Hình mẫu
1. Bà nội bé Nga từ miền Bắc vào chơi mới hai ngày mà chị Xuân đã khó chịu ra mặt. Thấy ghế xalông lấm tấm những bã trầu, chị bực bội: “Dơ quá, ăn trầu xong xỉa răng rồi nhổ lung tung, tởm không chịu được”.
Buổi tối, bé Nga vào phòng làm việc của mẹ lấy báo cho bố, thấy giấy tờ rơi vãi tung tóe trên sàn nhà, quần áo vứt một đống trong góc, cô bé cầm tờ báo vội vàng chạy ra khỏi phòng, chép miệng: “Mẹ đúng là đồ ở dơ, phòng mẹ bừa bãi những giấy với quần áo bẩn, tởm không chịu được”. Bà nội ngồi gần đó la: “Sao con lại nói hỗn láo như vậy với mẹ? Lần sau không được nói như thế nữa nhé!”. Bé Nga tròn xoe mắt: “Hồi chiều mẹ cũng nói bà nội như vậy mà!”.
2. TS Trần Thị Giồng kể một câu chuyện mà bà tận mắt chứng kiến: hai người mẹ cùng đi đón con ở trường mẫu giáo về, thấy một bà cụ già lọm khọm giơ nón xin người qua đường bố thí. Người mẹ thứ nhất đã tấp xe vào lề, móc tiền ra và bảo con gái xuống xe mang lại cho bà cụ với lời dặn: “Con để nhẹ trên nón bà thôi nha!”. Người mẹ thứ hai cũng tấp vào lề mua trái cây ở một xe đẩy gần đó. Trong khi cô bán xoài đang lúi húi tìm bao nilông thì bà nhanh tay lấy thêm một trái nữa bỏ vào đống của mình. Cậu con đứng kế bên la lên: “Mẹ! Không phải của mình”. Bà mẹ giận đỏ mặt, quay sang tát cái “bốp” vào mặt đứa con trai 5 tuổi!
TS Trần Thị Giồng kết luận: trẻ nhỏ rất trong sáng nên cũng rất nhạy bén trong việc cảm nhận sự việc. Đứa trẻ con của bà mẹ thứ nhất sẽ cảm thấy vui khi được trao tiền cho người ăn xin. Và dĩ nhiên khi mẹ chúng thể hiện thái độ thương cảm, tội nghiệp, tôn trọng bà cụ ăn xin thì chắc chắn đứa trẻ cũng sẽ học theo mẹ nó, không khinh rẻ, coi thường những người nghèo khổ hơn mình và biết giúp đỡ người kém may mắn hơn mình.
Còn đứa bé con của bà mẹ thứ hai không dám cãi mẹ nhưng chắc chắn hình ảnh người mẹ không còn là hình mẫu trong lòng nó nữa. Trẻ nhỏ thường làm theo người lớn. Vì thế, các bậc phụ huynh chính là tấm gương soi cho con cái mình, nếu muốn con mình ngoan ngoãn hãy nên gương mẫu.
Theo Việt Kha
Tuổi trẻ