Hành trình vươn lên từ "góc tối đơn độc" của nữ sinh Việt tại Mỹ

(Dân trí) - "Đợt này quay lại Mỹ, nghe tin một số người bạn cũ là du học sinh đã quyết định nghỉ một kì, về nước để điều trị bệnh tâm lý; thậm chí chứng kiến những người mạnh mẽ nhất và ý chí nhất mình từng biết bị quật ngã cũng bởi lí do này, mà thực sự mình đau lòng vô cùng...", Trần Khánh Linh - nữ du học sinh Việt tại Mỹ chia sẻ.


Trần Khánh Linh (phải) – tác giả bài viết hiện là du học sinh Mỹ.

Trần Khánh Linh (phải) – tác giả bài viết hiện là du học sinh Mỹ.

Mình vẫn luôn coi việc được đi du học là một may mắn, một đặc quyền không phải ai cũng có, nhưng quả thực du học không hề dễ dàng. Xen kẽ những niềm vui khi được đón nhận tri thức mới, trải nghiệm những văn hoá và đất nước mới, gặp được những người bạn từ mọi nền tảng, lai lịch, cũng là những khó khăn khó gọi thành tên.

Khoảng thời gian hạnh phúc cũng nhiều, nhưng những khoảnh khắc sự cô độc, lạc lõng ập đến bất chợt cũng không ít. Đủ đầy về vật chất, nhưng nhiều khi thiếu thốn về tinh thần, khi những rào cản về văn hoá, ngôn ngữ và lối sống cùng núi bài vở, công việc làm thêm và khí hậu khắc nhiệt kéo tụt năng lượng sống của bạn.

Gần đây nói chuyện với bạn bè, mình mới đối mặt lại với khoảng thời gian tối tăm trong học kì hai năm ngoái mà mình luôn muốn quên. Hồi đấy, nhìn bên ngoài thì mình vẫn bình thường, vẫn đi học và làm bài đầy đủ, điểm số vẫn tốt, nhưng thực ra bên trong mình không hề ổn. Suốt mấy tháng trời mình mất ngủ triền miên, thường là nửa đêm bắt đầu lên giường, nhưng phải đến 4, 5h sáng mới chợp được mắt. Và vài tiếng buổi đêm đó, mình khóc rất nhiều, khóc chẳng vì một lí do cụ thể nào, và khóc không dừng lại được cho đến khi mệt quá mà thiếp đi.

Mỗi sáng mở mắt ra, mình không muốn dậy, và có nhiều hôm cảm giác mất định hướng cuộc sống. Buổi trưa phần lớn mình không đi ăn cùng bạn bè, mà lấy đồ từ nhà ăn xong ăn một mình ở một góc thư viện. Bữa tối thì hôm có hôm không, và mình sợ nhất cảm giác phải bước vào nhà ăn trường nơi mọi người đều có nhóm có cặp, và mình thì chẳng có ai (vì bản thân tự chạy trốn khỏi các cuộc hẹn).

Thời gian ở trường của mình thời điểm đó chỉ là một chuỗi ngày sống vì trách nhiệm - học để qua được lớp, ăn uống để không chết đói chết khát, và ngủ vì quá mệt. Mình hiểu mỗi người đều đang có một cuộc đấu tranh thầm lặng, ai cũng có khó khăn, nên suốt một thời gian dài mình không kể cho ai, chỉ hi vọng rồi mọi chuyện sẽ qua.


Các bạn du học sinh không đơn độc trong cuộc chiến đầy khó khăn ở môi trường mới. Hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, chuyên gia tư vấn…

Các bạn du học sinh không đơn độc trong cuộc chiến đầy khó khăn ở môi trường mới. Hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, chuyên gia tư vấn…

Và rồi mình đỡ hơn thật, nhưng không phải tự bản thân mình làm được, mà vì có sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình. Mình cũng may mắn được học ở một trường mà mọi người rất thân thiện và tình cảm; nhiều người bạn tốt đã sẵn sàng ôm lấy mình và yêu thương mình khi mình khó khăn nhất. Nhưng điều đầu tiên vẫn phải là bản thân mình tìm đến họ, mặc dù ban đầu rất ngại, thậm chí xấu hổ, nhưng con người mà - chúng ta kết nối được là qua các câu chuyện, và phải mở lòng thì các rào cản mới được xoá bỏ.

Bây giờ những người bạn đó vẫn rất thân với mình, và bản thân mình sau 8 tháng trời xa Oberlin, đi khắp nơi và làm những thứ ngoài giới hạn trường học, giờ quay lại đã có thể ngắm nhìn trường theo một góc nhìn mới, và trân trọng hơn môi trường đã rèn giũa mình khiêm tốn, mạnh mẽ.

Nhưng mình biết có những trường khắc nghiệt hơn nhiều -- văn hoá cực đoan, ít sinh viên quốc tế và da màu, ít sự hỗ trợ và quan tâm tới các nhóm yếu thế/thiểu số, thậm chí có sự bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Ở những môi trường thiếu thân thiện thế này, nhiều khi để tìm kiếm sự giúp đỡ cũng không dễ dàng.

Hồi đó mình cũng chưa đi gặp counselor (chuyên gia tư vấn) để biết xem mức độ vấn đề tâm lý của mình đến đâu, nhưng mình biết bản thân bị nhẹ hơn rất nhiều những bạn xung quanh đang chống chọi với bệnh tâm lý.

Hôm nay mình chia sẻ những điều mang tính cá nhân này, muốn nói với các bạn du học sinh đang trải qua một giai đoạn khó khăn rằng: các bạn không đơn độc trong cuộc chiến này. Hãy nhớ bạn luôn có gia đình, bạn bè xung quanh yêu thương và quan tâm đến bạn, những người sẵn sàng lắng nghe và đồng hành để giúp bạn vượt qua. Đừng giữ khó khăn của mình cho bản thân, chia sẻ ra sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều. Nhưng những mối quan hệ từ xa, qua điện thoại là không đủ, sự tương tác giữa người với người trong trường rất quan trọng. Còn nếu bạn cảm thấy tình trạng của mình nặng hơn, đừng chần chừ mà hãy đến ngay counseling center (trung tâm tư vấn) để được giúp đỡ bởi những người có chuyên môn.

Bệnh tâm lý là bệnh thật, cũng giống như bệnh về thể chất như đau đầu, đau tay, nó cần phải được điều trị. Và bệnh tâm lý không thể hiện sự yếu đuối, đừng để những định kiến vớ vẩn này cản bước bạn đến gặp counselor. Sức khoẻ của bạn là quan trọng nhất, khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần mới có thể tận hưởng được khoảng thời gian du học quí giá này.

Cố lên, các bạn tôi ơi. Stay strong, my friends.

Trần Khánh Linh

(SV Ngành Truyền thông và Xã hội học, ĐH Oberlin, Mỹ)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm