Hệ lụy của việc tạo áp lực cho con trẻ
(Dân trí) - Việc chăm sóc con trẻ, nhất là sức khỏe tinh thần, phải được các bậc phụ huynh thận trọng nhìn nhận một cách đúng mức. Đừng vô tình hay cố ý mà tạo áp lực nào cho trẻ bởi hệ lụy phía sau đó dẫn đến không ít câu chuyện buồn.
Những ngày đầu tháng 4/2012, chúng tôi đến thăm bệnh Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (VSKTTQG), bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Chưa phải là thời điểm căng thẳng của mùa thi nhưng nơi đây hàng ngày vẫn tiếp nhận những ca điều trị là học sinh, sinh viên (HS, SV). Nhiều em nhập viện với xuất phát từ một nguyên nhân chung - đó là sức ép từ sự kỳ vọng của gia đình, khi không đạt được thì lâm vào tình trạng rối loạn cảm xúc.
Bi kịch từ sự “kỳ vọng”
Đừng vô tình hay cố ý mà tạo áp lực cho con trẻ.
Qua tìm hiểu thì cô gái ngoài 24 tuổi, tên H (quê ở Bắc Giang) này có hoàn cảnh khá đặc biệt và éo le. Nhà có hai anh em, mẹ làm trong quán ăn, bố là công nhân nghỉ hưu, anh trai của H bị nghiện nên mọi hy vọng của gia đình đều đặt lên vai em. Học xong lớp 12, H được hướng thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Không đỗ vào trường H bị tổn thương tinh thần. Ban đầu em ngại tiếp xúc với mọi người, chỉ ngồi trong nhà. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán H bị suy nhược thần kinh và cho em rất nhiều các loại thuốc. Càng uống, gia đình càng thấy bệnh tình của H ngày càng nặng. Đến khi gia đình đưa em đến VSKTTQG thì theo BS Dũng đã quá muộn.
Bây giờ, lúc nào nói chuyện, H cũng cho biết mình học Kế toán, rồi học Sư phạm, sau đó chuyển thi ĐH Y và giờ muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc, sang Đài Loan để kiếm tiền cho gia đình.
Cùng chung cảnh ngộ, Th ở Cần Thơ là một HS xuất sắc của một trường THPT ở địa phương này. Thi ĐH đỗ vào ĐH Y Cần Thơ nhưng sau khi có kết quả thi, gia đình thấy Th chán ăn, ít ngủ, lúc nào cũng nói ôn bài. Đưa đi khám, bác sĩ cho Th uống thuốc. Ba tháng sau, bệnh tình của Th không đỡ mà người Th chỉ còn như xác ve. Gia đình cấp tốc đưa Th ra VSKTTQG. Sau khi tìm hiểu, các bác sĩ ở đây mới biết gia đình Th khá nghèo. Với lý do em học được nên bố mẹ đều kỳ vọng Th sẽ thay đổi số phận cho cả gia đình. Chính những kỳ vọng này đã khiến Th luôn có suy nghĩ lúc nào cũng phải cố gắng học giỏi để vươn lên sau này kiếm được thật nhiều tiền về nuôi gia đình.
Gần đây nhất, ngày 26/3, N.V.T, HS lớp 11 của một trường THPT (Hải Phòng) nhập VSKTTQG khi mà vừa thoát khỏi tử thần trong gang gang tấc.
Gia đình T không nghèo, ngược lại còn rất khá giả nhưng bố mẹ đều làm nghề buôn bán. Không muốn con theo nghiệp của mình nên bố mẹ luôn mong muốn T sau này phải được học hành đến nơi, đến chốn. Trúng tuyển vào lớp chọn Toán năm lớp 10 nhưng T không thể bắt kịp trong việc học tập nên sinh ra chán nản và dại dột tìm đến cái chết bằng thuốc ngủ nhưng bất thành. Sau đó T. vẫn đi học và hoàn thành được điểm số các môn ở các kỳ học dù không cao. Học ở lớp chọn toán 1 đến hết kỳ 1 của năm học lớp 11, gia đình đành phải xin chuyển em sang lớp chọn toán 2 vì Trọng tiếp tục tìm đến cái chết lần 2 bằng việc dùng dao cắt cổ tay tự tử.
BS Dũng cho biết: “Bệnh nhân T nhập viện trong tình trạng khá bình thường, tỉnh táo. Tuy nhiên, mỗi khi bệnh nhân nghĩ đến việc đi học, làm bài tập về nhà là ngay lập tức xuất hiện những tiếng nói chỉ huy, những ảo giác trong đầu. Bệnh nhân rất sợ việc đi học”.
“Cần có sự quan tâm và hiểu biết đúng mức”
Đó là những lời khuyên của BS Nguyễn Văn Dũng đối với các bậc phụ huynh trong việc phòng tránh rối loạn cảm xúc cho con em mình. Theo BS Dũng, về sinh lý của các cháu vị thành niên thì bình thường giấc ngủ phải đảm bảo từ 8 -12h/ngày. Thời gian chơi của các cháu cũng phải tương xứng. Ăn từ 1.800 - 2.200kcal/ngày. Khi không đáp ứng đủ yêu cầu này thì cơ thể trẻ rất dễ bị thay đổi bởi tác nhân môi trường bên ngoài.
Cũng theo BS Dũng, khi phát hiện ra các biểu hiện rối loạn của trẻ như rối loạn giấc ngủ, tính tình thay đổi, không chịu chăm chút cho bản thân mình. Hay ngồi trầm tư suy nghĩ, hoặc quá chú tâm vào việc gì… trong vòng khoảng 1 tuần thì nên đưa đến VSKTTQG để được chẩn đoán điều trị. Đây là những biểu hiện ban đầu của triệu chứng rối loạn cảm xúc.
“Các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt lưu ý là khi phát hiện triệu chứng rối loạn cảm xúc không nên đưa trẻ ngay đến các BS để uống các loại thuốc dưỡng não, tuần hoàn não cũng như không nên cúng bái hoặc uống thuốc lá. Đối với những trường hợp rối loạn giấc ngủ, đa số các BS không đúng chuyên khoa thường điều trị các loại thuốc như tuần hoàn não, đây là một sai lầm lớn. Điều này là nghiêm cấm tuyệt đối trong điều trị loại bệnh này. Ngay cả với những trẻ không có vấn đề gì, cũng không nên dùng nhiều thuốc bổ” - BS Dũng cảnh báo.
Nguyễn Hùng