Hệ tại chức: Đứa con bị từ chối
Ngành giáo dục nhiều địa phương đã chính thức từ chối tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức. Điều này đồng nghĩa với việc nói không ngay với sản phẩm do chính các trường đại học của ngành giáo dục thực hiện.
Các ứng viên trả lời câu hỏi tại buổi phỏng vấn tuyển dụng giáo viên năm 2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 2/8/2012. (Ảnh: Như Hùng)
Nhiều giáo viên có thời gian dạy hợp đồng hoặc vừa tốt nghiệp đang chờ việc ở Hà Nam không còn lạ lẫm với thông báo tuyển dụng mới đây của Sở GD-ĐT tỉnh này, trong đó một trong những điều kiện xét hồ sơ là phải tốt nghiệp các trường công lập có uy tín. Không lạ lẫm bởi yêu cầu trên từng áp dụng nhiều năm qua trong các kỳ tuyển giáo viên vào biên chế.
Không tại chức, không liên thông
Thông báo do giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam Nguyễn Văn Khoát ký khẳng định ứng viên phải tốt nghiệp ở các trường công lập có uy tín về đào tạo giáo viên, bằng tốt nghiệp loại khá trở lên. Đặc biệt, thông báo dứt khoát: “Không hợp đồng những người tốt nghiệp đại học hệ tại chức hoặc đại học chính quy theo các hình thức liên thông, liên kết, từ xa...”.
TP.HCM: ứng viên hệ tại chức bị chấm thang điểm thấp Tại TP.HCM, tuy không quy định bằng văn bản nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: khi tuyển giáo viên cho năm học 2012-2013, các ứng viên tốt nghiệp hệ tại chức sẽ bị chấm thang điểm thấp (ứng viên dự tuyển sẽ có ba cột điểm: điểm trung bình các môn học, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp đại học và điểm phỏng vấn - PV). Theo ông Văn Công Sang - trưởng phòng tổ chức - cán bộ Sở GD-ĐT TP, với tình hình số lượng giáo viên bậc trung học dự thi tuyển cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển dụng như năm nay thì TP sẽ ưu tiên tuyển dụng đối tượng tốt nghiệp hệ chính quy ngành sư phạm trước. “Tôi không luận bàn về chất lượng đào tạo của hệ tại chức, nhưng tôi nghĩ giáo viên theo học ngành sư phạm hệ chính quy sẽ tốt hơn. Ít nhất là họ sẽ yêu nghề giáo hơn và được đào tạo chính quy thì bài bản hơn, dễ tạo niềm tin hơn” - ông Sang cho biết. |
Thông báo tuyển dụng còn nêu rõ yêu cầu địa chỉ tốt nghiệp cụ thể cho từng môn học. Tùy theo mỗi môn học, điều kiện về nguồn đào tạo (trường mà các giáo viên tốt nghiệp) được quy định khác nhau, nhưng ưu tiên số 1 là nhóm các trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, Khoa sư phạm ĐHQG Hà Nội, ĐH Giáo dục...
Chủ trương “chọn trường đào tạo” để tuyển giáo viên của Hà Nam được thực hiện từ năm 2005. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam - cho biết với quan điểm “giáo viên là yếu tố quan trọng số 1 làm nên chất lượng giáo dục, bảy năm trước (khi ông Tuấn còn đương nhiệm) chủ trương sàng lọc để tuyển giáo viên có chất lượng đã được đặt ra. Tiêu chí để sàng lọc người vào biên ch là điểm trung bình toàn khóa học, ưu tiên nhóm trường đào tạo có chất lượng tốt (tùy theo bậc học). “Tuyển đại trà chỉ tới 80% chỉ tiêu, còn 20% dành để tuyển những người giỏi”- ông Tuấn cho biết. Theo đó, những người tốt nghiệp cử nhân loại giỏi ở các trường sư phạm sẽ được tuyển thẳng không phải tham dự kỳ thi tuyển công chức. Riêng giáo viên cho trường THPT chuyên, Hà Nam chỉ tuyển những người tốt nghiệp loại giỏi ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1.
Nhìn trường đào tạo để tuyển giáo viên
Không chỉ Hà Nam, tỉnh Nam Định từ năm 2008 đã “nói không” với người tốt nghiệp hệ tại chức trong kỳ tuyển công chức và năm 2011 tiếp tục “nói không” với người tốt nghiệp trường ngoài công lập. Riêng đối với việc tuyển công chức cho ngành GD-ĐT, nhiều năm qua Nam Định đã đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn, không chỉ đòi hỏi người đăng ký xét tuyển phải có bằng chính quy và tốt nghiệp trường công lập, quy định tuyển của từng môn học cũng nêu cụ thể chỉ tuyển giáo viên tốt nghiệp ở nhóm trường có uy tín. “Có những ngành nhiều năm qua chỉ tuyển người tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1” - một hiệu trưởng THPT ở Nam Định cho biết.
Ông Trần Tất Tiệp, giám đốc Sở Nội vụ Nam Định, cho biết kế hoạch tuyển công chức cho ngành GD-ĐT Nam Định năm nay do Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ phối hợp xây dựng. Điều kiện tuyển năm nay vẫn theo đúng chủ trương của những năm trước nhằm đảm bảo chất lượng ngay từ khâu nhận hồ sơ. Có nghĩa sẽ không tuyển người tốt nghiệp trường ngoài công lập hoặc tại chức. Tùy từng môn học, cũng chỉ lựa chọn những người tốt nghiệp từ các trường sư phạm đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, “để tránh cực đoan, những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi sẽ vẫn được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển”- ông Tiệp khẳng định.
Tương tự, Vĩnh Phúc từ năm 2011 cũng xôn xao khi Sở GD-ĐT đặt ra điều kiện tuyển giáo viên bậc THPT chỉ gồm những người tốt nghiệp chính quy một số trường như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Hà Nội (khoa tiếng Anh), Trường ĐH Thể dục thể thao (chuyên ngành giáo dục thể chất). Và lưu ý cụ thể “không tuyển người theo chương trình liên thông lên ĐH”.
Khác với một số địa phương có quan điểm “chọn trường”, Vĩnh Phúc không chỉ lựa chọn những trường có truyền thống sư phạm mà chọn cả những trường ngoài sư phạm nhưng thuộc tốp đầu ở bậc ĐH. Giải thích về việc này, lãnh đạo ngành GD-ĐT Vĩnh Phúc cho rằng: “Đã nghiên cứu chương trình và chất lượng sinh viên ra trường nên lựa chọn tuyển người của các trường trên, tùy theo đặc thù của vị trí công việc”.
Thừa số lượng, thiếu chất lượng
Năm 2011, theo Sở GD-ĐT Hà Nam, số giáo viên cần tuyển rất ít. Bậc THCS đang thừa giáo viên, trong vài năm tới sẽ không tuyển thêm giáo viên ở bậc học này. Còn bậc THPT năm 2011 chỉ tuyển 350, năm 2012 không tuyển. “Việc cung lớn hơn cầu quá nhiều cũng là một trong những lý do của việc khắt khe hơn về chất lượng tuyển mới”- lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nam cho biết.
Tình trạng này cũng tương tự ở Vĩnh Phúc. Theo ông Hoàng Minh Quân, giám đốc sở GD-ĐT, năm 2011 Vĩnh Phúc thừa hàng trăm giáo viên THCS. Giáo viên tiểu học, THPT còn thiếu nhưng chỉ tiêu tuyển cũng rất ít. Số lượng giáo viên chờ tuyển đông, người đang trong ngành cũng thừa. Trong khi đó, nhìn vào chất lượng lại thấy cần có sự cải thiện. Nghịch lý “thừa số lượng, thiếu chất lượng” khiến các tỉnh phải chọn giải pháp kiểm soát chất lượng tuyển mới và dần dần từng bước thay thế số giáo viên yếu về năng lực.
Tuy nhiên, với những giáo viên làm hợp đồng lâu năm, không đủ điều kiện vào biên chế, việc đảm bảo quyền lợi để họ gắn bó với nghề trong bối cảnh “sàng lọc chất lượng” là điều không dễ. Ở Hà Nam, sau kỳ tuyển công chức năm 2011, nhiều giáo viên bỏ nghề. Chỉ riêng ở Duy Tiên-Hà Nam có tới gần chục giáo viên cho biết sẽ bỏ nghề đi làm công nhân, bán hàng chỉ vì không có hi vọng vào biên chế với tấm bằng loại trung bình.
Theo Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ