Bạn đọc viết:
Hãy khen con đã nỗ lực dù kết quả chưa làm ta hài lòng!
(Dân trí) - Mấy hôm nay, học sinh tiểu học ở quê tôi đang vào mùa ôn luyện cho bài kiểm tra giữa kỳ. Bé con nhà tôi mới lớp 2 cũng bắt đầu cuống cuồng vào guồng quay học bài, làm bài tập, luyện tập đề mẫu.
Sau một ngày miệt mài sáng chiều “cày” ở lớp, tối đến con lại lấy các đề ôn luyện cô giáo in sẵn để hoàn thành cho kịp ngày mai cô kiểm tra. Thấy con cắm cúi bên bàn học, lòng tôi dâng tràn tình thương vô bờ dành cho cô con gái bé nhỏ trước mặt sớm làm quen với áp lực học hành.
Điểm số ư? Khi nhiều bố mẹ vẫn đặt nặng học sinh tiểu học phải đạt điểm 10 trọn vẹn cho các bài thi cuối năm thì tôi vẫn thảnh thơi cho con vui đùa sau buổi học và luôn dặn con làm bài cẩn thận chứ chưa bao giờ ra lệnh con phải đạt điểm 10.
Vậy mà hôm vừa rồi khi vừa đón con tan trường, bọn trẻ ùa ra sân tranh nhau mách điểm sau khi kiểm tra hôm trước. Đón con trong vòng tay, nhiều bố mẹ hỉ hả “10 điểm hả con?”, “Thích nhé!”, “Con muốn thưởng gì nào?” và cũng không ít người cau mày gắt gỏng giữa sân trường: “Làm sai bài toán nào mà có 8 điểm?”, “Bài chính tả đó viết lui viết tới mà lên lớp viết vẫn sai là sao?”.
Mấy bé con mới 7 tuổi quay sang nhìn hai bạn đang bị bố mẹ mắng vì điểm số không như ý. Vẻ mặt cáu gắt của phụ huynh vẫn tiếp tục trưng ra giữa đám đông, chỉ tội cho con trẻ cúi đầu nín thin thít, sợ sệt. Dường như vẫn chưa hả cơn búc xúc, người mẹ trẻ quay sang kể tội với nhiều phụ huynh cùng lớp đang đứng đó.
“Các anh chị biết không, con bé nhà em không có tính cẩn thận hay hay mất tập trung khi làm bài lắm. Dặn dò kỹ lưỡng thế nào đi chăng nữa cuối cùng vẫn viết sai chính tả 1, 2 lỗi.”.
Người này chê con chưa dứt thì người khác đã tiếp lời: “Còn thằng con nhà tôi cũng hay sơ suất khi giải toán, mấy bài toán giữa kỳ dễ thế mà được có 8 điểm. Cháu nó vẫn đi học thêm đều đặn, lại còn giải toán trên mạng thường xuyên, chẳng hiểu sao điểm thấp thế?”.
Một vài phụ huynh lên tiếng giải vây, đại khái là con trẻ đã cố gắng và chỉ mới là đợt kiểm tra giữa kỳ nên hoàn toàn có thời gian để khắc phục điểm yếu của bọn trẻ. Vậy nhưng đáp lại lời khuyên của mọi người là lời đe dọa dành cho con trẻ: “Tối nay ba mày sẽ cho biết tay” và “Từ nay chỉ học, cấm chơi!”
Giá như những bậc sinh thành ấy có thể động viên con đừng buồn vì điểm số chưa như ý, bởi con đã nỗ lực lắm rồi. Giá như bố mẹ có thể hài lòng với kết quả con đạt được, bởi điểm 8, điểm 9 đâu phải là điểm xấu. Giá như mỗi người có thể bớt loay hoay, quay quắt tự hỏi sao không đạt điểm tuyệt đối để nhìn vào đôi mắt buồn bã, lo âu của núm ruột trước mặt…
Tiếc rằng chúng ta vẫn dồn thêm áp lực học hành, thi cử, điểm số, thành tích lên đôi vai con trẻ bởi lời chất vấn, thái độ thất vọng cùng tiếng đe nẹt mỗi khi con trẻ chưa đạt điểm số như ý. Dường như bọn trẻ dần nhận thức được rằng các con không phải học vì niềm vui, vì tương lai của bản thân mà vì… tham vọng của bố mẹ.
Bố mẹ nào cũng đặt kỳ vọng vào việc học hành của con trẻ. Nhưng kỳ vọng quá lớn vô tình lại hóa tham vọng. Và vì tham vọng nên đa phần mọi đứa trẻ đều phải rèn giũa biết bao năng khiếu từ hồi lên ba bất chấp con có nổi bật trong đàn, hát, múa, vẽ hay không. Vì tham vọng nên nhiều con trẻ phải học chữ trước khi vào lớp 1, phải học hè để nắm trước chương trình, đến kỳ thi lại phải gạo bài liên tục để đạt điểm cao.
Và vào mỗi mùa thi, có biết bao con trẻ lại chông chênh, sóng sánh nỗi lòng bởi nỗi sợ điểm thấp, sợ bố mẹ thất vọng, sợ bị quát mắng! Xin đừng làm đau con trẻ bằng chính thái độ phủ nhận nỗ lực của con trên bước đường học vấn…
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!