Hắt hiu trường nghề

Cơ sở vật chất hạn chế, chương trình giảng dạy không bắt kịp thực tế, nhiều trung tâm dạy nghề phải hoạt động cầm chừng

Dù đã 9 giờ nhưng Trung tâm Dạy nghề (TTDN) lái xe Trường An (quận Thủ Đức, TP HCM) vắng tanh, không có nhân viên tư vấn, ghi danh. Phòng làm việc, nơi tiếp nhận học viên (HV) của trung tâm cũng khá cũ, bàn ghế đầy bụi, trên tường có nhiều mảng bám. Nhiều người dân cho biết phương tiện giảng dạy của trung tâm đã lỗi thời, không còn hoạt động tốt nên HV đến đăng ký học lái xe ở đây ngày một thưa thớt.

Thiếu vật chất lẫn nhân lực

Tại TTDN và Đào tạo lái xe (số 247 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM) cũng không khá hơn. Phòng làm việc, học tập của trung tâm chật chội, bề bộn, thiếu ánh sáng. Khi được hỏi về chương trình đào tạo, nhân viên tư vấn đối phó: “Bây giờ dân toàn đi xe máy nên người học cần bằng A1 nhiều, còn mấy bằng khác thì ít lắm. Chủ yếu dân đến đây để đổi bằng”.

Người dân tham gia lớp dạy nghề trồng cây cảnh ở huyện Củ Chi, TP HCM Ảnh: Hồng Nhung
Người dân tham gia lớp dạy nghề trồng cây cảnh ở huyện Củ Chi, TP HCM Ảnh: Hồng Nhung

Đến TTDN quận 10, TP HCM, chỉ có lớp học về tóc, trang điểm, chăm sóc da, lái xe được mở thường xuyên. Do ít người đăng ký nên các khóa học như: sửa xe, cơ khí, điện tử chỉ khai giảng rải rác. Nhiều phòng học, phòng thực hành ở các tầng trên vẫn “đắp chiếu”. Nhiều máy móc, thiết bị sửa chữa đã cũ, được xếp co cụm lại ở các phòng, bụi bám dày.

Tương tự, cơ sở vật chất của TTDN quận Bình Tân cũng ở trong cảnh “hết hạn sử dụng”. Đơn cử, máy tiện để trong phòng thực hành là loại máy đã quá lỗi thời. Trung tâm không đủ phòng học, ở một số nghề (hàn, điện…), HV phải học lý thuyết và thực hành ở cùng 1 phòng.

Trụ sở xây mới, TTDN huyện Bình Chánh, TP HCM có đủ trang thiết bị đào tạo nghề căn bản nhưng lại thiếu máy móc hiện đại mà doanh nghiệp sử dụng. Giáo viên cơ hữu của trung tâm chỉ chiếm khoảng 13% lực lượng giảng dạy nên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu HV. Do đó, nhiều khóa học vẫn bị đình trệ, HV bỏ ngang.

“Có chứng chỉ nghề nhưng khi đi làm tôi vẫn phải học lại do máy móc ở công ty khác với máy đã thực hành ở chỗ học. Không chỉ tôi mà nhiều bạn học cùng cũng học lại như vậy” - anh Phan Quốc Nam, cựu HV của trung tâm, phản ánh.

Chán học nghề

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có 1.463 cơ sở dạy nghề, trong đó có 171 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 TTDN. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, chương trình giảng dạy chưa bắt kịp thực tế nên đa số TTDN không tìm được lối ra, phải hoạt động cầm chừng. Người dân cũng vì vậy mà ngán ngẩm, không thích học nghề.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết địa phương nào cũng có TTDN để đáp ứng nhu cầu học, tìm hiểu kiến thức nghề của người dân. Tuy nhiên, nhiều TTDN cho đến nay vẫn hoạt động bế tắc do thiếu giáo viên, không có HV.

Hầu hết TTDN đều không cập nhật khoa học công nghệ mới vì nhân lực, kinh phí hạn chế. Nhận biết thực tế trên, không ít người dân “né” học nghề. Không những vậy, nhiều lao động trẻ có tâm lý nóng vội, muốn nhanh chóng kiếm tiền nên không kiên nhẫn học nghề mà chọn cách làm công nhân, xe ôm... để có tiền ngay.

Theo kế hoạch của TP, 90% lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề đến năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình hoạt động không mấy khả quan của các cơ sở đào tạo nghề, mục tiêu này khó đạt được.

Theo ông Trần Tiến Đạt - Giám đốc TTDN huyện Nhà Bè, TP HCM - phần lớn đối tượng tuyển sinh của các TTDN có trình độ văn hóa thấp nên chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học nghề. Vì vậy, nhiều lao động dù thất nghiệp vẫn không hứng thú với học nghề. “Ngoài việc chủ động xây dựng, thiết kế chương trình, mô hình dạy nghề phù hợp với điều kiện, trình độ của người học, các trung tâm nên tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học nghề đến người dân” - ông nhấn mạnh.

Đào tạo phải gắn liền thực tế. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), cho rằng các địa phương chỉ tổ chức dạy nghề khi xác định được nơi làm việc và thu nhập cho người lao động. Các cơ sở đào tạo nghề cần dạy nghề theo xu hướng của thị trường lao động và nhu cầu của người dân.



Theo Báo Người lao động