Hồ sơ chưa thật đẹp, làm sao chinh phục học bổng Chính phủ New Zealand?
(Dân trí) - Rất nhiều ứng viên Việt băn khoăn câu hỏi: “Một hồ sơ với bảng điểm không cao, kinh nghiệm làm việc không nhiều, liệu có cơ hội nào để cạnh tranh học bổng ASEAN - New Zealand ASEAN Scholarship danh giá của Chính phủ New Zealand dành cho sinh viên”?
Tất cả những gì bạn cần làm là thể hiện sự phù hợp với học bổng
Trả lời thắc mắc này, kiến trúc sư Phùng Anh Sơn – người giành học bổng New Zealand ASEAN bậc tiến sĩ năm 2017 cho biết, bản thân anh cũng từng lo lắng điều này.
Sinh năm 1984, anh Sơn tốt nghiệp thạc sĩ ở Bỉ năm 2013 sau đó về Việt Nam làm việc ở lĩnh vực kiến trúc tại Hà Nội.
Tuy vậy, vẫn cảm thấy khát khao học hỏi thêm kiến thức ở ngành Quản trị thiên tai – một ngành học bản thân thích thú và có khả năng giải đáp vấn đề đang “nóng” ở Việt Nam, anh đã tìm kiếm và chọn học bổng New Zealand ASEAN Scholarship như một cơ hội để thực hiện ước mơ đó.
Phùng Anh Sơn chia sẻ: “Mình thấy mình không có gì khác biệt với các bạn. Thành tích học tập của mình rất bình thường (điểm trung bình bậc thạc sĩ khoảng 7,6; điểm khi ở đại học kiến trúc Hà Nội là 7,8 và một số giải thưởng nhỏ thời sinh viên). Chỉ có điều ở một thời điểm nào đó mình có quyết tâm, mong muốn và nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho mình thì cố gắng hết sức”.
Theo anh Sơn, các bạn trẻ có bảng điểm không cao vẫn có thể yên tâm ứng tuyển học bổng vì điểm số chỉ là một khía cạnh. Mấu chốt là ứng viên hãy đọc thật kỹ yêu cầu học bổng, xây dựng hồ sơ phù hợp với học bổng và có định hướng rõ ràng cho tương lai, bản thân, đất nước khi gửi hồ sơ ứng tuyển.
“Điểm chỉ phản ánh một phần con người bạn, tất cả những gì bạn làm là thể hiện sự phù hợp của bạn với học bổng. Nếu bạn phù hợp hơn thì cơ hội bạn chinh phục được mục tiêu vẫn cao hơn dù điểm bạn có thể không cao bằng ứng viên khác”, anh Sơn nhấn mạnh.
Bổ sung về khía cạnh này, chị Đinh Thị Thanh Hoa (chuyên viên phân tích rủi ro tại công ty Microsoft Singarpore, cựu sinh viên học bổng New Zealand ASEAN Scholarship) cho rằng, ngoài việc tập trung làm bật điểm mạnh của bản thân trong hồ sơ một cách trung thực, ứng viên không nhất thiết phải tô vẽ hay giấu nhẹm điểm yếu.
Chị Đinh Thị Thanh Hoa (chuyên viên phân tích rủi ro tại công ty Microsoft Singarpore, cựu sinh viên học bổng New Zealand ASEAN Scholarship.
“Điểm nào thiếu thì có thể nói mình chưa tốt điểm ấy, mình chưa có chứ không phải không có. Và thậm chí, có thể dành thời gian nâng cao profile bản thân. Nếu bộ hồ sơ năm nay định gửi chưa đủ mạnh thì có thể lùi thời gian, tập trung đầu tư bản thân để năm sau sẵn sàng hơn chinh phục học bổng”, chị Hoa lưu ý.
Ưu tiên hồ sơ sáng tạo/ đột phá
Về kinh nghiệm bản thân trong hồ sơ, một độc giả đặt câu hỏi: “Em định nộp hồ sơ cho ngành tâm lý giáo dục của ĐH Victoria, nhưng em không có kinh nghiệm làm toàn thời gian ở bất kì một cơ quan nào liên quan đến tâm lý, tâm lý học đường thì không biết làm thế nào để chứng minh kinh nghiệm liên quan vì bản thân em rất quan tâm đến làm việc cho phụ huynh và trẻ em nhưng không được đào tạo bài bản và chính quy, tổ chức đó không liên quan trực tiếp đến kinh nghiệm này”.
Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam lưu ý: “Ứng viên ít nhất cần có kinh nghiệm làm một năm toàn thời gian hoặc hai năm bán thời gian, cộng làm sao để làm việc ít nhất một năm”.
Tại sao yêu cầu như vậy? Bởi kinh nghiệm làm việc này hỗ trợ cho nghiên cứu khi đi du học. Vì nếu không có kinh nghiệm làm việc nào vừa chân ướt chân ráo từ trường đại học ra bạn sẽ không thể có số liệu, tâm huyết để làm nghiên cứu được. Còn việc bạn không được đào tạo bài bản về hướng đó nhưng đã có kinh nghiệm tâm huyết làm việc thì rất tốt và được khuyến khích.
Ngoài ra, các diễn giả nhấn mạnh tiêu chí sáng tạo/ đột phá cũng khá quan trọng giúp bộ hồ sơ ứng tuyển “lọt mắt xanh” hội đồng tuyển sinh học bổng.
“Tại sao học bổng New Zealand ASEAN lưu ý đến đột phá, vì nhắc đến xứ sở kiwi là nhắc đến Inovation – sáng tạo. Đất nước này khuyến khích đổi mới sáng tạo trong tất cả ngành.
Trong hồ sơ của các em nên tập trung giải quyết vấn đề cụ thể nào đó, vấn đề đó liên quan vấn đề đất nước đang cần hoặc trăn trở mà chưa tìm được câu trả lời. Nó sẽ có tính thuyết phục hơn là nói chung chung đi học nâng cao kiến thức. Nếu các em nhìn thấy vấn đề chưa biết cách trả lời thì đó là điều thuyết phục BGK”, chị Ngân Hoa khẳng định.
Đồng tình, anh Phùng Anh Sơn cho rằng, nghĩ về cái cũ, cải tiến cải mới cũng là yếu tố thể hiện sự sáng tạo.
Vượt qua vòng hồ sơ, các ứng viên sẽ đối mặt với vòng phỏng vấn của Chính phủ. Chia sẻ kinh nghiệm gây ấn tượng tốt ở thử thách này, thạc sĩ Đinh Thị Thanh Hoa cho hay: “Đối với mình vào phỏng vấn có hai thứ cần nắm rõ: Học bổng (yêu cầu gì, các ngành học bổng ưu tiên, tại sao cơ quan cấp bạn học bổng đấy, mục tiêu học bổng là gì) và bản thân (những gì bạn viết ra trên hồ sơ, mong muốn bản thân bạn, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, tại sao bạn muốn apply học bổng này thay vì học bổng khác, trường này/ ngành này thay vì trường khác/ ngành khác…).
“Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”
Anh Phùng Anh Sơn lại lưu ý, các ứng viên cần hiểu rõ bản thân mình, đối tượng chinh phục. “Giống như bạn phải biết ngọn núi mình đang leo có cao, mù sương không… thì bạn phải hiểu học bổng cần gì, muốn gì ở bạn, bạn có thể trả lời những gì mà học bổng cần, điểm hạn chế của bạn nhưng nói lên cách bạn có thể cải thiện nó, chứ không hẳn hạn chế là không tốt. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”.
Đối với học bổng bậc tiến sĩ, các ứng viên cần lưu ý liên hệ với giáo sư trước từ quá trình chuẩn bị và làm hồ sơ.
“Nếu chưa có sự đồng ý của giáo sư hướng dẫn là một sự thiếu sót lớn. Cái gật đầu của thầy sẽ giúp bạn chuẩn bị về mặt tinh thần và hồ sơ tốt nhất. Ứng viên nên tìm hồ sơ chi tiết các thầy, gửi thư xin được hướng dẫn và hồ sơ của bản thân tới các giáo sư”, anh Sơn chia sẻ.
Diễn giả này cũng lưu ý, ứng viên không chỉ gửi thư tới một thầy mà nên gửi cho một cơ số thầy. Vì có nhiều trường hợp, giáo sư bạn thích đã hết vị trí ở phòng thí nghiệm.
Chị Ngân Hoa nhấn mạnh thêm: “Không thể bỏ quên khâu này, bởi lẽ có phần rủi ro dễ xảy ra là nhiều bạn trúng tuyển học bổng rồi nhưng giáo sư bận quá hoặc từ chối thì nhiều khả năng đứng trước nguy cơ mất học bổng”.
Lệ Thu (ghi)