Hãy mặc kệ cối xay gió đi thôi?

Sự kiện Đồi Ngô” đang cho thấy ngành Giáo dục, dù vừa ra đề thi về sự dối trá - đang sợ học sinh trung thực. Sợ sự dũng cảm “sẵn sàng làm phụ xe” của các em.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1998/Clip-gian-lan-thi-tot-nghiep-tai-Bac-Giang.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Clip gian lận thi tốt nghiệp tại Bắc Giang</b></a>

Sợ hội chứng “Đông Ki Sốt xứ Vân Tảo, xứ Đồi Ngô” sẽ làm thổi bùng lên những “Rừng Khoai”, “Núi Sắn” khắp nơi.

Trong một bài trả lời phỏng vấn dài ngoằng với TTXVN, Bộ trưởng thể hiện quan điểm: “Nguyên nhân khiến các em học sinh nào đó đã quay clip là do còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai. Việc xử lý cần nhằm mục đích giúp các em trở thành người tốt”. Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang thì hoan nghênh kiểu “Giơ cây thước gỗ”: “Tôi hoan nghênh việc học sinh tố cáo vi phạm, nhưng em này vừa có công, vừa có tội”.

Thí sinh chép bài môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang.
Thí sinh chép bài môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang.

Ngay cả đến Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TS Đào Trọng Thi cũng cho rằng: “Tôi không ủng hộ cho việc bỏ qua vi phạm của thí sinh quay clip. Chuyện chống tiêu cực có nhiều biện pháp chứ không thể dùng một biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực. Bởi nếu chúng ta chấp nhận hành động đó sẽ có nhiều người lợi dụng để vi phạm, xã hội sẽ không có kỷ cương. Không thể nói tôi vi phạm pháp luật để tôi chống tiêu cực được”.

Và kinh nhất là Bắc Giang đưa cả công an vào để… điều tra. Đấy, thế là đủ, từ nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục, đến nhà giám sát giáo dục, thậm chí công cụ chuyên chính – đều thống nhất biểu dương thì biểu dương thật, nhưng “giơ thước gỗ” vẫn cứ phải “giơ thước gỗ”. Cứ chơi trò “đuổi hình bắt chữ” thì thấy việc xử lý cuối cùng của Bộ GD&ĐT là các học sinh quay clip tiêu cực đã sai, là không tốt. Và “cần xử lý để các em trở thành người tốt”. Không loại trừ khả năng là cái cậu học trò S nào đó muốn làm người trung thực, muốn dũng cảm sẽ sớm đạt nguyện ước ra đường làm phụ xe, hoặc xe ôm vì “chống tiêu cực bằng tiêu cực”.

Nhưng đến đây, không thể không nhắc lại đề luận về “thói dối trá” được rào đón “tinh tế đến từng centimét” rằng, “Thói dối trá là biểu hiện sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội”.

Sau triết lý về tiêu cực của TS Thi, dư luận không khỏi cảm thấy chua chát. Không lẽ “Nhìn thấy thì bảo là không nghe thấy. Nghe thấy thì bảo là không nhìn thấy” cho xứng với mấy chữ “không dối trá”? Không lẽ trung thực có nghĩa là phải… nhắm mắt khi nhìn thấy tiêu cực? Là phải yêu cái “cầu Kiều”, phải tả nó đẹp, phải nó kể hoàn hảo, phải hoan hô nó… gương mẫu ngay cả khi nó chi chít những “bãi phân đinh tặc”?

Thật tội cho câu hỏi muôn năm cũ của cuộc chiến chống tiêu cực: “Bằng chứng đâu”?

Những cơ quan quản lý thường xuyên đặt sau ba từ này một dấu hỏi (?), để biện minh cho việc hờ hững, sự che dấu, thói hiếu hành tích của họ trong việc “chống tiêu cực trong áo mình”. Những người chống tiêu cực, những nạn nhân của tiêu cực thì đặt sau đó một dấu chấm than (!), để thể hiện cho cái thở dài bất lực và chua xót cho sự thách thức, cho nụ cười ngạo mạn của tiêu cực.

Và bây giờ thì là sự chán nản khi tiêu cực trong thi cử được cho là “danh dự của ngành giáo dục”, khi bằng chứng về sự tiêu cực được xem xét dưới phạm trù pháp lý “đúng-sai”, bị soi xét dưới chiếc áo đạo đức “tốt-xấu”.

Thôi, cũng phải nói về một điều gì đó có tác dụng. Ít nhất “sự kiện Đồi Ngô” cũng đã buộc các nhà quản lý giáo dục phải lên tiếng, dù điều mà họ đang nói, cách mà họ đang nghĩ về cái “clip bằng chứng”, cho thấy họ đang sợ. Sợ rằng ủng hộ, ca ngợi, khen thưởng sự dũng cảm của các “Hiệp sĩ tài danh xứ Đồi Ngô”, sẽ làm bùng lên những tiêu cực ở khắp nơi, thứ đang được giấu kín trong những chiếc áo đạo đức mô phạm. Ngành giáo dục đang sợ học sinh trung thực. Sợ sự dũng cảm “sẵn sàng làm phụ xe” của họ.

Theo Đào Tuấn
Petrotimes