Hiệp sĩ ngành toán

Nhà toán học Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nói Ngô Bảo Châu là hiệp sĩ của ngành toán Việt Nam. Tinh thần hiệp sĩ ấy không phải là một thái độ bốc đồng mà là một phẩm chất bền bỉ cùng với thời gian.

1. Những lời tri ân Ngô Bảo Châu dành cho cộng đồng toán học Việt Nam trong bài diễn văn anh phát biểu ở Mỹ Đình cuối tháng 8/2010 chưa bao giờ là lời nói suông, dù trước hay sau thời điểm đó. Vốn dĩ đã có mối quan hệ thân tình với nhiều nhà toán học trong nước, sự quan tâm của Ngô Bảo Châu dành cho hoạt động nghiên cứu toán học ở Việt Nam càng được thể hiện mạnh mẽ sau khi anh được giải thưởng Clay năm 2004.

“Mùa hè năm 2005, anh Châu về nước và trao đổi với chúng tôi ý tưởng thành lập chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế cho ngành toán. Chúng tôi bắt đầu xây dựng đề án. Mỗi lần về nước anh Châu lại cùng chúng tôi đi gặp các bộ trưởng để vận động cho đề án. Ba lần chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Phong, lúc đó là Bộ trưởng Bộ KH-CN; hai lần gặp anh Nguyễn Minh Hiển, lúc đó là Bộ trưởng Bộ GDĐT. Vì đề án không được duyệt nên chúng tôi chuyển thành những chương trình nhỏ hơn. Bộ GDĐT tài trợ chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết thông qua đề án 322. Còn Bộ KH-CN thì đồng ý để chúng tôi làm trường hè cho sinh viên”, GS Lê Tuấn Hoa kể.

Sau khi được giải thưởng Fields 2010 thì một phần sự nghiệp của Ngô Bảo Châu thực sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng khoa học trong nước. Có lần Ngô Bảo Châu nói với tôi, khi được giải Fields thì anh xác định từ nay trở đi mình không được phép chỉ biết có làm toán mà phải dành một phần thời gian, một phần tâm trí nhất định để phụng sự xã hội, và cái xã hội mà anh lựa chọn đó đương nhiên là Việt Nam. Khi Ngô Bảo Châu tự nguyện nhận trách nhiệm lãnh đạo VIASM, dư luận xã hội đã lường trước những gập ghềnh trên con đường anh sẽ đi. Ngô Bảo Châu cũng biết là sẽ rất khó khăn, chỉ có những điều khó khăn đó vuông tròn ra sao anh chưa mường tượng được nếu chưa từng đối mặt với chúng.

2. Mùa hè năm 2011 là một quãng thời gian không mấy thú vị với Ngô Bảo Châu. VIASM vừa mới bắt đầu hoạt động, kinh phí còn chưa có, các nhóm nghiên cứu chưa thể thành lập. Hoạt động khoa học của VIASM hồi đó chỉ là những bài giảng do anh và GS Vũ Hà Văn, một người cũng mang tinh thần hiệp sĩ đối với ngành toán Việt Nam, thực hiện mà không có thù lao. Có lần, anh tiếp tôi ở phòng làm việc của mình, cả chủ và khách đều mồ hôi nhễ nhại vì tiết hè oi bức hun nóng không khí trong bốn bức tường bê tông. Mãi về sau, khi nhà nước bắt đầu cấp kinh phí mua sắm cơ sở vật chất ban đầu cho VIASM, phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu mới có điều hòa.

Năm 2012, hoạt động khoa học của VIASM khởi sắc. Đầu năm viện tổ chức ra mắt cộng đồng quốc tế, đông đảo nhà khoa học có uy tín bậc nhất trong cộng đồng toán học quốc tế đến dự. Các nhà khoa học của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước bắt đầu đến làm việc tại viện, các nhóm nghiên cứu được triển khai. Đặc biệt trong dịp hè, không khí làm việc của viện đầy sôi động nhờ có các chuyên đề, các chương trình song song với sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế xuất sắc. Trước đó, nhà nước đã cấp kinh phí để VIASM hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống phòng làm việc, phòng hội thảo, thư viện… (dù cơ sở vẫn thuê mượn của trường ĐH Bách khoa Hà Nội).

Nhưng đó chỉ mới là những tín hiệu vui ban đầu. Vấn đề nan giải nhất, ảnh hưởng tới sự sống còn của viện trong tương lai là trụ sở làm việc riêng thì vẫn chưa hé mở tia hy vọng nào. Là lãnh đạo của viện, nhà toán học quốc tế nổi tiếng thế giới Ngô Bảo Châu bất đắc dĩ phải tham gia một việc cực chẳng đã: Gặp các cấp lãnh đạo chính quyền ở Hà Nội để xin địa điểm xây trụ sở. Có những lúc công việc tưởng như đã tiến được một bước dài nhưng rồi những cái nhùng nhằng, chồng chéo trong cơ chế quản lý khiến mọi việc lại trở về “mo”.

3. Ngô Bảo Châu nói, những khi không thể mỉm cười thì anh thường ở một mình, tránh tiếp xúc với người khác, kể cả những người thân trong gia đình. Là linh hồn của một cơ quan nghiên cứu khoa học, Ngô Bảo Châu không thể đóng cửa phòng để ở một mình. Anh vẫn cười rất tươi khi giảng bài, khi giao lưu với các bạn trẻ, khi ký tặng sách, khi dự khai giảng…

Những ai từng quen biết, làm việc lâu năm với GS Ngô Bảo Châu đều tin vào khả năng vững vàng, kiên cường của anh. “Sự kiên trì của Ngô Bảo Châu là hiếm có”, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước nhận xét. GS Lê Tuấn Hoa thì nói: “Anh Châu không phải là người trên trời rơi xuống. Anh ấy rất hiểu những cái lằng nhằng trong cơ chế chính sách của ta và cho đến nay anh ấy vẫn chưa nản lòng”. Nhưng GS Hoa cũng cho rằng, “mọi sự chịu đựng đều có giới hạn, kể cả với những người có tinh thần hiệp sĩ như anh Châu”. Theo GS Đỗ Đức Thái, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cả cộng đồng toán đều ý thức sự tồn tại phát triển của VIASM là tốt cho cho ngành toán và sẽ đồng tâm đồng sức dốc lòng tìm lối đi bền vững cho VIASM. “Anh Châu không nản lòng. Chúng tôi không nản lòng”, GS Thái khẳng định.

4. Ngô Bảo Châu thuyết phục những người hâm mộ anh không chỉ bằng tài năng đã được thẩm định bởi giải thưởng Fields danh giá toàn cầu mà còn bằng thái độ niềm nở, ấm áp của anh dành cho họ mỗi dịp tiếp xúc, mặc dù anh rất kiệm lời. Những khó khăn trong công việc của Ngô Bảo Châu ở Việt Nam chủ yếu là do cách vận hành hệ thống, còn trên phương diện từng con người thì rất nhiều ủng hộ anh hết lòng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng là một trong số đó. Mấy tháng đầu mới hoạt động, ngân sách nhà nước chưa kịp đổ về, VIASM chủ yếu “sống” được nhờ tiền đi vay (không phải trả lãi). Hồi ấy ông Nhân đã bỏ tiền túi cho VIASM vay 300 triệu đồng. Hè 2012, trong chuyến thăm viện, biết các nhà khoa học muốn có máy pha cà phê để tự pha cà phê tại sảnh, ông Nhân bày tỏ ý định mua tặng nhưng lãnh đạo viện đã từ chối. Nhiều lần, ông Nhân gửi những món quà quý tặng Ngô Bảo Châu. Thỉnh thoảng, ông Nhân lại gọi điện cho bố mẹ của Ngô Bảo Châu để thăm hỏi, chia sẻ.

Theo nhận xét của nhiều người, Ngô Bảo Châu không phải là người chỉ biết nhận tấm chân tình của người khác mà anh cũng rất biết trao. Những cái trao của Ngô Bảo Châu đôi khi đơn giản nhưng cách thể hiện rất chân thành. GS Trần Văn Nhung kể, hè vừa rồi khi vợ chồng ông đến chơi và dùng bữa tối tại nhà GS Ngô Huy Cẩn, ông đã được GS Ngô Bảo Châu đãi món bít tết do đích thân anh vào bếp làm. “Thịt bò chín mềm mà vẫn đỏ. Tôi chưa bao giờ được ăn món bít tết ngon như thế ở Việt Nam! Cũng có thể đó là món ăn do một chủ nhân giải thưởng Fields nấu, nhưng trên hết vì nó thật sự ngon. Tôi thấy người nấu ra được một món như thế hẳn phải có khẩu vị rất tinh tế ”, GS Nhung nhận xét.

Nhưng tấm chân tình lớn nhất mà Ngô Bảo Châu dành cho những người anh yêu quý ở đất nước này chính là tình cảm gắn bó của anh với gia đình, với quê hương, với dân tộc. Những nỗ lực phụng sự cộng đồng khoa học trong nước là biểu hiện cụ thể của tình cảm đó. Hồi anh mới được giải Fields, dân làm toán trong nước rất hay nhắc đến chuyện Ngô Bảo Châu được Trung Quốc mời sang làm việc với mức lương ngất ngưởng, cao gấp 3 - 4 lần lương của ĐH Chicago trả cho anh. Tôi hỏi PGS Trần Lưu Vân Hiền chuyện đó thực hay hư, cô Vân Hiền nói: “Cô cũng có nghe mọi người hỏi Châu sao không sang Trung Quốc làm để thành giáo sư triệu phú thì Châu trả lời: Trở thành triệu phú thích thú nỗi gì nếu để cho bạn bè, đồng nghiệp có cảm giác là mình quay lưng với đất nước?”.
 
Theo Thư Hiên
Báo Lao Động