Tốt nghiệp thạc sĩ ở Bỉ, đã giảng dạy chín năm ở một trường ĐH công lập tại TP.HCM nhưng giảng viên T.M.L. chỉ được hưởng lương... trợ giảng. Lý do: chưa có chứng chỉ triết học theo quy định của ngạch giảng viên. “Thạc sĩ ở Việt Nam phải nộp chứng chỉ triết học sau ĐH mới được bảo vệ luận văn. Tôi làm thạc sĩ ở nước ngoài nên không có chứng chỉ này. Đầu năm học này, nhà trường nói nếu tôi không bổ sung chứng chỉ triết học sẽ không được tiếp tục đứng lớp nữa” - giảng viên T.M.L. lo âu.
Không có một trong hai chứng chỉ này, nhiều giảng viên sẽ không được giảng dạy. (Ảnh: Thuận Thắng)
Đã đi dạy vẫn phải học
Một nữ giảng viên khác dù đã có bằng thạc sĩ sư phạm tâm lý giáo dục của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng phải đi học để lấy chứng chỉ... lý luận giảng dạy ĐH theo yêu cầu của trường. Nếu không bổ sung, giảng viên này sẽ không được tiếp tục đứng lớp. “Tôi đã học qua phương pháp, kỹ năng giảng dạy ĐH ở trường sư phạm, đã dạy ĐH ba năm vậy mà vẫn phải quay lại trường sư phạm học những cái đã biết để lấy chứng chỉ. Cùng học với tôi có một số giảng viên đã ngoài 40 tuổi...” - cô tâm sự.
"Nếu tuyển dụng giảng viên theo cách giảng, cách truyền đạt, phương pháp giảng dạy cho đối tượng được giảng dạy, không nể nang... thì chứng chỉ xem như không quan trọng nữa" - PGS.TS Phạm Xuân Hậu |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có nhiều trường ĐH như: Sư phạm TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Quốc gia Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ lý luận dạy ĐH và chứng chỉ triết học sau ĐH cho giảng viên. Những khóa học này thường được tổ chức trong 60 tiết, cả ban ngày lẫn ban đêm với học phí từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Ngoài ra, một số trường ĐH khác như Tài chính - marketing, Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Lâm nghiệp cơ sở 2... cũng tổ chức những khóa lý luận dạy ĐH tại trường theo hình thức phối hợp với trường được cấp chứng chỉ, để dạy và cấp chứng chỉ cho giảng viên trong trường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi theo học các lớp này. Thạc sĩ Nguyễn Duy Hải - Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM - cũng đã đăng ký học 60 tiết lý luận giảng dạy ĐH tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Giảng viên Hải nói: “Nếu ngạch giảng viên không quy định, tôi sẽ không học”. Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Phương - giảng viên một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM - cũng cho biết: “Tôi học chứng chỉ lý luận dạy ĐH chỉ để đủ điều kiện dự thi công chức”.
Thậm chí, trên một diễn đàn mạng, một người tâm sự: “Ông xã kêu mình đi dạy vì thấy đi làm vất vả quá. Theo yêu cầu bắt buộc, dạy ĐH phải có chứng chỉ triết học và lý luận dạy ĐH. Bạn nào biết nơi nào dạy... đỡ buồn ngủ chỉ giúp mình với. Đi học lấy chứng chỉ thôi nên không có động lực gì hết”.
Để... đối phó
Do xác định học để lấy chứng chỉ nên nhiều giảng viên thừa nhận việc học của mình “chỉ có giá trị đối phó”. Thạc sĩ Hải cho biết lớp lý luận dạy ĐH của ông có 70-80 người. Khi giờ học trùng giờ giảng, nhiều giảng viên nhờ bạn học điểm danh giúp. Khi làm bài tập nhóm chỉ có 1-2 người làm thay cho cả nhóm, tiểu luận có người tự làm nhưng cũng có người “cắt dán” trên mạng.
Tương tự, một thạc sĩ sư phạm tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thừa nhận: “Tâm lý người đi học chỉ muốn lấy chứng chỉ để đủ hồ sơ làm giảng viên nên học cho có thôi. Giảng viên cũng châm chước, muốn dạy cho nhanh để kết thúc nên có ý nghĩa gì đâu. Biết vậy nhưng vẫn phải học, phải dạy”. Cũng với tâm lý đó, giảng viên T.M.L. cho rằng do môn học yêu cầu chỉ 5 điểm là đạt yêu cầu, cấp chứng chỉ nên không phải cố gắng nhiều. “Có bài tiểu luận học viên bốn khóa truyền tay nhau, chỉ thay tên đổi họ nhưng vẫn được chấm 7-8 điểm” - ông L. nói.
Nhiều năm nghiên cứu về giáo dục ĐH, PGS.TS Phạm Xuân Hậu - Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết chứng chỉ lý luận dạy ĐH thuộc chứng chỉ nghiệp vụ dành cho những người không học trong những ngành sư phạm có nghiệp vụ để đứng lớp.
Ông Hậu nói thêm: “Tôi biết có giảng viên đã giảng dạy lâu năm, rất có uy tín nhưng không có chứng chỉ lý luận dạy ĐH cũng không được ngạch giảng viên. Từ đó sinh ra chuyện người ta phải đi học và học cho có, học để thay đổi thang bậc của mình. Mục đích của quy định là tốt nhưng cách làm lâu nay chỉ theo thủ tục hành chính, mang tính chiếu lệ và không thực chất lắm”.
“Để giảng viên công tác tốt hơn” Nhiều giảng viên thắc mắc Luật giáo dục ĐH ban hành tháng 6/2012 quy định “trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy ĐH là thạc sĩ trở lên”, vậy giảng viên có cần phải học thêm lý luận dạy ĐH không? Ông Bùi Mạnh Nhị - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT - cho biết ngạch giảng viên vẫn quy định ngoài trình độ chuyên môn phải có hai chứng chỉ nêu trên. Ông Nhị nói: “Đứng trên bục giảng, ngoài chuyên môn giảng viên cần phải có kiến thức, kỹ năng về giáo dục, sư phạm. Vấn đề không phải là bằng cấp, nhưng đã hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì giảng viên cần được trang bị kiến thức về giáo dục, sư phạm để công tác tốt hơn”. |
Theo Hà Bình
Tuổi Trẻ