Hậu bầu cử, trường ĐH Mỹ trấn an, du học sinh Việt có nên lo lắng?
(Dân trí) - Việc Hoa Kỳ chuẩn bị có tổng thống mới - Donald Trump, người vốn đã có nhiều phát biểu cứng rắn về các vấn đề việc làm và nhập cư làm cho các sinh viên hiện đã, đang hoặc có kế hoạch sang học tại Hoa Kỳ không khỏi lo lắng. Nhưng đó chỉ là những nhận định ban đầu…
Phản ứng của các trường đại học Hoa Kỳ
Cần nói thêm rằng, chính các cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ, đặc biệt là các trường có nhiều sinh viên quốc tế, cũng lo lắng về kết quả bầu cử này. Nhiều trường đại học đã gửi thư trấn an tới toàn thể sinh viên, kể cả sinh viên Mỹ cũng như sinh viên quốc tế.
Một số trường hoặc khoa còn tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp giữa các cán bộ, giảng viên chủ chốt của trường với toàn thể sinh viên hoặc một nhóm sinh viên để giải đáp các thắc mắc và ổn định tinh thần cho sinh viên của họ.
Qua các hoạt động được tham dự tại chính ngôi trường của mình (ở bang Massachusetts), tôi có cảm giác rằng các nhà quản lý, cán bộ giáo dục, giảng viên đang cố gắng ổn định tinh thần, giảm thiểu các tác động của kết quả bầu cử tới quá trình học tập của sinh viên.
Một ông giáo sư trong chương trình tôi đang học có nói rằng: “Kết quả bầu cử sẽ không ảnh hưởng gì tới chương trình đào tạo và các cam kết hỗ trợ tài chính mà chúng tôi đã cam kết với các bạn. Vấn đề về thị thực du học sinh cũng sẽ không có thay đổi gì”.
Phản ứng của sinh viên tiềm năng
Tất nhiên, đây là trường hợp riêng của chương trình sau đại học và trường tôi đang học. Đối với bậc đại học, những ảnh hưởng của việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống trong 4 năm sắp tới có thể khó dự đoán hơn.
Một bài báo gần đây trên Inside Higher Education đưa ra một số luận điểm cho thấy các du học sinh tiềm năng có bày tỏ lo lắng về vấn đề này. Bài báo dẫn chứng một khảo sát trước bầu cử trên 1.000 sinh viên quốc tế tiềm năng.
Trong khảo sát này, khoảng 64% số người được hỏi trả lời rằng họ sẽ có xu hướng tới Mỹ học nếu bà Clinton trúng cử. Trong khi đó, chỉ có 10% số người trả lời rằng họ sẽ tới Mỹ học nếu Trump thắng cử. Như vậy, chúng ta có thể thấy được phần nào những ảnh hưởng tâm lý ban đầu tới các du học sinh tiềm năng.
Tuy nhiên, cũng trong bài báo này, bà giám đốc của Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) lại cho rằng giữa phát biểu khi tranh cử và chính sách thực tế của ông Donald Trump sẽ có khoảng cách nhất định. Do vậy, bà mong các gia đình và các sinh viên tương lai sẽ chờ thêm thời gian vài ba tháng tới để đưa ra các quyết định cuối cùng của mình.
Thư trấn an từ Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ gửi các sinh viên của trường.
Có nên đi Hoa Kỳ du học nữa không?
Từ kinh nghiệm và quan sát cá nhân của mình, tôi thấy rằng quyết định có đi du học Hoa Kỳ nữa hay không khi Donald Trump lên làm tổng thống phụ thuộc vào mục đích đi du học của từng cá nhân và mục đích đầu tư cho con sang Hoa Kỳ du học của các gia đình.
Nếu mục đích quan trọng nhất của việc du học là được học ở một môi trường đại học tiên tiến, có lợi cho quá trình trưởng thành và chuẩn bị tốt cho sự nghiệp thì việc đi du học ở Hoa Kỳ vẫn là một lựa chọn tốt.
Nếu mục đích tối thượng là học xong ở lại làm việc và định cư lâu dài ở Hoa Kỳ thì các du học sinh tiềm năng và các gia đình có thể sẽ phải cân nhắc và chờ tới khi có chính sách liên quan đến vấn đề này của chính quyền mới.
Có thể tân tổng thống Donald Trump và nội các mới sẽ thắt chặt hơn các chính sách về việc làm cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp trong một số lĩnh vực hoặc đối với một số đối tượng du học sinh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những nhận định ban đầu dựa trên các phát biểu trong quá trình tranh cử của vị tân tổng thống mà thôi.
Vì các chính sách tiếp theo của tổng thống mới đắc cử còn chưa rõ ràng và rất khó đoán, chúng ta rất khó có thể có được những nhận định chính xác về ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ vừa có tổng thống mới tới các cơ hội việc làm và định cư sau tốt nghiệp của các du học sinh ở nước này.
Trong bối cảnh đó, việc các du học sinh tương lai và gia đình nên làm lúc này là xác định rõ mục đích du học của mình và chuẩn bị tâm thế tốt nhất để sẵn sàng đón nhận mọi tác động có thể có của các chính sách liên quan tới du học sinh của chính quyền mới.
Phạm Ngọc Duy
Thạc sỹ về Quản lý giáo dục – Boston College, Nghiên cứu sinh về đo lường giáo dục – Đại học Massachusetts, Amherst, Hoa Kỳ