Hệ miễn dịch của đại học
GS. TS Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên cao cấp tại ĐH New South Wales, Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) có cuộc trò chuyện với về sự miễn dịch của đại học trước "virus... cái xấu".
Khi giảng viên dạy dở...
Thưa ông, là người từng giảng dạy ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, bên cạnh những vinh quang, ông thấy sự "khắc nghiệt" của nghề này ở nước ngoài như thế nào?
Khắc nghiệt thì tôi không chắc, nhưng áp lực thì chắc chắn có. Áp lực để có một bài giảng tốt, đem lại nhiều thông tin mới hoặc có ích cho học viên. Áp lực để trình bày bài giảng một cách trôi chảy, từ cấu trúc nội dung đến phong cách và môi trường chung quanh. Cá nhân tôi lúc nào cũng cố gắng "có cái gì đó mới", trong một bài giảng. Cùng một bài giảng về một chủ đề ở hai nơi, tôi lúc nào cũng có thêm vài điểm khác biệt giữa chúng. Đã nhận lời giảng thì phải có cái gì mới để nói, còn không có thì không nhận lời. Những chuẩn mực đó do tôi tự đặt ra và có thể nói là "mình tự mình làm khổ mình". Nhưng tôi quan tâm đến học viên hơn là quan tâm đến cá nhân tôi. Tôi biết nhiều người khác cũng như thế, tức là đặt ra những chuẩn mực để vươn tới, trong việc truyền đạt kiến thức.
Trong vài trường hợp như giảng bài trong các hội nghị, nhất là cấp quốc gia và quốc tế, thì rất căng thẳng. Có khi phải tốn cả tuần để soạn một bài giảng chỉ 30 slide. Và phải thực hành nhuần nhuyễn trước khi bước lên bục giảng. Tôi biết, có người đã là giáo sư mà mỗi khi giảng ở một hội nghị trước hàng ngàn người, họ vẫn phải dùng đến thuốc để… "an thần". Nói như thế để thấy, có tình huống đòi hỏi người giảng phải đầu tư công sức và thời giờ để chuyển tải thông tin đến người nghe. Áp lực ở đây là nhận lãnh trách nhiệm và duy trì uy tín cá nhân.
Như thế nào được gọi là một người thầy giỏi, thưa ông?
Theo tôi, một người thầy giỏi có thể phản ánh qua kiến thức chuyên môn, sự tương tác với học viên và kỹ năng sư phạm.
Giảng viên tốt phải là người có kiến thức tốt về lĩnh vực hoặc chủ đề mình giảng, thể hiện qua sự làm chủ thông tin và tấm gương học thuật. Làm chủ thông tin ở đây có nghĩa là giảng viên chính là người "sản xuất" ra (hay hiểu một cách tường tận) thông tin chính dùng trong bài giảng, qua những nghiên cứu của họ. Tấm gương học thuật ở đây, tôi muốn nói đến cách "nói có sách, mách có chứng", tất cả những phát biểu phải có cơ sở khoa học hay có chứng cứ, chứ không nói theo cảm tính.
Khả năng tương tác với học viên đóng vai trò rất quan trọng làm nên một người thầy giỏi. Người thầy giỏi nên kích thích sự quan tâm và tò mò của học viên, dành thời gian cho học viên ghi chép và "tiêu hóa" thông tin. Người thầy giỏi giảng dạy từ trái tim, chứ không chỉ từ sách vở. Do đó, người thầy giỏi còn phải tỏ ra nhiệt tình với chủ đề mình giảng để "truyền lửa" cho học viên.
Ngoài kiến thức và tương tác, người thầy giỏi theo tôi còn phải có kỹ năng sư phạm tốt. Kỹ năng sư phạm ở đây là có khả năng giải thích, kỹ năng nói chuyện trước đám đông (chẳng hạn như không làm cho khán giả... ngủ!), có kỹ năng soạn bài giảng một cách đúng phương pháp, sử dụng từ ngữ chính xác, sử dụng những ví dụ có liên quan đến bài giảng. Người thầy xoàng có thể làm cho vấn đề thêm phức tạp, nhưng người thầy giỏi thì có khả năng biểu lộ sự đơn giản của vấn đề. Người thầy giỏi còn có óc hài hước. Hài hước nhưng không quá trớn và tự biến mình thành người nghệ sĩ hài trước cử tọa học thuật.
Có thể phân các giảng viên thành 4 nhóm theo nội dung và phong thái. Giảng viên trung bình là người chỉ kể chuyện và pha trò giỏi; giảng viên hay là người giải thích tốt; giảng viên giỏi là người có khả năng chứng minh và thuyết phục; và giảng viên tuyệt vời là người có khả năng truyền cảm hứng.
Nếu được phép so sánh, ông sẽ so sánh người thầy giỏi với hình ảnh nào?
Tôi muốn lấy hình tượng của người trồng hoa để ví von với vai trò của người thầy. Người trồng hoa phải cẩn thận chọn và gieo hạt giống, rồi tỉa cành hoa thành một tác phẩm đẹp. Người thầy cũng thế: Chọn nội dung bài giảng kỹ càng và rèn luyện kỹ năng sư phạm để gieo những hạt giống tri thức đến học viên và đào tạo họ thành những người sống đẹp.
Nếu trở lại là một sinh viên, ông thích phong cách giảng dạy nào nhất? Vì sao?
Câu trả lời có lẽ tùy vào giai đoạn. Nếu tôi là sinh viên bậc cử nhân, tôi thích giảng viên có khả năng giải thích và khai sáng. Nếu là sinh viên sau đại học, tôi thích giảng viên truyền đạt cảm hứng hơn là giảng viên giải thích.
Mỗi một bậc học có nhu cầu khác nhau. Ở bậc cử nhân, sinh viên cần tiếp thu một lượng kiến thức tổng quan tương đối lớn, nên tôi nghĩ, cách giảng giải thích rất có hiệu quả. Còn bậc sau đại học thì vì sinh viên phải tập trung vào một lĩnh vực hẹp, có khi rất hẹp, nên cần phải có cảm hứng để theo đuổi đề tài. Do đó, cách giảng thích hợp không thể nói chung được mà còn tùy thuộc vào giai đoạn trong quá trình học hành.
Việc sinh viên "chấm điểm" bài giảng của thầy giáo có ý nghĩa như thế nào đến việc cải thiện chất lượng giáo dục và đào thải các giảng viên kém?
Tôi nghĩ, việc sinh viên đánh giá giảng viên là hoàn toàn hợp lý và dân chủ. Sinh viên phải đóng học phí, cũng như bỏ thời gian để đến nghe giảng viên giảng và do đó, việc họ có mặt trong giảng đường là một sự đầu tư. Đã là đầu tư thì họ có quyền kỳ vọng lợi ích, được tiếp thu kiến thức mới, và có quyền cho ý kiến.
Mặt khác, tôi nghĩ, người giảng viên tốt cũng rất muốn biết sinh viên nghĩ gì và đánh giá mình ra sao. Tôi biết, có giảng viên còn chủ động soạn ra những bộ câu hỏi để thăm dò ý kiến của sinh viên. Thật ra, tôi biết vài người mà trong hồ sơ xin đề bạt các chức danh khoa bảng (như giáo sư chẳng hạn), giảng viên cũng kèm theo những cuốn băng video bài giảng và những đánh giá của sinh viên.
Do đó, về lâu dài, việc sinh viên đánh giá giảng viên, theo tôi, là sẽ có hiệu quả cải tiến kỹ năng và làm giàu thêm kinh nghiệm của giảng viên. Ngay cả trong các hội thảo chuyên đề, học viên cũng đánh giá giảng viên về nội dung bài giảng, về phong cách, về tính thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ học viên... Tất cả những đánh giá như thế tạo áp lực lên người giảng, khiến họ phải đáp ứng nhu cầu học thuật của học viên và để đáp ứng nhu cầu ấy, giảng viên phải nỗ lực hết mình.
Tâm lý bầy đàn
Hệ thống giáo dục đại học ở các nước "miễn dịch" thế nào với các giảng viên không đủ tài, đủ đức, thưa ông?
Ở đâu thì tôi không rõ, nhưng ở Úc, tôi nghĩ, giới quản lý đại học không ngạc nhiên nếu biết giảng viên của trường giảng dở. Phần lớn những người giảng dạy đại học là những nhà nghiên cứu và rất ít người được huấn luyện về kỹ năng giảng dạy. Tôi thấy họ thường khuyên các giảng viên bị sinh viên đánh giá kém về kỹ năng giảng dạy nên phải đi học một khóa về kỹ năng sư phạm (cũng giống như các nghiên cứu sinh không am hiểu cách viết bài báo khoa học được khuyên nên đi học các khóa học về viết văn trong khoa học).
Vì đặt nặng nghiên cứu khoa học, nên không có đại học nào bãi nhiệm giảng viên, chỉ vì họ giảng dạy kém. Tuy nhiên, ở Úc cũng có vài trường hợp giảng viên bị miễn nhiệm vì phạm tội "quấy rối tình dục". Dù là người tài cỡ nào mà phạm phải lỗi này thì sẽ bị cho nghỉ việc ngay, không bao giờ nhân nhượng. Do đó, các đại học Úc rất quan tâm đến các quy chuẩn đạo đức trong giảng dạy, như tuyệt đối không được dùng những từ ngữ mang tính phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tuổi tác... Tôi còn nhớ, vào thập niên 1990, có một ông giáo sư sử học rất nổi tiếng ở Melbourne bị yêu cầu từ chức vì ông có những lời lẽ xuyên tạc và xúc phạm đến người tị nạn gốc Việt Nam. Nói chung, giảng viên bị miễn nhiệm không phải vì lý do giảng dở, mà thường vì lý do vi phạm đạo đức sư phạm.
Ở Việt Nam, gần đây, có một giảng viên khi đứng lớp đã dùng quá nhiều từ được coi là tục tĩu. Ấy vậy nhưng việc đó lại được một bộ phận cộng đồng xem là chuyện bình thường. Ông lý giải chuyện này như thế nào?
Tôi cũng có theo dõi sự việc và cũng ngạc nhiên trước sự ủng hộ của nhiều sinh viên đối với vị giảng viên này. Tôi không biết căn nguyên từ đâu, nhưng tôi chú ý thấy những người ủng hộ và tán dương vị giảng viên đó phần lớn là "cư dân mạng". Phản ứng của cư dân mạng thì dĩ nhiên, không đủ chứng cứ để nói rằng, đa số sinh viên Việt Nam tán thành cách giảng của vị giảng viên đó. Có lẽ, cần phải có một khảo sát để tìm hiểu "hiện tượng" này.
Tuy nhiên, trước đây, tôi có đọc một khảo sát cộng đồng ở Việt Nam, mà trong đó, tác giả báo cáo rằng, phần lớn (trên 70%) sinh viên lên mạng thường để đọc báo, viết blog, vào Facebook, chat với bạn, chơi game, đọc truyện... tức là những việc làm giải trí, không mang tính học thuật cao. Do đó, có lẽ một số sinh viên kém khả năng về critical thinking, tức khả năng phân tích một vấn đề để đánh giá đúng sai, phân biệt giữa ngụy biện với lôgíc, hay khả năng đặt vấn đề. Những người này dễ bị chi phối bởi "hiệu ứng đám đông". Chỉ cần một vài người tung hô thì đám đông khác cũng hùa theo. Trong trường hợp đề cập, tôi không biết có hiệu ứng đám đông hay không, chỉ là giả thuyết thôi.
Làm thế nào để các bạn sinh viên ý thức được vai trò của họ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục?
Một đại học tốt bao gồm những sinh viên tốt. Thật vậy, nhiều khi, người ta đánh giá uy danh giữa các đại học dựa vào thành tựu của sinh viên. Tôi nghĩ, sinh viên trước hết cần rèn luyện khả năng critical thinking và tư duy phản biện, để phân biệt đúng và sai. Sinh viên cũng cần phải tập làm quen với cách phát hiện và giải quyết vấn đề, phải am hiểu những quy ước trong tranh luận học thuật. Ngoài ra, đại học cũng phải tạo điều kiện để sinh viên có tầm nhìn "big picture" - toàn cảnh. Đành rằng, học hành thì chỉ tập trung vào một chủ đề nhỏ và hẹp, nhưng cần phải đặt chủ đề đó trong bối cảnh lớn hơn, để biết mình đang ở đâu trong bối cảnh đó. Sinh viên đại học mà không nghĩ mình là thành phần tinh hoa trong xã hội thì người sinh viên đó chỉ là ở mức trung bình.
Người ta lo, nếu một ngày, các giảng viên có quyền ví von tục tĩu trên giảng đường, thế giới của các đại học sẽ thế nào?
Tôi thấy câu nói (đã được diễn giải) của Khổng Tử có thể trả lời cho câu hỏi này. Khổng Tử từng nói: "Nếu ngôn từ không được sử dụng đúng chỗ, thì những gì được phát biểu sẽ không hàm chứa ý nghĩa mà tác giả muốn nói; nếu những gì mình phát biểu vượt ra ngoài ý tưởng của mình thì những gì cần phải thực hiện sẽ không thực hiện được; và nếu những gì mình không thực hiện được, thì đạo đức và nghệ thuật sẽ suy đồi". Tuy nhiên, tôi nghĩ, giả thuyết câu hỏi đặt ra chắc chỉ là… giả thuyết thôi, vì trong thực tế vẫn có nhiều giảng viên giỏi và yêu nghề.
Theo ông, tinh thần của một đại học phải hội đủ các yếu tố nào?
Nếu trả lời ngắn, tôi nghĩ đến tinh thần khai sáng và tự do học thuật. Theo tinh thần khai sáng, đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất. Một đại học lý tưởng nên tôn trọng tinh thần tự do học thuật, trong đó, giảng viên và sinh viên có quyền tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy và tự do học hỏi và tìm hiểu.
Xin cảm ơn ông!