(Dân trí) - Điểm 10 cho thấy sự xuất sắc của trẻ hay thể hiện sự dễ dãi, áp lực thành tích? Thầy giáo truyền lửa làm "trường học hạnh phúc" Đào Chí Mạnh cho rằng, bảng điểm toàn 10 thậm chí gây hại với con trẻ…
Điểm 10 cho thấy sự xuất sắc của những đứa trẻ hay thể hiện sự dễ dãi của thầy cô, nhà trường dưới áp lực thành tích? Trả lời câu hỏi đó, thầy giáo truyền lửa xây dựng trường học hạnh phúc Đào Chí Mạnh cho rằng, bảng điểm toàn 10 không chỉ không có lợi mà còn gây hại với con trẻ…
Sau mỗi năm học, mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp, những bảng điểm toàn 10 chia dư luận thành hai phe tranh cãi. Một bên bảo vệ quan điểm "con cái chúng ta giỏi thật". Một bên cho rằng đó là hệ quả của bệnh thành tích. Một bên phủ nhận việc chạy theo hư danh, lo một hồ sơ hoàn hảo cho con vào cấp 2 trường "top". Một bên phủ nhận năng lực học tập đạt đến độ hoàn hảo của những học sinh tiểu học.
Phóng viên Dân trí đã đem câu chuyện điểm 10 ở bậc tiểu học thảo luận với thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), thầy giáo có tư tưởng giáo dục hiện đại, cởi mở, từ đó đưa những hoạt động mới mẻ vào trường học, thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Hiểu sao cho đúng về điểm 10 là chủ đề.
- Thưa thầy Đào Chí Mạnh, là một người trực tiếp làm giáo dục tiểu học, thầy chia sẻ gì về cách đánh giá học sinh ở cấp học này? Việc đạt điểm 10 với trẻ có vẻ đơn giản, nhìn từ những bảng điểm toàn "hoa" ở khắp các trường?
Kể từ khi Thông tư 22 (Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/9/2016) ra đời, việc đánh giá học sinh đã trao quyền cho giáo viên. Theo đó, bài kiểm tra định kỳ của học sinh được đánh giá theo 4 mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Ở đây cần hiểu "vận dụng cao" không dừng ở nắm bắt kiến thức mà là khả năng tư duy, năng lực phân tích tổng hợp để vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
4 năm sau, Thông tư 27 (Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/10/2020) ra đời, việc đánh giá học sinh chỉ còn 3 mức nhưng vẫn giữ mức "vận dụng cao".
Như vậy, để đạt được mức "nhận biết", "thông hiểu" thì không khó, còn đạt được mức "vận dụng" cho tới "vận dụng cao" thì không dễ. Nói cách khác, học sinh không khó để lấy điểm 5, 6, nhưng không dễ để lấy được điểm 10.
- Thực tế, hẳn là thầy đã biết chuyện, tại Hà Nội, chỉ tính riêng số hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Amsterdam hằng năm đã có tới hàng nghìn bảng điểm đạt 10 toàn phần trong suốt 5 năm tiểu học. Hiện tượng này, nhiều chuyên gia giáo dục cho là không bình thường. Nhận định của thầy?
Như tôi vừa chia sẻ, khi Thông tư 22 ra đời, việc đánh giá học sinh đã trao quyền cho giáo viên. Giáo viên được quyền ra đề phù hợp với học sinh của lớp mình. Các trường được quyền ra đề phù hợp với học sinh của trường mình.
Để đảm bảo đánh giá được học sinh ở các mức nêu trên, khâu ra đề cần đầu tư nhiều thời gian, tâm sức để có một cái đề "hay". Tức là đề không nặng về kiến thức, gắn với hoàn cảnh thực tế và phân loại được học sinh.
Một cái đề hay sẽ đưa đến các mức độ điểm khác nhau trong một lớp học. Một cái đề cho ra kết quả toàn 10 hoặc có thể vì học sinh rất xuất sắc, hoặc có thể vì chưa đủ hay.
- Vậy bảng điểm toàn 10 có thể phản ánh thực tế "con trẻ bây giờ giỏi thật"?
Quan điểm cho rằng học sinh bây giờ rất xuất sắc không có gì sai. Theo đúng sự phát triển của xã hội, các bạn bây giờ tốt hơn nhiều về học thuật so với thế hệ trước. Tạm gác sang một bên việc đánh giá các bảng điểm kia có thực chất hay không vì ta không có căn cứ cụ thể, đặt giả thiết các con rất giỏi, thế thì người ra đề càng cần ra được cái đề phân loại được học sinh giỏi.
Một cái đề ra kết quả toàn 10 sẽ xóa nhòa mọi ranh giới và có thể tước đi cơ hội phát triển của học sinh. Bởi giáo viên không thể xây dựng biểu đồ để học sinh phát triển thêm nữa. 10 là cao nhất rồi, không còn điểm nào trên 10.
Một bảng điểm toàn 10 cũng khiến cho phụ huynh không đánh giá được đâu thực sự là thế mạnh của con mình.
Vì vậy, quay trở lại khâu ra đề, vấn đề đặt ra là cần ra đề như thế nào để học sinh không chỉ nhận đúng điểm mà còn có cơ hội nhìn nhận và phát huy hơn nữa năng lực của bản thân.
- Có khi nào người ra đề phải ra một cái đề để các con dễ đạt điểm 10 hay không? Vì thành tích của nhà trường và vì phụ huynh đã quen với điểm 10 chăng?
Thành tích là có, và thành tích do cả hai phía nhà trường và gia đình tạo nên. Đúng là có hiện tượng phụ huynh đã quá quen với điểm 10 nên nhìn điểm 9 là không hài lòng, chưa nói điểm 7,8. Tâm lý đó của phụ huynh có tác động tới giáo viên và gây áp lực cho con cái chúng ta.
Nhà trường muốn thực chất mà phụ huynh muốn thành tích thì khó để dung hòa. Nhiều phụ huynh biết con mình ở mức nào nhưng vẫn muốn con phải được 10 để thỏa mãn cảm xúc nào đấy.
Nhưng cũng vì thế mà trách nhiệm của giáo viên rất cao. Chúng ta hướng mục tiêu giáo dục tới cái gì? Chúng ta chấm điểm học sinh vì điều gì: cảm xúc của phụ huynh, cảm xúc của nhà trường hay giá trị cho các con? Nếu mục tiêu là giá trị cho các con thì việc đánh giá học sinh cần cố gắng tiệm cận hơn nữa tới thực chất.
Một bảng điểm toàn 10 có thể làm nhà trường vui, phụ huynh vui nhưng lợi ích lâu dài cho học sinh có hay không, cần phải cân nhắc thật kỹ càng.
- Nói về câu chuyện lợi ích của học sinh, với cách thức tuyển sinh dùng điều kiện học bạ ở nhiều trường chất lượng cao, một bảng điểm toàn 10 chính là lợi ích. Nếu đánh giá học sinh chặt chẽ theo 4 mức trong Thông tư 22 và 3 mức trong Thông tư 27, nhiều trẻ sẽ thiệt thòi khi không có một học bạ "đẹp" để ứng tuyển vào các trường tốp đầu. Như vậy, giáo viên không thể không bối rối khi cân nhắc về lợi ích của học sinh để cho điểm, thưa thầy?
Thực tế là như vậy. Ở đây, nên chăng các trường THCS hãy tham khảo giáo viên tiểu học để có cách đánh giá học sinh đầy đủ nhất nhằm xây dựng điều kiện tuyển sinh đầu vào. Nếu chỉ nhìn điểm số để đánh giá một đứa trẻ sẽ là khiếm khuyết. Bởi điểm số chỉ thể hiện một phần ít của năng lực.
Trong bối cảnh hiện nay, khi điểm số ấy hàm chứa không ít câu hỏi nghi vấn thì càng không nên dùng điểm số làm căn cứ, điều kiện nhận xét, đánh giá một đứa trẻ.
- Ở góc độ gia đình, ông có lời khuyên gì dành cho phụ huynh khi nhìn vào điểm 10?
Tôi cho rằng phụ huynh nên có những đánh giá đa chiều thay vì phụ thuộc vào đánh giá của nhà trường. Nếu chỉ phụ thuộc vào kênh đánh giá của giáo viên dạy con bạn, rất có thể bạn sẽ đánh mất cơ hội của con. Bảng điểm chỉ nên xem là một kênh tham khảo, cung cấp cho cha mẹ một dữ liệu nhỏ.
Để đánh giá đúng con, không có cách nào khác ngoài việc kết nối, quan sát, thấu hiểu, đồng hành. Có kết nối thì mới có quan sát, có quan sát mới có thông tin để hiểu con là ai, con cần gì, con có những thế mạnh gì, khó khăn gì. Đánh giá được tất cả những điều đó rồi, phụ huynh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của giáo viên để có phương pháp tốt đồng hành cùng con phát huy thế mạnh, tháo gỡ khó khăn.
Tất nhiên, việc kết nối để quan sát chưa chắc đã mang lại thông tin chính xác do nhiều yếu tố khách quan. Nhưng không kết nối thì không có quan sát, không có quan sát thì không có dữ liệu nào cả để đánh giá con cả.
Thêm vào đó, cha mẹ nên cởi mở khi con cái nhận điểm 7, 8. Trong cuộc sống không phải cứ tiến lên là tốt. Đôi khi một bước lùi là bước đà để chúng ta bật xa hơn.
Nội dung: Hoàng Hồng
Thiết kế: Đỗ Diệp