Hiệp sỹ mù mang ánh sáng cho người cùng cảnh
Tin học đối với chàng trai khiếm thị Phạm Sơn Hà, 32 tuổi không chỉ là công cụ giao tiếp với cuộc sống mà còn giúp anh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Bằng nghị lực và niềm say mê tin học, Hà đã giúp Thành hội người mù Hà Nội sáng lập CLB tin học, rồi tự mình thành lập Trung tâm Tia Sáng để dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị...
Vượt lên nỗi đau
Căn gác tầng hai - nơi Hà đặt “đại bản doanh”, bên cạnh dàn máy vi tính dành cho người khiếm thị là cây đàn piano. Đặt trang trọng phía bên phải góc bàn là bức tranh với dòng chữ: “Hiệp sỹ công nghệ thông tin”.
Hà nói: “Ngồi từ căn phòng này mình vẫn nắm bắt được những gì đang xẩy ra bên ngoài, dẫu không nhìn được nhưng mình vẫn có thể vào mạng và cập nhật được mọi thông tin”.
Hà chơi cho chúng tôi nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn. Mười ngón tay Hà lướt trên từng phím đàn, ít ai nghĩ Hà bị mù hai mắt. Khi chơi đàn, Hà vui và tự tin lạ thường. Đôi mắt Hà mở to, người lắc lư theo giai điệu. Kết thúc bản nhạc, Hà ngừng lại rồi kể cho chúng tôi nghe về cái “ngày xưa” của mình.
Vì nhiễm chất độc da cam, nên sinh ra Hà đã bị mù bẩm sinh một mắt. Được biết, cả bố và mẹ Hà là người gốc Quảng Trị. Những năm chiến tranh chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Vững - mẹ Hà là TNXP ở chiến trường Gio Linh - Quảng Trị, một trong những nơi bị địch rải nhiều chất độc đi-ô-xin và bị nhiễm chất độc màu da cam. Hà bị hỏng một mắt, em trai Hà - Sơn Hùng bị hỏng hoàn toàn hai mắt.
Tưởng chừng con mắt còn lại sẽ mang lại ánh sáng tương lai cho Hà nhưng một tai nạn khủng khiếp khiến cho con mắt còn lại bị mờ dần rồi mù hẳn. Được sự động viên kịp thời của gia đình, Hà thường xuyên tham gia nhiều hoạt động xã hội. Sau đó, Hà đã thi đỗ Nhạc viện Hà Nội. Cuộc đời Hà rẽ sang một trang mới...
Mang ánh sáng cho người khiếm thị
Học tại Nhạc viện, Hà gặp muôn vàn khó khăn. Giáo trình và tài liệu tham khảo Hà nhờ bạn đọc hộ rồi tự ghi nhớ. Sau 4 năm học trung cấp nhạc, Hà quyết tâm học tiếp 3 năm cao đẳng đàn oóc-gan.
Nhờ máy tính ở nhà được nối mạng, lại sử dụng phần mềm Jaws, các thao tác gõ văn bản, chọn thư mục, vào hộp thư, mở hộp thư, gửi thư... được Hà thao tác thành thục.
Jaws là phần mềm tin học dành cho người khiếm thị, dùng âm thanh để điều khiển và đọc văn bản cho người khiếm thị nghe, từ đó cứ thế tiến hành các thao tác trên máy tính mà không hề gặp một chút khó khăn nào. Để nâng cao “tay nghề” Hà tham gia lớp học đào tạo từ xa về CNTT do Đại học Mở (Hà Nội) tổ chức.
Được sự đồng ý của Thành hội người mù Hà Nội, Hà sáng lập Câu lạc bộ (CLB) tin học để dạy miễn phí cho người khiếm thị. CLB tin học do Hà đứng đầu đã đào tạo được 2 khóa tin học văn phòng. Kết thúc khóa học, 15 bạn khiếm thị đã thành thục trong việc sử dụng máy tính và soạn thảo văn bản. Khi CLB ngừng hoạt động, Hà đã cùng bạn là Khúc Hải Vân thành lập Trung tâm Tia Sáng (số 844, phố Minh Khai - Hà Nội) để dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị.
Đầu tháng 10/2005, Trung tâm đã bế mạc khóa học tin học văn phòng miễn phí đầu tiên cho 7 người khiếm thị. Hà cho biết: “Học xong chương trình soạn thảo văn bản thông qua sử dụng phần mềm Jaws, người khiếm thị sẽ sử dụng máy tính thành thạo. Họ có thể vào mạng, viết thư...”.
Một học sinh khi được hỏi về thầy giáo Hà đã xúc động nói: “Thầy là người đã mang lại ánh sáng cho quãng đời còn lại của bọn em, nếu không chắc bọn em sẽ vĩnh viễn sống trong bóng tối”. Năm 2005, nhờ những cống hiến trong việc dạy tin học cho người khiếm thị, Hà được công nhận là Hiệp sỹ công nghệ thông tin.
Theo Nguyễn Phong Cầm - Đình Thắng
Tiền Phong