Hóa điên vì... học
(Dân trí) - Từ bé đến lớn quá quen với danh hiệu học sinh giỏi. Đạt điểm cao trong các kỳ thi dường như là điều đương nhiên phải thế. Áp lực đó khiến Đỗ Linh, SV năm nhất ĐH Bách khoa, cảm thấy sốc thật sự khi một bài thi học kỳ chỉ đạt có… 5 điểm.
Ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, ngày càng nhiều các bệnh nhân trẻ nhập viện. Bệnh nhân vào đây do nhiều nguyên nhân: thất tình, rối loạn tâm trí và cả những trường hợp do học tập căng thẳng mà... hóa điên.
Sốc nặng vì… điểm 5
Đầu tháng 6 vừa qua, Đàm Duy Biên, sinh viên năm thứ 3 Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải nhập viện Tâm thần ban ngày Mai Hương sau nhiều ngày tháng sống trong sự căng thẳng vì áp lực thi cử.
Khi nói chuyện với người lạ, Biên tỏ ra sợ hãi và e ngại: “Vì trận ốm đầu năm nên em không đủ điều kiện thi học kỳ. Vừa lo sợ mình bị thua kém bạn bè, vừa sợ phải học lại sẽ tốn thêm tiền của cha mẹ. Ngày nào, giờ nào, phút nào em cũng nghĩ đến điều đó. Đầu óc em như muốn nổ tung bất cứ lúc nào.
Đến lúc không thể làm chủ ý thức mình được nữa, học trước quên sau, đi đâu chẳng nhớ đường về, em phải vào đây điều trị”. Biên còn cho biết, nhóm bạn thân 6 người của em, ai cũng học giỏi và chưa bao giờ phải thi lại môn nào. Khi biết mình không được thi học kỳ, em luôn sống trong nỗi mặc cảm và buồn chán…
Còn Đỗ Linh (khoa Tự động hóa, ĐH Bách khoa Hà Nội) suốt những năm học phổ thông chưa bao giờ để danh hiệu học sinh giỏi tuột khỏi tay. Vào đại học, Linh được tuyển thẳng. Nhưng trong kỳ thi hết học kỳ I năm thứ nhất đại học, chỉ vì bị điểm 5 môn tiếng Anh, Linh trở nên lầm lì, ít nói, suốt ngày chỉ ngồi thừ trong phòng. Các bác sĩ ở đây cho biết em đã bị sang chấn tâm lý.
Theo bác sĩ Phó trưởng khoa 3 Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 Trần Văn Vũ: Mỗi năm bệnh viện đón gần 4.000 bệnh nhân, trong đó có 30% đối tượng là học sinh, sinh viên. Thời điểm đông nhất là sau mỗi đợt thi đại học.
Vì vậy, theo bác sĩ Vũ, việc giữ gìn trí lực cho các em trước mùa thi là rất quan trọng bởi được nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giải tỏa được sự căng thẳng, bức bối.
Nếu đang ôn thi, sau một vấn đề, một chủ điểm ôn tập vừa được hệ thống hóa, có thể chợp mắt hoặc nghe nhạc, làm mấy động tác thể dục hay tản bộ 5 - 10 phút.
Khi gặp những chuyện buồn hoặc khó khăn trong học tập gia đình nên thường xuyên an ủi, động viên để các cháu hiểu rằng khó khăn hay thất bại không pải là chấm hết. |
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Năm ngoái, vào mùa thi đại học cũng có trường hợp “lên cơn điên” ở thể nặng vào đây điều trị, sau đó phải chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (phường Sài Đồng, quận Long Biên). Còn những trường hợp bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm, các rối loạn liên quan đến sang chấn tâm lý (stress) thì khá nhiều.
Học quá... hóa điên
Có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Tây), chúng tôi chứng kiến trường hợp của bệnh nhân Phan Thị Ngọc Huyền, học sinh trường Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Tây). Theo lời kể của các bác sĩ, khi mới vào viện tâm thần em bị hoảng loạn, thậm chí còn tát bác sĩ điều trị, rồi chửi, mắng mọi người.
Ngồi nói chuyện với người lạ, Huyền vui vẻ sờ vào tay, mặt khách rồi cười và chào bằng một câu tiếng Anh. Đang nói chuyện bỗng Huyền thay đổi nét mặt, giọng trầm xuống: “Cháu muốn học tiếng Anh! Cháu muốn đi học cơ, và học thật giỏi...”.
Chị Hoà mẹ của Huyền cho biết, đang trong giờ học tự nhiên Huyền nói, cười và nhảy lên bàn múa hát. Các bạn trong lớp thấy biểu hiện của cháu như vậy, sợ quá nên gọi gia đình lên đưa về.
Biểu hiện này đã lặp lại vài lần. Khi cháu lên cơn điên, cả nhà không dám tin đó là sự thật, vì gia đình tôi không có tiền sử bệnh này. Kể chuyện rồi chị Huyền tự trách mình: “Tôi luôn thúc ép cháu học. Giờ đây, tôi ân hận quá!”
Nhìn khuôn mặt xinh đẹp, hồn nhiên của bệnh nhân Phan Tuyền, quê ở Hải Phòng, không ai có thể nghĩ em bị điên. Khi tiếp xúc với chúng tôi, Tuyền luôn miệng hỏi: “Chị có muốn nghe 7 hằng đẳng thức đáng nhớ không?” Người nhà của Tuyền cho biết, em là học sinh giỏi của trường, của huyện. Vì vậy, lúc nào Tuyền cũng lo cho chuyện học của mình. Ngay cả trong bữa ăn em cũng đưa sách ra đọc”.
Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đã triển khai dự án chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học thành phố, tại 6 trường tiểu học và trung học của 3 quận, huyện Hà Nội gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng và Từ Liêm.
Mục đích của dự án là đề ra biện pháp can thiệp sớm, đồng thời nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh và trách nhiệm của mỗi người trong việc nuôi dạy và chăm sóc các em, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ. |
(* Tên của các nhân vật đã được đổi vì lý do cá nhân)
Phạm Thanh