên đòi hỏi người học phải nỗ lực hơn nhiều.
Tuy nhiên, không ít SV có suy nghĩ học những gì thầy cô ra để thi mà không hiểu rằng học để thi là chưa thể đủ, đó là chỉ điều kiện đảm bảo để qua môn học đó. Trong khi, học ĐH là phải để hình thành năng lực, phẩm chất cá nhân để anh bước ra cuộc sống. Và yếu tố quan trọng nhất là người học phải chủ động trong việc này.
“SV nào có định hướng, có mục tiêu đúng đắn, xác định được việc học thì tôi đảm bảo các bạn sẽ thấy thời gian không đủ cho riêng việc học, chứ chưa nói để tham gia các hoạt động, sinh hoạt như thể thao, văn hóa… để phát triển toàn diện”, ông Thắng nói.
Theo ThS Lê Ngọc Thắng, nhiều bạn mới bước vào giảng đường cũng xác định việc học nghiêm túc nhưng không kiên định, thiếu hoài bão nên cũng dễ “sa” vào việc chơi bời theo bạn bè.
ThS Huỳnh Phước Nghĩa (ĐH Kinh tế TPHCM) cho hay, vào năm nhất, các SV phải đối diện với nhiều vấn đề khi thay đổi môi trường sống, họ không biết mục tiêu của mình là gì hoặc quá ôm đồm các mục tiêu nên loay hoay, để thời gian trôi qua vô ích.
“Mục tiêu “4 năm đại học của mình như thế nào” là điều rất đáng lưu ý cho mỗi SV. Thay vì để thời gian rảnh rỗi các bạn nên mạnh dạn thử sức để dấn thân và khám phá khả năng của mình”, ThS Nghĩa chia sẻ.
Giảng đường thiếu hấp dẫn?
Là một SV bận rộn với rất nhiều hoạt động xã hội, là bà chủ của một chuỗi thức ăn sạch khi đang là SV nhưng Trúc Đào (ĐH Ngoại thương TPHCM) cũng thừa nhận SV là đối tượng có quá nhiều thời gian dư.
Trúc Đào cho rằng việc học còn nặng các kiến thức hàn lâm, thiếu sức hút cũng như chưa tạo động lực giúp SV thích học và thấy cần phải học. Nhiều môn việc tự nghiên cứu ở nhà sẽ hiệu quả hơn ngồi hàng giờ liền ở lớp. Có thể là do giáo trình chưa được cải tiến nhiều hoặc kĩ năng truyền đạt của người dạy chưa đủ sức thu hút SV. Trong khi việc thi cử để đạt điểm qua môn lại không mấy khó khăn nên nhiều SV thấy không cần phải chăm chỉ.
Tuy vậy, nữ sinh này bày tỏ, việc tự thu nạp kiến thức và rèn luyện kỹ năng rất cần thiết với mỗi SV vì nó quyết định con đường tương lai của mình. “Nhìn chung SV hiện nay đã chủ động trong việc tự học nhưng họ lại thiếu định hướng, dễ loay hoay hoặc bị sa vào những trò vô bổ”, Trúc Đào đánh giá.
ThS Hà Trung Thành (Trường Cán bộ TPHCM) cho rằng phương pháp và chương trình học cũng tác động nhiều đến khả năng tự học của SV. Trong khi chương trình học ở ĐH hiện nay rất thiếu trải nghiệm cho người học. Học không đi đôi với hành nên SV chưa thấy được sự cần thiết của việc học đối với công việc về sau.
Giảng viên này chia sẻ cần có sự thay đổi trong việc thiết kế chương trình học: “Thay vì học hết đến năm cuối mới đi thực tập như hiện nay, theo tôi bắt đầu từ năm thứ 2, chúng ta phải làm mọi cách gắn lý thuyết với thực hành u. Đồng thời đưa các kỹ năng sống vào môn học nhiều hơn thì người học sẽ có hứng thú hơn và bớt nhởn nhơ đi”.
“Cũng như nhiều SV, khi học ĐH, tôi không quá quan trọng điểm số, có tinh thần qua môn là ổn. Nhưng không vì “điểm số không quan trọng” mà không đầu tư vào việc học bởi việc gì cũng cần có trách nhiệm. Học để thi không quá khó nhưng học để hiểu rõ bản chất vấn đề thì rất cần sự chăm chỉ, đầu tư. Tôi chọn cách học bằng sự trải nghiệm, tận dụng mọi cơ hội để có thể hết mình với những công việc, khoảnh khắc trong cuộc sống.” - Đặng Huỳnh Mai Anh, SV năm 3 Trường ĐH Ngoại thương TPHCM “Việc thi cử thiếu minh bạch, nhiều SV không học hành nhưng có nhiều cách “đi cửa sau” cũng là một nguyên nhân khiến họ ỷ lại. Có nhiều SV nhởn nhơ quanh năm, đến mùa thi cũng chẳng lo học mà tìm cách xin xỏ hoặc tìm “nguồn” đi thầy để qua môn.” - Một SV ngành kỹ thuật “Chọn môi trường ĐH nghĩa là các bạn đã mang trên mình sứ mệnh của con đường được đào tạo nên phải biết tận dụng kiến thức được học ở nhà trường để áp dụng vào thực tế. Cùng với những bài học ở trường đời sẽ giúp mỗi người tự khẳng định mình chứ không thể ngồi chờ đợi. Các bạn đừng phung phí thời gian ở quán cà phê hay la cà nhiều quá mà nên chịu khó đầu tư cho việc tích lũy kinh nghiệm, tài chính bằng việc tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể và làm thêm từ những công việc thuần túy. Kể cả việc đi làm bồi bàn hay dọn vệ sinh… đều cho bạn những kinh nghiệm hết sức quý giá.” - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuyên Thái Bình Dương |