Hãy thôi đi những đề thi theo trào lưu “ngắn hạn”!
Kiểm tra, đánh giá phải phân loại được năng lực thực chất của người học, khắc phục tình trạng học sinh học vẹt, học tủ, học lệch, ghi nhớ máy móc. Đề thi, kiểm tra (đề KT) không cào bằng năng lực người học, không đánh đố học sinh. Đề KT phải đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đa số học sinh, đồng thời phải phân hóa được năng lực, trình độ của từng em
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh là một trong những khâu quan trọng của quá trình dạy học. Những năm qua ngành giáo dục luôn chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá với tiêu chí hướng đến là khách quan, công bằng, thực chất, động viên người học.
Kiểm tra, đánh giá phải phân loại được năng lực thực chất của người học, khắc phục tình trạng học sinh học vẹt, học tủ, học lệch, ghi nhớ máy móc. Đề thi, kiểm tra (đề KT) không cào bằng năng lực người học, không đánh đố học sinh. Đề KT phải đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đa số học sinh, đồng thời phải phân hóa được năng lực, trình độ của từng em.
Thời gian qua, các trường THPT trên cả nước luôn có ý thức chủ động đổi mới nội dung và hình thức đề KT, tạo được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, các nhà giáo không tránh khỏi băn khoăn về sự “nở rộ” của phong trào ra đề KT theo trào lưu “ngắn hạn” trong thời gian gần đây. Hết “Bà Tưng”, “Lệ Rơi”, “Sơn Tùng M-TP” đến “Phương Mỹ Chi”, “Ánh Viên”, “Công Phượng”, “Hoài Lâm”; hết “Ngọc Trinh”, “Kha Cảnh Đằng” đến “Soái Ca”, “Hậu duệ mặt trời”, “thủy triều đỏ” ... Các đề KT này không chỉ xuất hiện ở các môn xã hội mà cả các môn tự nhiên. Người ta gọi đây là những đề KT “lạ”, “độc” rồi đưa lên mặt báo, dư luận đồng tình cũng nhiều mà phê phán cũng không ít.
Vậy để có cái nhìn khách quan, công bằng, trước hết hãy xét về tính khoa học của những đề KT kiểu này. Đề KT tất cả các môn, dù là tự nhiên hay xã hội, đều thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học, thể hiện tính khái quát trừu tượng, tính lý trí lô-gic và tính khách quan, phi cá thể. Vì vậy, đề KT không thể có những thông tin dư thừa, những dẫn dắt dài dòng, rườm rà. Xin dẫn chứng một số đề kiểu này như sau :
- “Để so sánh độ "hot" của hai thần tượng là ca sĩ Sơn Tùng M-TP và Lệ Rơi trong ca khúc Chắc ai đó sẽ về (ở đây là đánh giá chất lượng giọng của hai ca sĩ) thì theo bạn, ta chủ yếu dựa vào: A. Biên độ; B. Âm sắc; C. Độ to; D. Độ cao". (một câu hỏi trong đề thi ở Hải Dương);
- "Do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn nên ca sĩ Sơn Tùng - MTP đã bị sâu răng. Em hãy chọn hóa chất để giúp Sơn Tùng chữa sâu răng : A. SO2 , B. Cl2 , C. H2S , D. O3 " . (một câu hỏi trong đề thi ở Hải Phòng);
- Trong tập 1 bộ phim Hậu duệ của mặt trời, cảnh đại uý Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon (do diễn viên Song Hye Kyo thủ vai) thật ấn tượng. Giả sử chiếc điện thoại nặng 150g được đại uý ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất.
a)Tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném;
b) Tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến;
c) Ở độ cao nào thì có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó". (một câu hỏi trong đề thi ở TP HCM);
Những câu hỏi như vậy là thiếu mô phạm về mặt hình thức, yếu tố chủ quan của người ra đề lộ rõ, lại rườm rà, dài dòng không cần thiết.
Lấy hiện tượng “hotboy”, “hotgirl”, người nổi danh cho vào một vài câu hỏi để đề KT “độc”, “lạ”, như vậy đâu phải là đổi mới và liên hệ thực tiễn giáo dục. Dạng đề như vậy chẳng qua “trang điểm” một chút về hình thức, tác động vào tâm lý “vui vẻ trẻ trung” của học trò, lứa tuổi vừa mới lớn vô tư, hồn nhiên.
Có giáo viên quả quyết rằng, đưa Lệ Rơi, Soái Ca, Hậu duệ mặt trời ... vào đề thi đã tạo được sự hứng thú làm bài cho các em và chất lượng bài thi đạt kết quả tốt không ngờ (?!).
Đúng là cũng có chuyện “Mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng đâu vì thế mà học sinh làm bài tốt, kết quả cao hơn ? Đề KT như vậy không chỉ thiếu tính chuẩn mực khoa học, tính giáo dục mà còn làm mất thời gian, gây phân tán sự tập trung suy nghĩ của các em.
Những đề KT kiểu này chỉ phù hợp trong buổi ngoại khóa “Đố vui để học” mà thôi. Lấy Ánh Viên, Phương Mỹ Chi, Công Phượng để gợi nhắc các em về tiềm năng sức trẻ, lấy “thủy triều đỏ” để liên hệ vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước thì còn khả dĩ, chứ lấy Bà Tưng, Lệ Rơi, Soái Ca, Sơn Tùng - MTP “ngậm kẹo”, Hậu duệ mặt trời để làm cho đề thi “nóng”, “lạ” thì đó là điều lầm tưởng tai hại.
Liên hệ thực tế giáo dục không có nghĩa là đưa những vấn đề “nóng”, “sốt” vào đề thi hay mượn tên tuổi của một số người nổi danh mà lớp trẻ cho là “thần tượng showbiz” để đề thi hấp dẫn.
“Thực tế giáo dục” chính là cuộc sống, lịch sử, con người, xã hội trong nước và thế giới, xưa và nay. Truyền thống lịch sử hơn bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam không thiếu những bậc anh hùng hào kiệt, những danh nhân lưu danh sử sách và những con người vô danh thầm lặng cống hiến hết mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế giới không kể hết những tên tuổi lừng danh, những tấm gương vĩ đại mà sức lan tỏa của họ rộng khắp toàn cầu. Thế thì đâu có thiếu đề tài để các thầy cô giáo khai thác ? Những biểu tượng đẹp mang tính nhân văn, những giá trị bền vững được sàng lọc qua thời gian rất đáng để các thầy cô giáo đề cập, liên hệ thực tiễn, tạo cảm hứng tích cực học sinh, đặc biệt là giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho các em. Thế thì việc gì phải chạy theo những giá trị hào nhoáng nhất thời để tạo ra những đề KT theo kiểu trào lưu “ngắn hạn”?
Lê Xuân Chiến
GV trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước, Quảng Nam
Theo Lao Động