Dạy và học Anh văn trong trường phổ thông

Hiệu quả thật, chất lượng ảo!

Cô T., một giáo viên Anh văn kể, để phân biệt “was” và “were” khi thực hiện bài tập, HS lớp 12 của cô đã hỏi một cách ngô nghê rằng: “Thưa cô, quơ 4 chữ hay quơ 3 chữ ạ?”...

Từ luận văn cao học…

 

Cô Đỗ Thị Ngọc Thu, lớp Cao học Tesol 2000 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, đã chọn đề tài cho luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình là “Ảnh hưởng của hoạt động đánh giá đối với hiệu quả giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường”.

 

Với mục đích làm rõ hiệu quả của việc học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông, cô Thu đã cho toàn bộ 79 HS khối 10 và 83 HS lớp 12 ở một trường PTTH thuộc một quận ven (nơi có số HS đi học thêm bộ môn này không đáng kể), cùng làm 2 bài kiểm tra trình độ: một bài làm theo đề thi tốt nghiệp tú tài năm 2002 của Bộ GD-ĐT và bài còn lại là bài kiểm tra xếp lớp nhanh theo chuẩn quốc tế (QPT).

 

Theo cô Thu, bài thi QPT có cùng tiêu chí với đề thi của Bộ GD-ĐT là kiểm tra kỹ năng đọc hiểu, ngữ pháp. Đồng thời những kiến thức có trong đề thi đều là những kiến thức đã được dạy trong chương trình của Bộ GD-ĐT. Những câu hỏi của đề QPT phù hợp với trình độ của người học từ bậc sơ khởi (A1, A2) đến trung cấp (B1, B2).

 

Kết quả này cho thấy, hiệu quả giảng dạy bộ môn này trong nhà trường phổ thông đã đạt được mức độ nhất định. Kiến thức của HS được nâng lên khá rõ sau 3 năm học trong nhà trường. Học sinh lớp 10 chưa đủ trình độ để làm bài thi tốt nghiệp PTTH là do những câu hỏi của đề thi phần lớn nằm trong sách giáo khoa lớp 12. Tuy nhiên, ở kết quả bài thi QPT lại cho thấy điều ngược lại.

 

Thống kê cho thấy, so với điểm trung bình 14,4 nằm ở trình độ sơ khởi (A1) của HS lớp 10 thì điểm trung bình 19,2 của HS lớp 12 cũng chưa vượt qua khỏi trình độ A (A2). Mức chênh lệch không cao cho thấy, sự tăng trưởng trong trình độ của HS lớp 12 tăng không đáng kể sau 3 năm học chương trình tiếng Anh trong nhà trường phổ thông.

 

Với trình độ A, hầu hết HS ở bậc phổ thông sẽ không thể sử dụng tiếng Anh để diễn đạt suy nghĩ của mình trước những tình huống đa dạng trong cuộc sống. Và đây là kết quả không được mong đợi của toàn xã hội đối với những người vừa rời ghế nhà trường phổ thông. Bởi, họ cần sử dụng tiếng Anh một cách hiệu quả ở những bậc học cao hơn hoặc trong công việc để tiếp cận tri thức mới, và kiếm được một công việc có thu nhập cao.

 

Dù chỉ giới hạn ở phạm vi một trường PTTH, nhưng kết quả đánh giá của thạc sĩ Đỗ Thị Ngọc Thu đã phản ánh một phần thực chất trình độ tiếng Anh của HS trong nhà trường phổ thông hiện nay, khác với cái nhìn lạc quan của các nhà quản lý giáo dục qua điểm số của các kỳ thi tốt nghiệp.

 

Đến những câu chuyện thực tế

 

Thực trạng dạy và học tiếng Anh ở bậc học phổ thông càng thêm bi quan khi chúng tôi được nghe những mẩu chuyện do chính giáo viên tiếng Anh ở các trường phổ thông và HS nêu lên.

 

Chẳng hạn như, đầu năm lớp 10, giáo viên gần như phải dạy lại từ những kiến thức ban đầu vì có rất nhiều HS không biết chia động từ ở thì hiện tại, kể cả động từ cơ bản nhất là động từ Tobe; ngoại trừ các lớp chuyên, những lớp thường HS gần như không thực hiện được yêu cầu nói tiếng Anh trong giờ Anh văn…

 

Cô T., một giáo viên Anh văn kể, để phân biệt “was” và “were” khi thực hiện bài tập, HS lớp 12 của cô đã hỏi một cách ngô nghê rằng: “Thưa cô, quơ 4 chữ hay quơ 3 chữ ạ?”.

 

Điều lạ là trước khi lên cấp 3, HS đã có 4 năm học tiếng Anh ở cấp hai với một nhiều nội dung bài học khá phong phú. Với một chương trình như vậy lẽ ra trình độ Anh văn ở HS phải từng bước được nâng lên nhưng thực tế lại cho thấy HS tiến rất chậm.

 

Theo phân tích số liệu thống kê điểm thi học kỳ 2 ở các trường THCS quận Bình Thạnh qua những năm liên tiếp nhau của một học viên cao học, tỉ lệ HS đạt điểm trên trung bình giảm dần từ lớp 6 - đến lớp 8, chỉ tăng lên ở lớp 9 do những nổ lực “luyện” của thầy cô cho lớp cuối cấp. Đồng thời, cũng theo số liệu điều tra của học viên này thì có đến 81,1% ý kiến của giáo viên tiếng Anh trực tiếp giảng dạy cho rằng trình độ HS quá thấp so với lượng kiến thức đã được quy định.

 

Như vậy, giới lãnh đạo ngành GD-ĐT cần gì ở HS: trình độ thật hay điểm số ảo? Câu hỏi cần được trả lời một cách thỏa đáng!

 

Theo Lâm Vy - SGGP

 

Học và thi kiểu đối phó