Hòa nhập cùng cuộc sống tại Đức

(Dân trí) - Lần đầu tiên xa nhà sang Đức du học, bạn đã tự chuẩn bị xong các loại giấy tờ, hộ chiếu, visa, 400 tiết tiếng Đức và chứng minh tài chính. Nhưng, bạn đã nghĩ đến việc mình phải sinh sống, học tập trong một cộng đồng khác chưa?

Dân trí sẽ giúp các du học sinh tương lai tìm hiểu về cuộc sống ở Đức thông qua cuộc trò chuyện với bạn Bùi Thượng Thái - hiện đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Quản lý Kinh doanh, Trường ĐH Tổng hợp Humbold Berlin nhé.

 

Sang Đức học đã lâu, bạn có thể cho biết chi phí dành cho việc học tập của mình?

 

Trường tôi học là đại học công lập nên được miễn học phí hoàn toàn. Nhưng chúng tôi vẫn phải đóng một số phụ phí khác như: phí quản lý sinh viên, phí xã hội, thư viện... khoảng 18 - 46 Eu/học kỳ. Trường còn cộng luôn cả vé của các phương tiện giao thông công cộng vào phụ phí nên chúng tôi phải đóng tổng cộng hơn 90Eu/ học kỳ.

 

Đương nhiên, sau khi đã đóng các khoản phí này, chúng tôi có thể sử dụng những tiện nghi của trường (thư viện, căn tin, nhà tập thể dục, vi tính kết nối internet...) và các phương tiện giao thông công cộng nơi mình sinh sống trong vòng nửa năm.

 

Ngoài ra, chúng tôi phải tự trang bị tài liệu và thiết bị học tập. Chi phí cho các dụng cụ học tập khoảng 15 - 30 Eu/ tháng. Đặc biệt, tiền photo tại Đức rất đắt nên chúng tôi thường mượn tài liệu và sách của thư viện để nghiên cứu chứ không dám mượn sách đi photo lại, trừ những tài liệu quý hiếm.

 

Thế còn chi phí cho nhà ở?

 

Hiện tại, tôi đang sống cùng gia đình họ hàng cách trường học khoảng 1 giờ xe buýt. Nhưng theo tôi biết, nhiều bạn sinh viên chưa có chỗ ở thì có thể đăng ký ở ngay trong ký túc xá của các trường đại học, giá cả dao động từ 100 - 300 Eu/ tháng, tùy vùng. Hoặc sinh viên có thể thuê các phòng trọ tập thể hay phòng đơn của nhà dân. Nhữg thông tin về nhà trọ dễ dàng được tìm thấy trên báo hay thông qua Văn phòng Hỗ trợ sinh viên.

 

Như vậy, chi phí sinh hoạt tại Đức tương đối cao đấy chứ?

 

Vâng. Mỗi sinh viên tiết kiệm nhất cũng phải chi tiêu khoảng 540 - 670 Eu/tháng. Riêng tôi thì chỉ tốn khoảng 400 Eu do không phải trả tiền nhà. Nhưng các du học sinh Việt Nam hãy yên tâm vì khi đã trở thành sinh viên của một trường đại học, bạn sẽ được chính phủ Đức hỗ trợ giá trong rất nhiều dịch vụ.

 

Được biết nhiều bạn sinh viên Việt Nam ở Đức sống theo loại hình homestay?

 

Đó là loại hình sinh viên ở cùng những gia đình người bản xứ. Bạn có thể sinh hoạt, ăn uống cùng các thành viên trong gia đình hoặc tự chuẩn bị bữa ăn cho mình. Nếu ăn cùng gia đình người bản xứ, bạn sẽ phải thích nghi với những món ăn phong cách Đức và thời gian của các bữa ăn. Nếu tự nấu ăn, bạn có thể mua thực phẩm, gia vị tương tự như ở Việt Nam tại các siêu thị châu Á.

 

Nói chung, sống theo loại hình homestay, một mặt bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho mình, mặt khác vốn ngoại ngữ và hiểu biết về nền văn hóa Đức của bạn cũng sẽ được nâng cao hơn.

 

Sinh viên tại Đức có được đi làm thêm không?

 

Vào các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, tôi vẫn đi phụ bán hàng quần áo tại khu chợ cho một ông chủ người Việt với thù lao 10Eu/ giờ. Chính phủ Đức quy định sinh viên có thể đi làm thêm 90 ngày/ năm.

 

Nếu bạn đã là sinh viên chính thức (ordentlicher student, eingeschriebener student) ở một trường đại học tại Đức thì được miễn Giấy phép lao động. Còn sinh viên dự bị đại học (studienkolleg) chỉ được phép lao động trong các kỳ nghỉ và phải có Giấy phép lao động của Sở Lao động địa phương cùng sự đồng ý của Sở ngoại kiều. Những sinh viên học khóa tiếng Đức thì không được phép.

 

Mức lương tối thiểu theo Luật Lao động Đức là 7Eu/ giờ. Du học sinh có thể tìm việc qua báo chí hoặc Văn phòng Hỗ trợ sinh viên của trường.

 

Thu Hoài

(Thực hiện)