(Dân trí) - Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, an toàn trường học chính là sinh mạng, là sự sống. Trường học ở Việt Nam cần bị ám ảnh bởi an toàn trước thành tích học thuật.
(Dân trí) - Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, an toàn trường học chính là sinh mạng, là sự sống. Trường học ở Việt Nam cần bị ám ảnh bởi an toàn trước thành tích học thuật.
Phụ huynh đi giám sát bếp ăn từ 5h30
Một ngày đầu tháng 12, lúc 5h30, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM, đến giám sát bếp ăn bán trú. Ngôi trường nằm ở trung tâm thành phố này có 1.450 học sinh bán trú với chi phí tiền ăn 35.000 đồng/ngày/người bao gồm bữa trưa và bữa xế.
Tại đây, phụ huynh quan sát không gian bếp ăn đã được các nhân viên dọn vệ sinh. Họ cũng chứng kiến nhà bếp tiếp phẩm là các nguồn thực phẩm tươi sống từ các thương hiệu có tên tuổi.
Một số phụ huynh cho biết, họ từng nhiều lần dự giờ ăn bán trú cùng con nhưng đây là lần đầu đến trường giám sát bếp ăn xuất phát từ lo ngại sau sự việc ngộ độc ở Nha Trang.
Tại nhiều trường ở TPHCM, sau sự việc tại Nha Trang, phụ huynh cũng tham gia vào việc giám sát bếp ăn bán trú của con mình.
Sau phản ánh của giáo viên về suất ăn của học sinh lèo tèo, ngày 7/12 vừa qua, Phòng GD&ĐT Gò Vấp cũng kiểm tra đột xuất bếp ăn Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. Tại đây, đoàn ghi nhận hình ảnh chảo nấu của trường bị cháy, có tình trạng bảo mẫu dùng tay không bốc đồ ăn cho học sinh...
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, quận 10, TPHCM cho hay, trường có khu vực ăn uống rộng rãi, sạch sẽ cho học sinh nhưng nơi đây không có bếp ăn mà phải đặt suất ăn công nghiệp cho khoảng 250 học sinh ăn bán trú.
Trường thực hiện đủ các bước giám sát, kiểm tra, lưu mẫu theo yêu cầu. Tuy nhiên, ông Phát trải lòng rằng, tổ chức ăn uống cho học sinh như "ngồi trên lửa" vì không ai dám chắc có thể đảm bảo được tuyệt đối mọi vấn đề. Chỉ khi nghỉ hè, học sinh không ăn uống ở trường thì họ mới nhẹ người được một chút.
Ông Phát cho biết, trường muốn ngưng tổ chức việc ăn uống tại trường, đang lên kế hoạch vận động từ học kỳ 2 năm nay phụ huynh sẽ lo việc ăn uống các con để đảm bảo an toàn tốt nhất.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 cũng bày tỏ, họ rất lo lắng đối với suất bán trú của học sinh, lúc nào cũng trong tâm trạng lo sợ có chuyện gì xảy ra với học sinh của mình.
Theo quy định, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Song người này thừa nhận, chính bà và những nhà quản lý khác cũng không có chuyên môn. Trường chỉ kiểm tra được về mặt giấy tờ, giấy phép và bằng nhãn quan, còn thực phẩm đó an toàn hay không thì vượt quá khả năng của trường.
Trong năm 2022, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã kiểm tra, giám sát hoạt động của bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống tại hơn 3.500 trường học trên địa bàn. Trong số này chỉ có hai căn tin vi phạm điều kiện an toàn thực phẩm.
Ban Quản lý ATTP đánh giá, về thủ tục, giấy tờ pháp lý, đa số các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học chấp hành khá nghiêm túc, nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các trường cũng bố trí cán bộ y tế phụ trách công tác ATTP, lưu giữ hồ sơ pháp lý, thường xuyên kiểm tra an toàn bếp ăn.
Tuy nhiên, qua việc kiểm tra cũng ghi nhận khó khăn như một số đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường có nơi chế biến nằm ở tỉnh lân cận nên không dễ kiểm tra, giám sát; một số trường chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định về kiểm thực 3 bước ATTP của Bộ Y tế.
Đặc biệt, đơn vị này cũng cảnh báo một số trường không tổ chức căn tin, do quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh sử dụng thực phẩm trước cổng trường, nên khó kiểm soát về an toàn thực phẩm...
Bữa ăn 50.000 đồng thì phải đúng 50.000 đồng
Trước trường hợp hàng trăm học sinh ở Trường iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học. Chưa kể, nhiều vấn đề an toàn trường học khác cũng là điều đáng ngại.
Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, an toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì đó là sinh mạng, là sự sống. Ông Nguyên cho rằng nhiều trường học ở Việt Nam cần cải thiện về tư duy an toàn.
Thứ nhất, hầu hết trường học ở Việt Nam không có chuyên gia an toàn trường học. Khi tư vấn cho trường học, ông luôn khuyên các trường nên có chức danh chuyên viên an toàn trường học trong biên chế nhân sự của trường. Hiện nay chuyên ngành này chưa được đào tạo ở trường sư phạm, nhưng chuyên môn gần nhất có thể là chuyên ngành An toàn lao động.
Ông Nguyên nhấn mạnh, có thể tuyển người có chuyên ngành gần và gửi đi đào tạo, tập huấn thêm. Nhưng đến nay, hầu như ít có trường nào quan tâm điều này vì trường học ở Việt Nam không có chức danh này.
Đây thực sự là một lỗ hổng, một khiếm khuyết của trường học tại Việt Nam. Hiệu trưởng không phải nhân sự chuyên về an toàn, trường rất cần nhân sự chuyên trách để thực hiện việc giám sát an toàn hàng ngày cho hàng trăm hoặc lên tới hàng nghìn con người.
Thứ hai, theo ông Nguyên bữa ăn của trường học nói riêng và bữa ăn tập thể nói chung phải theo thứ tự "an toàn - dinh dưỡng - ngon miệng". Đây là điều ông học được từ quá trình đi làm cho nhiều tổ chức lớn và đi thăm các trường học tốt ở các nước khác.
Khi còn làm quản lý ở trường học, ông Nguyên cho biết, ông mất rất nhiều thời gian tranh cãi với phụ huynh để thực hiện theo thứ tự này. Hầu hết tâm lý cha mẹ học sinh chỉ đòi bữa ăn của con ở trường ngon miệng, nhưng ông khẳng định với họ bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể, để bảo vệ học sinh, cần đặt an toàn thực phẩm lên vị trí ưu tiên cao nhất.
"Tôi mong các vị phụ huynh và nhà trường đừng bao giờ đảo lộn thứ tự trên. An toàn thực phẩm và dinh dưỡng thực sự quan trọng hơn ngon miệng. Chúng ta phải học tư duy này, dù nó trái với văn hóa truyền thống của chúng ta", nhà giáo dục này bày tỏ.
Thứ ba, nói về bữa ăn chuyên nghiệp, theo ông Nguyên, bữa ăn của học sinh không nên là chỗ để kê giá giữa nhà trường với phụ huynh. Nhà trường có thể thu học phí cao hơn, nhưng nên minh bạch bữa ăn của các em với cha mẹ. Bữa ăn có giá 50.000 đồng thì phải đúng là 50.000 đồng, không được phép làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng. Nhà trường phải công khai để phụ huynh biết được bữa ăn con họ ăn có được thiết kế trên số tiền chính xác là bao nhiêu.
Kê giá bữa ăn là việc làm thiếu đạo đức, thiếu quang minh chính đại của trường học. Trường học có thể thu phí quản lý kèm theo bữa ăn, nhưng phải minh bạch với phụ huynh về thành phần phí, ví dụ tiền ăn của các em là 50.000 đồng trả cho nhà cung cấp, phí quản lý là 20.000 đồng, tổng cộng là 70.000 đồng. Cần rõ ràng như vậy, phụ huynh ai có nhu cầu có thể đăng ký bữa ăn ở trường, không nên lập lờ thông tin khiến phụ huynh trả tiền bữa ăn 70.000 đồng và cứ nghĩ rằng con họ đang ăn bữa ăn có giá trị dinh dưỡng 70.000 đồng.
Ngoài ra, ông Bùi Khánh Nguyên cũng đánh giá rất cao một số trường nước ngoài, họ thu phí ăn trưa tại trường của giáo viên và nhân viên giống như mọi học sinh và không cho phép nhân sự người lớn "ăn miễn phí" bữa ăn trong căn tin nhà trường mà chi phí do cha mẹ học sinh trả. Cách tư duy như vậy là rất rõ ràng, liêm chính và đáng được khen ngợi. Bởi bữa ăn bị "rút ruột" là một nguyên nhân chính khiến các nhà cung cấp suất ăn phải "cân đối thu chi" bằng các nguồn nguyên liệu kém chất lượng, kém an toàn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Thứ tư, nhà giáo dục này bày tỏ thật đáng hổ thẹn khi học sinh của chúng ta sinh ra ở một quốc gia nông nghiệp mà không được ăn những bữa ăn sạch, an toàn. Đây là điều đáng suy nghĩ với cả ngành giáo dục và ngành y tế.
"Điều này không liên quan đến việc quốc gia giàu hay nghèo, nó liên quan đến tư duy, tấm lòng và năng lực của chúng ta. Nếu thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính của những vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học, thì chúng ta cần suy nghĩ lại về nền nông nghiệp, về văn hóa của chúng ta trước khi giáo dục học sinh bất kỳ điều gì to lớn về tương lai, về thế giới", ông Nguyên nói.
Thứ năm, trường học nào cũng có rủi ro tai nạn, dù nó là trường tư, trường công, trường bán công, trường quốc tế, trường chuyên… Bởi trường học là môi trường tập thể nơi có sự tương tác của hàng nghìn con người. Để giảm thiểu và phòng tránh rủi ro, người ta chỉ có thể dựa vào chính sách tốt, quy trình tốt và con người mẫn cán.
Một trường học phải có chính sách về an toàn trường học, phải tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên trách thường xuyên kiểm tra về an toàn, và phải xây dựng văn hóa an toàn trong trường học. Để mỗi thành viên trong trường, nhìn thấy cái đinh trên thảm cũng biết nhặt đi; tổ chức sự kiện cũng biết giữ an toàn trước hết; mở cửa hồ bơi thì phải có người trực, gác; phục vụ bữa ăn cũng phải kiểm soát, giám sát từ khâu nguyên liệu đầu nguồn cho tới lúc thành phẩm...
Nhà giáo dục Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm: "Tôi mong trường học ở Việt Nam luôn bị ám ảnh bởi an toàn, luôn lấy thành tích về an toàn trước khi lấy thành tích học thuật. Đó mới đúng nghĩa là trường học vì trẻ em".
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tại TPHCM, lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm An toàn vệ sinh thực phẩm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ,... Đặc biệt, cuối năm luôn là thời điểm "nóng" đối với vấn đề an toàn thực phẩm.
Về công tác triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý ATTP TPHCM cho biết, sẽ đẩy mạnh kiểm tra liên ngành từ tuyến thành phố đến quận/huyện, phường/xã/thị trấn.
Trong đó tập trung các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết có yếu tố nguy cơ cao như thịt, bia rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh kẹo, rau củ quả. Đồng thời chú trọng kiểm tra các làng nghề chế biến thực phẩm, cửa khẩu...
Hoài Nam